Các thị trường chứng khoán toàn cầu lại lao dốc trong phiên 12/3, với một số thị trường giảm điểm mạnh nhất trong nhiều thập niên, khi các biện pháp khẩn cấp mà các ngân hàng trung ương thực hiện đã không xoa dịu được lo ngại trước những thiệt hại kinh tế gia tăng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trên Phố Wall, chỉ số Dow Jones chốt phiên mất 10%, giảm khoảng 2.350 điểm, xuống 21.200,62 điểm trong một phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1987. Chỉ số S&P giảm 9,5%, xuống 2.480,64 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 9,4%, xuống 7.201,8 điểm.

Thị trường chứng khoán London cũng ghi nhận phiên mất điểm mạnh nhất kể từ năm 1987 và thị trường Frankfurt có một ngày đen tối nhất kể từ năm 1989, khi Bức tường Berlin sụp đổ. Thị trường chứng khoán Paris cũng mất điểm chưa từng có.

Chỉ số FTSE 100 của London giảm 10,9 %, xuống 5.237,48 điểm. Chỉ số DAX 30 của Frankfurt để mất 12,2%, xuống 9.161,3 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris sụt 12,3%, xuống 4.044,26 điểm. Chỉ số FTSE-Mib của Milan giảm 16,9%, xuống 14.894,44 điểm.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm điểm mạnh và thị trường Sydney trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Khi Italy dừng các hoạt động kinh doanh và tổng số ca nhiễm trên toàn cầu tiếp tục tăng, Phố Wall chịu sức ép trước một loạt thông báo cho thấy các hoạt động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể chậm lại.

Người phụ trách chiến lược thị trường của Prudential Financial, ông Quincy Krosby, cho rằng việc thị trường chạm đáy là một quá trình, sẽ không diễn ra trong một ngày. Theo ông Krosby, tình hình hiện nay gây lo ngại về một cuộc suy thoái và vấn đề là nếu suy thoái xảy ra, mức độ nghiêm trọng đến đâu và liệu nền kinh tế có phục hồi trong nửa cuối năm hay không.

Bên cạnh đó, thông báo bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cấm các chuyến bay từ châu Âu trong 30 ngày đã làm lung lay thêm mối quan hệ song phương và khiến các hãng hàng không ở cả hai bờ Đại Tây Dương chịu tác động.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ có thời điểm cắt được đà giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh New York thông báo thực hiện các biện pháp nhằm bơm thêm 1.500 tỷ USD tiền mặt vào các thị trường tài chính trong tuần này và khởi động chương trình nới lỏng định lượng.

Tuy nhiên, tác động tích cực đến thị trường chỉ là tạm thời. Trong khi đó, các biện pháp khẩn cấp mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo cũng không trấn an được các nhà đầu tư.

ECB quyết định tăng cường chương trình mua trái phiếu và các khoản cho vay giá rẻ cho các ngân hàng thương mại, nhưng lại khiến thị trường bất ngờ với quyết định giữ nguyên lãi suất và hoạt động bán ra diễn ra mạnh hơn.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 12/3, chỉ số VN-Index giảm 5,19% xuống 769,25 điểm, còn chỉ số HNX-Index hạ 3,41% xuống 101,92 điểm./.