Các nhân tố tác động đến tỷ giá hối đoái:
Sau khi chế độ tiền tệ Bredtton Woods sụp đổ năm 1971, quan hệ tiền tệ giữa các nước được "thả nổi". Với cơ chế này, tỷ giá hối đoái của các nước biến động lên xuống do chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau.
1/ Chênh lệch lạm phát của hai nước làm ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái
Theo lý thuyết cân bằng sức mua, tỷ giá hối đoái phản ánh so sánh sức mua của đồng nội tệ so với đồng ngoại tệ hay mức giá trong nước và mức giá của nước ngoài. Vì vậy, khi chênh lệch lạm phát giữa hai nước thay đổi, tức là mức giá cả ở hai nước này thay đổi, tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền của hai nước đó sẽ biến động theo.
Nếu mức lạm phát trong nước cao hơn mức lạm phát của nước ngoài, sức mua của đồng nội tệ giảm so với ngoại tệ thì tỷ giá hối đoái có xu hướng tăng lên. Ngược lại, nếu mức lạm phát trong nước thấp hơn mức lạm phát ở nước ngoài, sức mua của đồng nội tệ tăng tương đối so với đồng ngoại tệ và tỷ giá giảm xuống.
Ví dụ, trước lạm phát, mặt hàng A bán tại Mỹ với giá 1USD, bán tại Việt Nam với giá 22.800 VND. Tỷ giá hối đoái USD/VND lúc này là 1 USD = 22.800 VND. Giả sử, năm 2018, mức lạm phát tại Mỹ là 3%, tại Việt Nam là 7% thì mức giá của mặt hàng A lúc này đã thay đổi. Ở Mỹ, mặt hàng A sẽ được bán với giá 1 USD + 1USD×3% = 1,03 USD. Tại Việt Nam, giá của mặt hàng A do tác động của lạm phát lúc này sẽ là 22.800 VND + 7%×22.800 VND = 24.396 VND. Tỷ giá USD/VND sau tác động của lạm phát là 1 USD = 24.396/1,03 = 23.685 VND. Như vậy, do chênh lệch lạm phát dương giữa Việt Nam và Mỹ, tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền này đã tăng lên. Nếu chúng ta giả sử ngược lại, tức là mức lạm phát ở Mỹ là 7% và ở Việt Nam là 3% thì tỷ giá sẽ giảm đi, nhỏ hơn mức 1 USD tương đương với 22.800 VND.
2/ Chênh lệch lãi suất giữa các nước
Nước nào có lãi suất ngắn hạn cao hơn thì luồng vốn ngắn hạn có xu hướng chảy vào nhằm thu phần chênh lệch do tiền lãi tạo ra, do đó sẽ làm cung ngoại hối tăng lên, cầu ngoại hối giảm đi và tỷ giá hối đoái có xu hướng giảm.
Để xác định mức lãi suất của một nước là cao hay thấp, thông thường người ta so sánh mức lãi suất của nước đó với các lãi suất quốc tế như lãi suất đi vay trên thị trường liên ngân hàng London LIBID, lãi suất quốc tế trên thị trường liên ngân hàng Singapore SIBID...
Cần lưu ý rằng, chênh lệch lãi suất có tác động tới sự biến động của tỷ giá nhưng đó chỉ là sự tác động gián tiếp chứ không phải trực tiếp bởi lãi suất trong nhiều trường hợp không phải là nhân tố quyết định tới sự di chuyển của các dòng vốn. Chênh lệch lãi suất phải trong điều kiện ổn định kinh tế chính trị thì mới thu hút được nhiều vốn ngắn hạn từ bên ngoài đổ vào.
3/ Tình hình thiếu thừa trong cán cân thanh toán quốc tế
Nhân tố này tác động trực tiếp đến quan hệ cung cầu ngoại tệ, thông qua đó tác động tới tỷ giá. Khi cán cân thanh toán bội thu, theo tác động của quy luật cung cầu ngoại tệ sẽ làm cho đồng ngoại tệ mất giá, đồng nội tệ lên giá, tỷ giá hối đoái giảm. Ngược lại, khi cán cân thanh toán quốc tế bội chi sẽ làm cho đồng ngoại tệ lên giá, đồng nội tệ mất giá, tỷ giá hối đoái tăng.
4/ Tình hình tăng trưởng hay suy thoái kinh tế
Nếu các yếu tố khác không đổi mà thu nhập quốc dân của một nước tăng lên so với nước khác thì nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ nước khác cũng tăng dẫn tới cầu ngoại hối tăng. Kết quả là tỷ giá hối đoái sẽ có xu hướng tăng lên.
5/ Yếu tố tâm lý và các hoạt động đầu cơ
Yếu tố tâm lý được thể hiện bằng sự phán đoán của thị trường về các sự kiện kinh tế, chính trị... từ những sự kiện này, người ta dự đoán chiều hướng phát triển của thị trường và thực hiện những hành động đầu tư về ngoại hối, làm cho tỷ giá có thể đột biến tăng, giảm trên thị trường.
Ngoài ra, tỷ giá hối đoái còn phụ thuộc vào chính sách có liên quan tới quản lý ngoại hối, các sự kiện kinh tế - xã hội, các rủi ro bất khả kháng như chiến tranh, thiên tai...