Nói về ấn tượng cá nhân một chút thì đối với chúng tôi, MPC là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi tạo ra được một cảm xúc rất đặc biệt – cảm giác tự hào khi có một doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn lên đứng đầu cả thế giới, dù chỉ là trong một lĩnh vực nhỏ. Năm 2017 MPC là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, với giá trị xuất khẩu đạt 698 triệu USD và thị phần toàn cầu đạt 6%. Sắp tới đây, có lẽ MPC sẽ bước sang một trang mới khi có thêm sự hợp tác của đối tác chiến lược Nhật Bản để cải thiện hơn nữa kênh phân phối. Theo chúng tôi, đây là con đường tất yếu để doanh nghiệp vươn lên, tuy nhiên việc phát hành cũng tạo ra rủi ro về giá trị cho những nhà đầu tư vẫn muốn nắm giữ cổ phần của MPC.

1. ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Hưởng lợi trong việc xuất khẩu sang Mỹ nhờ nền tảng tài chính tốt và thương hiệu lâu năm: MPC hiện là doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đứng đầu tại thị trường Mỹ. Nhờ có nền tảng tài chính vững vàng (quy mô tài sản đến hết 2018 đạt hơn 9.000 tỷ đồng), và thương hiệu lâu năm mà MPC có lợi thế cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác. Cụ thể hơn, MPC có thể vượt qua được một số rào cản thuế cũng như kỹ thuật của Mỹ đặt ra mà không phải doanh nghiệp xuất khẩu tôm nào cũng làm được, từ đó chiếm lĩnh thị phần nơi đây. Gần đây nhất là chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản của Mỹ (tức SIMP) - một rào cản kỹ thuật mới của Mỹ, có hiệu lực vào 31/12/2018. Rào cản này được đánh giá là phức tạp và khó vượt qua hơn cả rào cản thuế chống bán phá giá, tuy nhiên theo ban lãnh đạo MPC thì việc khai báo thông tin nhập khẩu vào Mỹ do công ty con tại Mỹ là MSeafood đảm nhiệm, với thông tin về toàn bộ quá trình từ nuôi trồng đến thu hoạch được lưu trữ và cho phép truy xuất trực tuyến bởi phần mềm quản lý mua từ Microsoft. Nhờ vậy, nhìn chung MPC không gặp trở ngại nào đối với SIMP. Bên cạnh đó từ năm 2016, sau khi vụ kiện của Việt Nam đối với Mỹ lên WTO, thuế chống bán phá giá của MPC vào thị trường này đã giảm về mức 0%, là một lợi thế lớn của công ty trước nhiều đối thủ khác.

- Nâng cao năng lực sản xuất nhờ công nghệ nuôi trồng mới: Theo MPC, công nghệ nuôi trồng mới mà công ty đang áp dụng (tức công nghệ 2-3-4) sẽ cho năng suất gấp 10 lần công nghệ cũ nếu nuôi 3 vụ/năm, hoặc tới 17 lần công nghệ cũ nếu nuôi 5 vụ/năm (công nghệ cũ chỉ nuôi 2 vụ/năm). Năm 2019, công ty sẽ triển khai công nghệ nuôi mới trên diện tích 200 ha (trong tổng số 900 ha vùng tự nuôi). Sản lượng tự nuôi năm 2019 dự kiến đạt 11.080 tấn, đáp ứng 10% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến. Đến 2021, công ty sẽ triển khai công nghệ mới trên toàn bộ vùng tự nuôi, và tỷ lệ tự chủ nguyên liệu dự kiến đạt mức mục tiêu 50% vào năm 2033. MPC kỳ vọng ngành tôm Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi công nghệ nuôi mới tiếp tục được nhân rộng, cung cấp được nguồn tôm dồi dào với chất lượng cao giá thành thấp.

2. VẤN ĐỀ REVIEW

- Phát hành riêng lẻ cho các đối tác chiến lược để cải thiện hệ thống phân phối: Năm 2019 MPC sẽ phát hành cho một số đối tác chiến lược Nhật Bản có thể hỗ trợ công ty phát triển hệ thống phân phối (trong đó nổi bật là tập đoàn Mitsui). Trong chuỗi giá trị tôm của MPC, từ nuôi tôm, chế biến tôm đến xuất khẩu, vấn đề lớn nhất của công ty đang nằm ở khâu phân phối. Công ty hiện chỉ đang xuất khẩu theo hình thức B2B mà chưa thể triển khai B2C. Nếu phân phối B2C, giá bán của công ty sẽ cao hơn mức giá hiện nay đến 30%. Biên lãi ròng khi đó, theo tính toán của công ty, sẽ đạt 15% so với mức 5 - 6% hiện tại. Dự kiến MPC sẽ phát hành thêm 75,7 triệu cổ phiếu (trị giá ước tính khoảng 230 – 250 triệu USD), kết hợp với 0,5 triệu cổ phiếu ESOP 2019, giá trị cổ phiếu sẽ bị pha loãng đi đáng kể. Bù lại, MPC cũng đặt ra một kế hoạch kinh doanh đầy “hoài bão”, xấp xỉ mức tăng trưởng 150%. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng kế hoạch của MPC, đã được chứng minh qua lịch sử đặt kế hoạch của doanh nghiệp này, khó có khả năng mà hoàn thành trước việc nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường đầu ra chưa có được tính ổn định cao.

- Giá trị cổ phiếu: Với một khối lượng lớn cổ phiếu phát hành riêng lẻ và ESOP như đã nêu trên, dù có đạt mức tăng trưởng 50% trong năm nay thôi thì EPS F2019 của MPC cũng chỉ mới ở mức 5.000 đồng. Xét theo mức P/E trung bình ngành hiện tại là 8x (cũng là P/E hiện tại của MPC) thì mức giá đâu đó cũng chỉ khoảng 40.000 đồng. Như vậy, với việc phát hành trong năm nay, có thể vùng giá hiện tại đã trở thành vùng giá mục tiêu của cả năm luôn rồi, nên sẽ khá rủi ro cho những nhà đầu tư muốn tiếp tục nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp.

#MPC_TrueValueCapital