Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh mua chứng khoán ký quỹ, cần tiếp tục mở rộng nghiệp vụ bán khống để thị trường cân bằng hơn. Nghiệp vụ bán khống có thể hiểu một cách nôm na là một nghiệp vụ ngược với mua ký quỹ.

Theo các nhà chuyên môn, khi mua ký quỹ (margin purchase), nhà đầu tư chỉ cần có một phần tiền trong tổng giá trị số chứng khoán đặt mua, phần còn lại do công ty chứng khoán cho vay. Sau khi giao dịch được thực hiện, số chứng khoán đã mua của khách hàng được công ty chứng khoán giữ lại làm thế chấp cho khoản vay. Trong khi đó, với bán khống (short sales), nhà đầu tư chỉ có một phần chứng khoán và vay thêm chứng khoán để bán. Khi giá xuống thấp, họ sẽ mua lại và trả số chứng khoán đã vay, đồng thời kiếm chênh lệch nhờ sự giảm giá của chứng khoán.
Về khung pháp lý liên quan đến nghiệp vụ mua ký quỹ, ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Bộ Tài chính dự kiến sẽ không ban hành một thông tư riêng về giao dịch ký quỹ, mà sẽ đưa những quy định liên quan đến nội dung này vào thông tư sửa đổi hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong phần về chỉ tiêu an toàn tài chính cho các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán.
Ông Đỗ Quốc Hùng, một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán cho biết, nghiệp vụ bán khống có thể hiểu một cách nôm na là một nghiệp vụ ngược với mua ký quỹ. Theo đó, với mua ký quỹ, nhà đầu tư có thể mua nhiều chứng khoán hơn số tiền họ có, thì với bán khống, nhà đầu tư có thể bán nhiều cổ phiếu hơn số cổ phiếu họ có. Do đó, nếu cơ quan quản lý cho phép mua ký quỹ, thì cũng nên sớm cho phép bán khống, thì thị trường mới phát triển cân bằng, không bị “lệch pha”.
Trên thực tế, bán khống là một nghiệp vụ khá cao cấp của thị trường chứng khoán, nên một số chuyên gia cho rằng, việc cho phép bán khống là cần thiết, nhưng nên thực hiện từng bước một. Chẳng hạn, việc cho phép ứng trước chứng khoán đã mua cũng là một bước đi thăm dò ban đầu, trước khi cho thực hiện nghiệp vụ bán khống.
Giữa tháng 10 vừa qua, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng vừa có kiến nghị liên quan đến việc xây dựng sản phẩm ứng trước chứng khoán đã mua.
VAFI cho rằng, khi nhà đầu tư thực hiện xong giao dịch mua chứng khoán niêm yết, về mặt pháp lý, nhà đầu tư đã có quyền sở hữu loại chứng khoán đó. Tuy nhiên, do phải thực hiện quy trình thanh toán, lưu ký giữa công ty chứng khoán, sở giao dịch và trung tâm lưu ký, nên phải sau 4 ngày, nhà đầu tư mới có thể bán tài sản của họ.
Theo VAFI, nghiệp vụ ứng trước chứng khoán đã mua, về bản chất, là rất lành mạnh. Mặc dù nhà đầu tư có vay chứng khoán từ công ty chứng khoán, nhưng đây không phải là khoản nợ (đã mua được 10.000 cổ phiếu A, nhưng cổ phiếu chưa về đến nơi và vay ứng trước 10.000 cổ phiếu A). Trong nghiệp vụ này, nhà đầu tư chỉ trả 1 khoản phí ứng truớc, có thể gần tương tự khoản phí ứng trước tiền đã bán chứng khoán.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI cho rằng, để triển khai nghiệp vụ ứng trước chứng khoán đã mua, công ty chứng khoán xây dựng một kho hàng. “Về nguyên tắc, kho hàng này phải đảm bảo sinh lời, ít chịu rủi ro nhất, đồng thời vẫn phải bảo đảm hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán”, ông Hải nói.
Trong quá trình khai thác “kho chứng khoán”, công ty chứng khoán sẽ phát hiện những loại cổ phiếu “có vấn đề”, hoặc những loại cổ phiếu có giá thị trường quá cao, hoặc đã mua nhầm cổ phiếu do phân tích sai, thì tất cả những loại chứng khoán này sẽ bị thanh lý và không còn trong kho.