Tín hiệu M&A trên thị trường chứng khoán

M&A hay mua bán sáp nhập là hoạt động mới phát triển tại VN. Triển khai hoạt động đó trên sàn chứng khoán lại càng mới mẻ. Dù mới ở những bước sơ khai, nhưng hoạt động M&A trên sàn chứng khoán niêm yết luôn có mối liên quan nhất định tới thị trường chung và ở một khía cạnh nào đó, cũng cho một cái nhìn khác để đánh giá và nhận định thị trường.

TTCK thế giới một vài tháng trước cũng đã khởi sắc mặc dù nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô còn tồn tại ở những nền kinh tế lớn. Một phần không nhỏ là nhờ nhận được hỗ trợ tâm lý lớn từ việc hoạt động M&A trở lại sôi động. Theo Bloomberg, trong năm nay, hoạt động M&A toàn cầu đã đạt khoảng 1,29 nghìn tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, mặc dù nền kinh tế Mỹ còn nhiều vấn đề về thất nghiệp và vẫn chưa trở lại chu kỳ tăng trưởng hậu khủng hoảng, nhà đầu tư vẫn nhìn vào hoạt động M&A như là một dấu hiệu cho thấy các DN đã tin tưởng vào tăng trưởng kinh tế hơn và hoạt động kinh doanh sẽ cải thiện dần. Và từ đó, chứng khoán Mỹ bắt đầu một chu kỳ tăng điểm mới.

Trên TTCK VN, hoạt động này đối với các DN niêm yết còn rất hạn hẹp cả về số lượng lẫn giá trị. Một số thương vụ tiêu biểu gần đây là: KDC đang nắm giữ 22, 6% vốn điều lệ của TRI thực hiện mua thêm cổ phiếu của TRI để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 35,4%...

Sự nở rộ của hoạt động M&A báo hiệu một chu kỳ mới của nền kinh tế và thị trường. Tại thời điểm hiện nay, mặt bằng giá cổ phiếu của thị trường cũng đang rất hấp dẫn, đặc biệt là khi so sánh với các thị trường trong khu vực. Cùng với việc phát triển kinh tế theo định hướng thị trường, khuyến khích kinh tế ngoài nhà nước, hoạt động thoái vốn nhà nước cũng đang và tiếp tục được tiến hành. Và sắp tới, khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, nhiều thành phần hơn sẽ được tạo điều kiện để đầu tư vào các DN niêm yết. Room sở hữu đối với đối tượng nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ được nới rộng, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn FII vào TTCK.

Để chuẩn bị và tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai, trước hết, cần có một khung pháp lý hoàn chỉnh. Hiện nay, khó khăn lớn nhất với hoạt động M&A tại VN là chưa có hành lang pháp lý riêng rẽ cho hoạt động này. Các quy định về hoạt động M&A nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật: tại Luật DN, có các quy định về hợp nhất, sáp nhập, mua cổ phần. Trong hệ thống pháp luật đầu tư có một số quy định liên quan đến mua bán, chuyển nhượng... thừa nhận hoạt động M&A như một hình thức đầu tư trực tiếp; Luật Cạnh tranh cũng đã đưa ra những quy định quan trọng liên quan tới hoạt đông M&A, như hành vi hạn chế cạnh tranh, vị thế độc quyền... Nhiều văn bản nhưng lại thiếu vắng một văn bản luật hay một hướng dẫn thống nhất.