Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 1,031.61 điểm (tương đương 3.56%) xuống 27,960.80 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 3.35% còn 3,225.89 điểm và chỉ số Nasdaq Composite sụt 3.71% xuống 9,221.28 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones kể từ tháng 02/2018. Dow Jones cũng xóa sạch đà tăng trong năm 2020 và hiện giảm 2% từ đầu năm đến nay. S&P 500 cũng ghi nhận phiên tồi tệ nhất trong 2 năm và xóa sạch đà tăng từ đầu năm đến nay.

Những cái tên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đầu đà sụt giảm trên Phố Wall. Các cổ phiếu hàng không là Delta và American đều lao dốc hơn 6%, trong khi cổ phiếu United sụt 5.4%. Cổ phiếu của các công ty sòng bạc Las Vegas Sands và Wynn Resorts đều mất ít nhất 5.2%. Cổ phiếu MGM Resorts giảm 5.4%.

Cổ phiếu các nhà sản xuất con chip cũng nhuốm sắc đỏ. Cổ phiếu Nvidia “bốc hơi” 7.1%, trong khi cổ phiếu Intel rớt 4%. Cổ phiếu AMD lao dốc 7.8%. Chứng chỉ quỹ VanEck Vectors Semiconductor ETF giảm 4.5%.

Cổ phiếu Apple và các nhà cung cấp cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone mất 4.8%. Cổ phiếu Skyworks Solutions và Qorvo đều giảm hơn 1.8%.

Các thị trường nước ngoài cũng chìm trong sắc đỏ. Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu sụt hơn 3%, còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 3.9%. Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 1.8%.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cho biết sự lây lan COVID-19 đã làm nền kinh tế Mỹ suy yếu, nhưng lưu ý tăng trưởng vẫn khỏe mạnh. “Kinh doanh bị giảm nhưng giảm từ mức rất tốt”, ông Buffett nói với hãng tin CNBC.

Sự bùng phát COVID-19 được báo cáo đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng đã nhanh chóng lan rộng ở các quốc gia khác, đặc biệt là ở Hàn Quốc và Italy, với số ca nhiễm tăng đột biến trong những ngày gần đây.

Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên “mức cao nhất” vào cuối tuần qua, với số ca nhiễm tăng đột biến đã đẩy tổng số ca nhiễm của nước này lên hơn 800 người – khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia có số ca nhiễm bệnh nhiều nhất ngoài Trung Quốc đại lục.

Trong khi đó, phía ngoài châu Á, cho đến nay Italy là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, với hơn 130 ca nhiễm bệnh và 3 trường hợp tử vong.

Trong những ngày đầu sau khi dịch bệnh bùng phát, nhiều chuyên gia kinh tế đã dự báo về sự phục hồi hình chữ V, nghĩa là lao dốc trước khi phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhà đầu tư đang đổ xô về các tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu Chính phủ Mỹ hay vàng.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lùi xuống 1.369% vào ngày thứ Hai, đóng cửa ở mức thấp nhất mọi thời đại khoảng 1.36%. Lợi suất thường di chuyển ngược chiều với giá. Các hợp đồng vàng tương lai vọt 1.7% lên 1,676.60 USD/oz và chạm mức cao nhất kể từ tháng 01/2013.

Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, vọt hơn 7 điểm, tương đương 46%, lên 25.04.