Chủ tịch Quốc hội yêu cầu không để vỡ thị trường chứng khoán


Đăng đàn chiều nay, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh
khẳng định, quản lý không tốt, giá chứng khoán suy giảm, nhà đầu tư rút
vốn sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú
Trọng đồng tình: "Nếu có biến động bất thường, phải có phương án xử lý,
không để xảy ra đổ vỡ".



[table]




Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. Ảnh: TT.
[/table]
Đại biểu Trần Văn Tấn đặt câu hỏi: "Vấn đề xã hội
đang quan tâm là chứng khoán quá nóng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết
nguyên nhân do đâu, biện pháp gì để quản lý an toàn?"


Ông Ninh cho hay, thị trường chứng khoán bắt đầu mở
từ năm 2.000, kể từ giữa năm 2006 thì thực sự bùng nổ, đến nay, tổng
giá trị vốn hóa chiếm 38% GDP. "Chứng khoán phát triển là phù hợp chủ
trương của Nhà nước. Có kết quả đó là nhờ chính trị ổn định, tốc độ
phát triển kinh tế nhanh, hệ thống luật pháp đồng bộ, trong 5 năm tới
mục tiêu tăng trưởng GDP của VN vẫn ở mức cao trên 8%, đặc biệt là việc
VN tổ chức thành công APEC và là thành viên WTO", người đứng đầu ngành
tài chính khẳng định.


Đề cập đến những rủi ro khi thị trường phát triển quá
nóng, Bộ trưởng Ninh nhấn mạnh "Giá chứng khoán tăng nhanh, liên tục
qua nhiều phiên đấu giá, có những cổ phiếu chỉ số giá/lợi nhuận cao tới
40 -50 (mức bình thường khoảng 20 - PV)". Nguyên nhân của tình trạng
này là mất cân đối cung cầu, vốn đầu tư chứng khoán lớn có nguồn gốc từ
ngân hàng, cá nhân đầu tư ngắn hạn, quỹ nước ngoài rót khoảng 3 tỷ
USD".
Ông Ninh cũng nêu ra những quan ngại về thị trường OTC hoạt động
thiếu công khai minh bạch, thiếu sự quản lý có thể dẫn tới những trường
hợp lừa đảo, tự đánh bóng doanh nghiệp để đẩy giá cổ phiếu tăng. Dưới
hội trường Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cười tươi, tỏ ra đồng tình
với người kế nhiệm.


Định hướng quản lý trong thời gian tới, Bộ trưởng Tài
chính khẳng định, tiếp tục tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành
mạnh, hiệu quả an toàn nhưng tuyệt đối không để ảnh hưởng đến kinh tế
vĩ mô. "Nếu quản lý không tốt, giá chứng khoán giảm nhanh thì nhà đầu
tư bị ảnh hưởng, có thể tác động đến kinh tế xã hội. Vấn đề này có tầm
quan trọng đặc biệt, bản thân Thủ tướng và Phó thủ tướng đã làm việc
với ngành chứng khoán không dưới 10 lần"
, bộ trưởng chia sẻ.


Có 4 giải pháp được Bộ trưởng Tài chính đưa ra nhằm
chấn chỉnh hoạt động thị trường chứng khoán. Thứ nhất là tăng cung, đưa
ra nhiều loại hàng mới, có chất lượng, củng cố cầu bằng cách thu hút
nhà đầu tư tham gia, trong đó các tổ chức là nòng cốt. Chính phủ yêu
cầu các tổng công ty, các tỉnh thành phố rà soát lại danh sách công ty
cổ phần trực thuộc để bán bớt vốn nhà nước và yêu cầu doanh nghiệp "lên
sàn". Thứ hai, tổ chức nước ngoài vào kinh doanh ở VN phải mở tài khoản
ở ngân hàng để cơ quan quản lý có điều kiện theo dõi luồng vốn vào ra.
Hoạt động của thị trường OTC được "siết" bằng cách yêu cầu các công ty
đại chúng hoàn thành việc nộp hồ sơ đăng ký trước quý III, phát hành cổ
phiếu riêng lẻ phải báo cáo, công bố thông tin sai sẽ bị phạt. Bộ
trưởng Tài chính cũng đề cập đến thuế đánh vào thu nhập từ giao dịch
chứng khoán như một công cụ góp phần quản lý thị trường.


Ít câu hỏi, bộ trưởng dài dòng


Trái với dự đoán của giới báo chí rằng Bộ trưởng Tài
chính sẽ bị "quay" nhiều nhất về chứng khoán, ông Ninh chỉ nhận được
một chất vấn về chủ đề này trong số 12 câu hỏi.


Các vấn đề khác tập trung về cơ chế xin cho, quản lý
nhà công vụ, thuế, giá đất..., thậm chí một đại biểu còn chúc mừng ông
Ninh được giới thiệu bầu đại biểu Quốc hội kỳ tới. Nhiều câu trả lời
của Bộ trưởng quá dài dòng khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng 3
lần nhắc "Đề nghị bộ trưởng đi thẳng vào câu hỏi".


Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng tỏ thái độ
đồng tình với phần chuẩn bị trả lời bằng văn bản của Bộ trưởng Tài
chính là công phu, nghiêm túc, chi tiết, vấn đề thời sự hiện nay là thị
trường chứng khoán được trình bày rõ ràng. "Thị trường chứng khoán phát
triển là mừng nhưng không chủ quan được vì đây là vấn đề mới. Nếu có
biến động bất thường thì phải có phương án xử lý, không để xảy ra đổ vỡ
như bộ trưởng nói"
, Chủ tịch lưu ý.


Phong Lan

VNexpress.net