Tình cờ một ngày tản mạn cuối tuần chiêm nghiệm về sự điên rồ của con người, chúng tôi bắt gặp một câu châm ngôn của huyền thoại đầu tư Sir John Templeton:
"Bốn từ đắt giá nhất trong tiếng Anh, chính là: Lần này sẽ khác (This time it's different)."

Ngẫm lại mới thấy câu này đúng đắn sao! Từ cuộc Đại khủng hoảng 1929, bong bóng dotcom 1999 đến khủng hoảng tài chính 2008, khi đang hưng phấn trong lợi nhuận, người ta nghĩ rằng: "Lần này sẽ khác, tất cả người dân Mỹ sẽ trở nên giàu có...". "Lần này sẽ khác, những kẻ cổ lổ sỉ như Buffett đã hết thời rồi, những công ty dot-com sẽ tăng trưởng như tên lửa." "Lần này sẽ khác, tát cả người dân Mỹ sẽ có nhà, ngành bất động sản và tài chính sẽ tăng trưởng với tốc độ hai chữ số vĩnh cửu..."

Người ta quên hết đi những bài học đau đớn trong quá khứ, những nguyên tắc vĩnh cửu. Vậy thứ nguyên tắc vĩnh cửu đó là gì?
(1) Giá trị thực của doanh nghiệp và thời gian là sức mạnh vĩnh cửu. Trong ngắn hạn, giá cả được quyết định bởi số đông. Song trong dài hạn, tất cả những kỳ vọng viễn vông hay những lo sợ cảm tính sẽ trở về tình hình kinh doanh và định giá hợp lý.
(2) Con người - đặc biệt là đám đông - luôn luôn điên rồ. Họ hành động theo tâm lý, tin rằng những sự kiện xảy ra gần nhất (recent events) là dấu hiệu cho xu hướng vĩnh viễn. Nếu ta không có tư duy độc lập, và dần hòa mình vào đám đông một cách chủ quan, sớm muộn ta phải trả giá rất đắt.

Giờ đây, ở một đất nước nhỏ bé và chớm nở nhanh chóng như Việt Nam, người ta lại thấy một thế hệ đầu cơ nối bước, tin rằng "lần này sẽ khác". Họ đầu cơ bằng vay nợ, tin rằng tăng trưởng trong một năm bong bóng là dấu hiệu cho một tương lai vĩnh hằng. Trong bối cảnh điên rồ ấy, chỉ những nhà đầu tư giá trị am hiểu triết lý đầu tư, mới lùi lại một bước. Họ nhìn người, nhìn lại mình, rồi mỉm cười ung dung tự tại, chờ đợi dòng đời trở về nguyên lý cốt lõi của nó...
Saigon, 18.07.2018, Filologos
Golden Newsletter Vietnam (newslettervietnam.com)