Không thể phiêu lưu cùng ngân hàng

Ông Bùi Kiến Thành

Nhà nước không có nhiệm vụ duy trì mặt bằng lãi suất bất hợp lý vì lợi ích cục bộ của một bộ phận ngân hàng quá tham lam và yếu kém, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho biết.
Trước năm 2008, mỗi khi các ngân hàng thương mại vượt trần lãi suất huy động hay lãi suất cho vay, hoặc cộng thêm các loại phí ngoài quy định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản nhắc nhở, cảnh cáo và áp dụng các biện pháp chế tài. Nhưng từ năm 2008 đến nay, theo chuyên gia tài chính cao cấp Bùi Kiến Thành, NHNN cũng không còn quán triệt đầy đủ các quy định. “Ban đầu thì làm ngơ để cho các ngân hàng thương mại cộng thêm các loại phí, tiếp đến là cho phép áp dụng lãi suất đồng thuận, thỏa thuận và cuối cùng là lãi suất theo thị trường, bất chấp quy định hạn chế mức lãi trên hệ thống ngân hàng”, ông Thành cho biết.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành được biết đến là người Việt đầu tiên được đào tạo về tài chính tại Mỹ. Năm 1991, ông trở về Việt Nam để tư vấn cho Chính phủ trong nhiều lĩnh vực đầu tư tài chính và đối ngoại.
Quan điểm của ông về việc cố gắng hạ mức lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp khoảng 16-17% của một số nhà quản lý ngân hàng đưa ra vừa qua?
Lãi suất 16-17% là quá cao, doanh nghiệp không thể phát triển sản xuất kinh doanh, vì vậy không thể nói là “cố gắng hạ mức lãi suất được”. Sở dĩ lãi suất cao như vậy là do một số Ngân hàng thương mại đã lạm dụng kẽ hở của các cơ quan quản lý để tăng lãi suất huy động, rồi đẩy lãi suất cho vay lên vượt trần quy định. Hệ lụy là trật tự của hoạt động ngân hàng thương mại bị phá vỡ, đua nhau đẩy lãi suất huy động và cho vay, khiến doanh nghiệp lâm vào khó khăn, chi phí sản xuất tăng vọt, giá thành leo thang, chỉ số giá tiêu dùng bốc cao.
Nhận định được nguy cơ này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng, cơ quan quản lý tiền tệ vận dụng tất cả các công cụ điều tiết để kéo lãi suất xuống, khẳng định rằng đây là nhiệm vụ chính trị của NHNN trong ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo phát triển theo tiến độ đã được Quốc hội thông qua. Nhưng đến nay, NHNN chưa có kế hoạch nào và các cơ quan hữu quan cũng chưa có chính sách nào để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Từ nay đến cuối năm nếu không có điều chỉnh quyết liệt, không những các mục tiêu của Nghị quyết 11 sẽ không thực hiện được, mà một phần không nhỏ doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khả năng phá sản, nền kinh tế có cơ đình đốn, an sinh và an ninh xã hội cũng khó bảo đảm.
Nếu lãi suất cho vay được hạ xuống đến mức hợp lý theo quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp, tức là dưới 10%, tác động tức khắc là một số lớn doanh nghiệp sẽ hồi sinh và tìm lại được năng lực canh tranh trên thị trường xuất khẩu cũng như nội địa. Nhưng nguy cơ là dòng vốn tín dụng có khả năng bị chảy qua các lĩnh vực phi sản xuất, đầu cơ, làm bốc cháy hiểm họa lạm phát. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng nghiêm túc làm tròn nhiệm vụ quản lý nhà nước và áp dụng nghiêm khắc các biện pháp chế tài, thì việc lạm dụng từ các doanh nghiẹp cũng như khả năng tiêu cực từ hệ thống ngân hàng thương mại cũng sẽ được hạn chế. Không thể vì sợ không đối mặt nổi với hành vi tiêu cực mà không áp dụng một chính sách đúng đắn; Nhà nước không thể để cho nền kinh tế phá sản vì sợ không đủ năng lực điều hành.
Một tác dụng phụ khác là một số ngân hàng thương mại sẽ gặp khó khăn tiêu thụ lượng tiền huy động với lãi suất quá cao trước đây. Tuy nhiên các nguồn vốn này vẫn có thể dùng vào các loại tín dụng có thể chấp nhận được lãi suất cao. Dù sao hệ thống ngân hàng thương mại cũng không thể buộc toàn bộ nền kinh tế phải gánh chịu hành động phiêu lưu của mình trong cuộc chiến lãi suất đầy nguy hiểm rủi ro. Nhà nước không có nhiệm vụ duy trì mặt bằng lãi suất bất hợp lý vì lợi ích cục bộ của một thành phần ngân hàng thương mại quá tham lam và yếu kém.
Lúc này có nên đưa ra một gói giải pháp kinh tế như hồi 2009?
Năm 2009 với gói kích cầu bằng phương thức bù lãi suất 4 điểm phần trăm là một nghịch lý mặc dù có đem lại một phần nào kết quả trong việc giảm thiểu nguy cơ suy thoái do cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu.
Nghịch lý thứ nhất phát sinh từ tư duy bao cấp và tình trạng thiếu kiến thức về quản lý chính sách tiền tệ của một quốc gia. Trong thế giới hiện đại khi nhà nước muốn hạ mặt bằng lãi suất, các ngân hàng trung ương tháo khoán cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất thấp để ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay lại với lãi suất thấp, không ai dùng tiền ngân sách để trả lãi suất cho ngân hàng thương mại cả.
Nghịch lý thứ 2 là bù lãi suất cho vay vốn lưu động theo đối tượng thay vì theo dự án. Dòng vốn vay không có một định hướng nào minh bạch, rõ ràng, hệ lụy là đã gây ra một cơn đột biến tăng tín dụng, chảy vào các lĩnh vực phi sản xuất, mà cho đến nay vẫn còn hệ quả.
Nếu giả sử lại tiếp tục đề xuất một gói giải pháp kinh tế tương tự thì hệ lụy sẽ kéo nền kinh tế Việt Nam đến một cuộc đột biến tăng trưởng tín dụng mới, không định hướng và lạm phát sẽ bùng nổ tồi tệ hơn những gì chúng ta đã thấy trong những năm qua và những gì đang ra sức cứu chữa. Đồng thời thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên đến mức vượt tầm kiểm soát, ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của trái phiếu nhà nước cũng như mặt bằng lãi suất doanh nghiêp nói chung. Chung cuộc là chúng ta sẽ tự tạo cho nền kinh tế một bệnh mãn tính không có thuốc điều trị.
Hiện đang có tác dụng phụ có lợi cho một số ngân hàng nhưng rất nhiều doanh nghiệp chịu thiệt khi Nhà nước thu hẹp tăng trưởng tín dụng để chống lạm phát. Ông có nghĩ vậy không?
Chính sách thu hẹp tăng trưởng tín dụng và đẩy lãi suất lên cao với mục đính kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chưa thực sự phát huy tác dụng như mong đợi. Chỉ số giá tiêu dùng vẫn tiếp tục leo thang, cộng đồng doanh nghiêp vấp phải khó khăn và nền kinh tế chúc đầu đi xuống. Từ kinh tế học gọi là bệnh trầm kha suy thoái trong lạm phát. Đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh táo nhận định rõ thực tế kinh tế và những tác động của các chính sách đã qua. Đã đến lúc các viện nghiên cứu phải làm tốt hơn nhiệm vụ dự báo và nhận diện đúng mức những nguy cơ trước mắt.
Mục đích của Nghị quyết 11 là ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tăng truởng trong phạm vi có thể, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội. Có nghĩa là cần phải tạo lên môi trường và điều kiện cho kinh tế phát triển ổn định bền vững (tức là cho doanh nghiệp hoạt động ổn định bền vững), không để xảy ra lạm phát, mà cũng không để xảy ra thiểu phát. Nghị quyết 11 không có chủ đích tạo khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, nguồn động lực của nền kinh tế. Nếu chính sách tiền tệ có triệu chứng đưa đa số doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản, như báo cáo của Phòng Thương mại và Công nhiệp Việt Nam (VCCI) cảnh báo, thì các cơ quan chức năng cần phải lắng nghe và nghiên cứu các biện pháp điều chỉnh. Nhà nước không thể làm ngơ và tự cho mình hoàn toàn có lý mà không quan tâm đến thực tế cộng đồng doanh nghiệp đã cảnh báo.
Một số chuyên gia tài chính đến từ các quỹ đầu tư cho rằng, chính sách tiền tệ không nên quá chú trọng vào lãi suất thực dương. Theo ông, Việt Nam có nên bỏ tư duy này?
Chính sách tiền tệ và lãi suất là để phục vụ cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững. Lãi suất thực dương không phải là cứu cánh, là mục đích của chính sách tiền tệ. Trong một tình thế, một hoàn cảnh nhất định, cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ nghiên cứu và quyết định áp dụng một mặt bằng lãi suất phù hợp cho nền kinh tế phát triển, hoặc tăng tốc, hoặc giảm tốc, không để xảy ra lạm phát hay thiểu phát; tất cả với mục đích là tạo công ăn việc làm cho tất cả người dân có sức lao động được có việc làm phù hợp với năng lực của mình. Tiền vốn cũng là một thành phần của nền kinh tế, cần phải phục vụ cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững, không thể có ưu tiên thực dương nếu lãi suất thực dương không đáp ứng cho nhu cầu phát triển trong một thực tế kinh tế nhất định.
Vì lẽ trên, các nước có hệ thống tài chính phát triển không đặt nặng lý thuyết lãi suất thực dương. Mặt bằng lãi suất là để phục vụ cho phát triển kinh tế ổn định bền vững. Và mặt bằng lãi suất dược các có quan chức năng quản lý chứ không phải thị trường quản lý như nhiều người có thể nhầm tưởng. Nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng và đứng đầu là ngân hàng trung ương là phải bảo đảm cung ứng đầy đủ lưu lượng tiền và tín dụng cho nền kinh tế hoạt động ổn định. Ngân hàng trung ương có nhiệm vụ theo dõi lưu lượng tiền tệ từng ngày và khi nào có tín hiệu bất thường là phải thực hiện nhiệm vụ điều tiết để bảo đảm nền kinh tế không quá nhiều tiền để xảy ra lạm phát (bằng cách bơm tiền ra) và không quá ít tiền khiến doanh nghiệp gặp phải khó khăn (bằng cách bơm tiền vào). Nó như huyết áp trong cơ thể vậy, phải điều chỉnh để ổn định.
Ý kiến của ông về đề nghị giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2011?
Mức tăng trưởng tín dụng hiện khoảng 23%. Việc giảm hay tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2011 phải được nghiên cứu nghiêm túc và phải được điều tiết theo tốc độ phát triển của nền kinh tế. Một chỉ tiêu cố định cho cả năm mà không có điều chỉnh theo sự cập nhật của tình hình phát triển hay suy thoái kinh tế trong từng thời kỳ là không khoa học. NHNN có thể dự báo lưu lượng tiền tệ cần thiết trong một tháng, một quý, chứ không thể đơn phương ấn định một chỉ tiêu tăng trưởng cho cả năm. Tất cả đều phải được điều chỉnh theo dự báo. Vì vậy, công tác dự báo đối vời việc hoạch định chính sách là rất quan trọng. Nhưng thực tế, công tác dự báo của Việt Nam còn thiếu chính xác. Do đó, quyết định áp dụng cứng nhắc một chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dựa trên những dự báo không mấy chính xác là việc cần phải xem lại.
Ngoài ra một chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung cho toàn thể nền kinh tế, không phân biệt lĩnh vực hoạt động, cũng là điều không mấy khoa học. Việc định nghĩa lĩnh vực lĩnh sản xuất kinh doanh và phi sản xuất cũng gây nhiều tranh cãi. Việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng cho các tổ chức tín dụng bằng phương thức cào bằng cũng là một vấn đề cần phải cân nhắc. Nói chung, các quyết định của NHNN chưa thật sự khoa học và tạo được sự đồng thuận, làm tổn thương đến uy tín của một cơ quan then chốt của quốc gia.
Hằng Nga
nhịp cầu đầu tư



Xem bài viết: Không thể phiêu lưu cùng ngân hàng