Bạn có nên sợ "Cá mập" hay không?

1. Bạn có nên sợ Cá mập hay không?

- Câu trả lời là tùy thuộc vào phương pháp mà bạn đang sử dụng.

- Nếu bạn lướt sóng, bạn đầu tư ngắn hạn, hoặc đầu tư theo dòng tiền ... thì bạn nên sợ cá mập.

- Nếu bạn là nhà đầu tư giá trị, bạn đầu tư dài hạn thì câu trả lời là bạn không sợ cá mập.

- Lý do mình sẽ giải thích cụ thể trong phần dưới của bài viết.

2. Cá mập là ai?

- Theo quan điểm cá nhân của mình thì Cá Mập là các tổ chức lớn như:
* Các quỹ đầu tư
* Các công ty chứng khoán
* Các ngân hàng
* Các công ty bảo hiểm.

- Cá Mập còn có một người bạn đồng hành rất trung thành nữa là giới Truyền thông. Lý do rất cơ bản là giới truyền thông hay viết theo tâm trạng của các nhà đầu tư, khi thị trường lên thì họ viết hay với nhiều tin tốt, khi thị trường giảm điểm thì họ viết toàn tin xấu với đủ lý do. Khi thị trường lên, tâm lý nhà đầu tư vui và họ thích đọc tin tốt, khi thị trường giảm nhà đầu tư sẽ cố gắng tìm lý do vì sao nó giảm, tin xấu là gì, do đó giới truyền thông sẽ cung cấp thông tin để chiều lòng các nhà đầu tư và họ sẽ có nhiều độc giả hơn. Có thể là họ viết theo đơn đặt hàng của các tổ chức (vì đồng tiền sẽ chi phối được ngòi bút bằng nhiều cách khác nhau), hoặc có thể họ chỉ viết để phục vụ số đông bạn đọc là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

3. Cá Mập "Đánh lên" một cổ phiếu bằng cách nào?

- Mục đích của đánh lên là để bán được giá cổ phiếu cao hơn, đem lại lợi nhuận cho tổ chức, vì chính lãnh đạo của các tổ chức này cũng chịu áp lực doanh thu và lợi nhuận hàng năm.

- Muốn thao túng được giá họ phải dựa vào hai yếu tố cơ bản sau:

* Lượng tiền họ nắm giữ.
* Lượng cổ phiếu trôi nổi.
* Lượng cổ phiếu họ đang nắm giữ, hoặc đối tác của họ đang nắm giữ.

- Nếu kiểm soát được một lượng cổ phiếu nhất định và đã chiếm đa số lượng cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết, còn lượng tiền cân đối với lượng cổ phiếu thả nổi là có thể đánh lên được cổ phiếu đó.

- Có một điều rất quan trọng là giá cổ phiếu tăng lên như thế nào và lên bao nhiêu là tùy thuộc vào nhóm Cá Mập. Và không ai dự đoán được chính xác họ sẽ hành động như thế nào.

- Các cổ phiếu có tính thanh khoản thấp như ROS (anh Quyết và FLC đang giữ khoảng 72% lượng cổ phiếu) thì giá đi đâu cũng đều được hết.

- Hay các cổ phiếu nhà nước đang nắm giữ một phần lớn cổ phiếu như HVN (Nhà nước đang giữ 86%), GAS (Nhà nước đang giữ 95%) thì các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các nhà đầu tư tổ chức tập trung mua để đẩy giá lên là điều không quá khó.

- Hay như các cổ phiếu lớn như VIC, MSN có rất nhiều tổ chức lớn đang giữ trên 60% lượng cổ phiếu thì việc đẩy giá lên cũng hoàn toàn có thể.

4. Cá Mập "Đánh xuống" một cổ phiếu bằng cách nào?

- Về cơ bản cũng giống như đánh lên, đánh xuống là phương pháp để gom cổ phiếu tốt với giá thấp hơn.

- Hoạt động này về cơ bản cần có lượng cổ phiếu lớn để bán tạo ra áp lực giảm giá cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu giảm thì nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ thấy thua lỗ hoặc giá giảm sẽ phải bán cổ phiếu ra. Hoặc thậm chí họ ngừng mua vào để giá giảm tới vùng giá nào đó phù hợp rồi mới mua. Và họ sẽ có thể thu mua được cổ phiếu với giá thấp hơn.

- Tuy nhiên giá giảm sẽ không nhiều lắm, mục đích quan trọng nhất có lẽ là thu mua được nhiều cổ phiếu hơn.

- Hoạt động này không phổ biến, nó ít gặp hơn trên thị trường trứng khoán.

- Nó thường xảy ra trong ngắn hạn, từ vài tuần tới vài tháng.

5. Tại sao bạn nên sợ Cá Mập khi đầu tư ngắn hạn?

- Khi bạn đi xe máy mà bám sát theo một cái ô tô thì nguy cơ xảy ra tai nạn cao khi ô tô dừng lại đột ngột hoặc họ chuyển làn đường mà bạn không biết phía trước có vực thẳm hay bức tường ở phía trước.

- Bạn chỉ là một chiếc xe máy, còn cá mập là chiếc container đằng trước, bạn bám theo container để ăn theo họ.

- Và cách an toàn nhất là ăn theo họ thì đừng vào sớm quá và đừng thoát ra quá muộn. Bởi nếu vào sớm quá nó dễ nghiền nát bạn, còn muộn quá thì dễ tai nạn.

- Hoạt động lướt sóng và đầu tư ngắn hạn là chạy theo đà tăng của cổ phiếu. Nếu vào quá sớm khi Cá Mập chưa đánh lên thì sẽ mất cơ hội, hoặc thậm chí phải cắt lỗ nếu giá còn đang giảm. Còn nếu vào quá muộn thì dễ mua ngay trên đỉnh, và sự thua lỗ sẽ rất lớn.

- Đa phần các nhà đầu tư nhỏ lẻ thích đầu tư và lướt sóng ngắn hạn. Nhưng thật sự hơi tiếc là đa phần đều bị động, và không thể làm chủ được cuộc chơi, bạn phải phụ thuộc vào Cá Mập.

- Có một câu chuyện rất đơn giản: một nhà đầu tư ngắn hạn mới than với mình, thua thì thua vài chục triệu vì mua trên đỉnh đợt vừa rồi, mua hồi thì lãi được có vài triệu. Nếu bạn có 100 triệu, sau hai ba lần thua do mua sai điểm thì mình nghĩ bạn sẽ không bao giờ dám bước chân vào thị trường chứng khoán nữa, hoặc nếu bạn có máu liều thì có thể bạn sẽ đốt hết số tiền còn lại sau vài lần thua. Bạn sẽ rời khỏi thị trường chứng khoán với quan điểm: Đó là nơi cờ bạc và lừa đảo.

- Trong vài năm gần đây (2016 -2018) thị trường đặc biết tốt cho nhà đầu tư lướt sóng, nhất là bạn quay vòng theo bluechip rồi chuyển sang cổ phiếu nhỏ có sóng. Lợi nhuận đạt được có thể từ vài chục % hoặc hơn. Nhưng có nhà đầu tư nào tự hỏi, sẽ ra sao nếu thị trường đi ngang, hoặc sóng tăng giảm thất thường như những năm khủng hoảng 2008 -2009 hoặc những năm khó khăn như 2010 - 2013. Với những giai đoạn khó khăn đó bạn càng lướt thì càng thua và thời kỳ đó rất nhiều nhà đầu tư phải ngậm ngùi rời khỏi thị trường trong thua lỗ.

6. Tại sao bạn không nên sợ Cá Mập khi đầu tư giá trị dài hạn?

- Cá Mập không đầu tư một cách ngẫu nhiên. Tổ chức của họ có tiềm lực tài chính tốt và thu hút được rất nhiều nhân tài. Mọi hoạt động đầu tư đều đã có phân tích rất rõ.

- Ví dụ thị trường vài năm nay rất tốt, tình hình vĩ mô khá tốt, họ đã đánh giá được điều này nên tiền họ đổ vào thị trường chứng khoán rất nhiều tiền. Dòng tiền này được gọi là dòng tiền thông minh, vì nó biết được vì sao nó nên đổ vào và vì sao nó lên rút ra.

- Không giống như hoạt động lướt sóng, hoạt động đầu tư giá trị được phân tích đánh giá rất cơ bản đầy đủ từ doanh nghiệp, từ xu hướng thị trường cũng như từ các điều kiện kinh tế vĩ mô. Vì vậy hoạt động đầu tư giá trị tương ứng phần nào giống với hoạt động đầu tư của các tổ chức Cá Mập. Cho nên đầu tư giá trị không phụ thuộc, và không sợ hoạt động của Cá Mập. Thậm chí với các Cá Mập còn là bạn của các nhà đầu tư giá trị.

- Đầu tư giá trị cũng không hề ngán hoạt động đầu cơ giá xuống của Cá Mập. Bởi vì nhà đầu tư giá trị không sử dụng margin, không mua hết tại một giá cố định, họ sẽ mua ở một vùng giá nhất định. Do đó khi giá bị đạp xuống khiến nhà đầu tư giá trị vui hơn vì mua được cổ phiếu tốt với giá rẻ. Nhưng những nhà đầu tư lướt sóng thì không vui được như thế, họ dùng margin lớn, và nếu giá giảm khiến cho khoản thua lỗ bị khuếch đại lên rất lớn, bọ buộc phải cắt lỗ, và rời bỏ cuộc chơi. Bạn đã từng cắt lỗ ở gần đáy bao giờ chưa? Mình nghĩ là đa phần đều đã từng như vậy.

7. Quy luật chung của thị trường là gì?

- Trong dài hạn giá cả sẽ trở về vùng giá trị thực của nó. Dù bị đầu cơ tới mực giá như thế nào đi chăng nữa thì dàn dần theo thời gian, nó sẽ trở về với giá trị thực của nó. Ví dụ ROS mình đã định giá chỉ 1x - 2x vào khoảng tháng 10 năm ngoái. Mặc dù nó đã tăng lên đến 220 ngàn, nhưng rồi nó sẽ trở về với con số 1x - 2x của nó (cái này cần thêm thời gian, các nhà đầu tư có thể theo dõi thêm).

- Không ai có thể thao túng giá cổ phiếu trong dài hạn. Mọi hoạt động đầu cơ chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Rất nhiều quỹ đã phá sản, rất nhiều nhà đầu tư tìm cách thao túng cuối cùng đều thiệt hại nặng lề hoặc vào tù.

8. Kết luận:

- Đây chỉ là quan điểm cá nhân của mình, có thể sẽ không đúng với các nhà đầu tư khác. Và mọi người chỉ nên xem nó là thông tin để tham khảo.

- Nếu có lời khuyên đối với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường thì lời khuyên đó là: Hãy cố gắng học tập và tìm ra phương pháp đầu tư tốt nhất và phù hợp nhất. Hãy trải nghiệm một thời gian, đừng vội vã lao vào thị trường để kiếm tiền.

Thân mến.

Đàm Văn Vĩ .

Admin group: VNFI - Viet Nam Financial Investment.