Với tiến độ hiện nay, HOSE cho rằng hoàn toàn có thể vận hành hệ thống KRX từ đầu năm 2022, là cơ sở để triển khai giao dịch T+0 cũng như giảm tỷ lệ ký quỹ khi đặt lệnh mua trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sáng nay, Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến về Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021.

Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Việt Hà - Thành viên phụ trách HĐQT HOSE đã thông tin về hệ thống giao dịch KRX (hay Gói thầu 04) mà HOSE, HNX và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang triển khai. Đây là hệ thống công nghệ thông tin tích hợp cho cả 3 đơn vị của thị trường chứng khoán Việt Nam, gồm 2 Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

"Dự án này có độ phức tạp rất lớn, bởi vì nó không chỉ áp dụng những thông lệ quốc tế mà nhà thầu đưa vào thị trường chứng khoán Việt Nam, mà còn phải chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn đang triển khai tại Việt Nam. Do đó quá trình triển khai.

Tuy vậy, bà Hà cũng vui mừng thông báo tới thị trường: "Dự án này dang đưa vào giai đoạn triển khai, kiểm thử nội bộ trong 3 đơn vị HOSE, HNX và VSD. Trong giai đoạn này sẽ kiểm tra chức năng, nghiệp vụ của hệ thống mới, đồng thời cũng kết hợp kiểm thử kết nối đến các công ty chứng khoán thành viên. Giai đoạn này đã được triển khai từ ngày 14/6 và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 6/8/2021 tới đây."

Đối với các công ty chứng khoán thành viên, có 21 đơn vị đang tham gia kiểm thử kết nối trên tinh thần tự nguyện. Sau khi hoàn thành, giai đoạn tiếp theo là chuyển qua kiểm thử với các thành viên thị trường, trước khi kiểm thử cuối cùng và đưa vào vận hành chính thức.

Việc vận hành hệ thống gia dịch mới KRX được kỳ vọng sẽ triển khai được giao dịch lô lẻ và hỗ trợ giao dịch T+0. Ngoài ra, năng lực xử lý lệnh được mở rộng, đi kèm với khả năng triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ mới để đáp ứng chiến lược phát triển thị trường.

Hiện nay, UBCKNN đang chỉ đạo rất sát sao việc triển khai áp dụng hệ thống mới. HOSE và các đơn vị cũng nỗ lực triển khai dù việc mời chuyên gia nhà thầu sang Việt Nam gặp nhiều hạn chế do tình hình dịch bệnh phức tạp tại các quốc gia.

Dù vậy, lãnh đạo HOSE cũng quyết tâm đưa hệ thống KRX vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Theo bà Hà, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan vào mốc đầu năm 2022.

VSD: Việc triển khai giao dịch T+0 và hệ thống CCP phụ thuộc vào tiến độ go-live gói thầu KRX
Cũng trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD chia sẻ về nền tảng căn bản để triển khai những sản phẩm, nghiệp vụ mới cho giai đoạn tăng trưởng của thị trường. Theo ông, ngoài khung pháp lý về mặt thể chế gồm Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn, vấn đề quan trọng là nền tảng về hệ thống công nghệ, trong đó có gói thầu công nghệ KRX mà HOSE đang triển khai.

Trong vấn đề liên quan đến công nghệ, có 2 nội dung liên quan đến sản phẩm của VSD cần chuẩn bị mặc dù pháp lý đã có từ khá lâu. Đó là là hệ thống bù trừ đối tác trung tâm cho thị trường cơ sở (hay được gọi là CCP), và triển khai các sản phẩm nghiệp vụ chứng khoán kèm theo như bán khống và giao dịch trong ngày (T+0).

Với CCP, nhà đầu tư sẽ không phải ký quỹ 100% tiền mặt trước khi đặt lệnh mua chứng khoán. Thay vào đó, họ chỉ cần ký quỹ với tỷ lệ khoảng 10 – 20%. Điều này giúp các NĐT trên thị trường có đòn bẩy tốt hơn để ra quyết định mua bán trên thị trường. Đây cũng là một trong những yếu tố mấu chốt khiến các tổ chức nâng hạng thị trường con quan ngại khi đánh giá nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Khi áp dụng Gói thầu công nghệ KRX mà VSD là 1 trong 3 đơn vị thu hưởng, bản thân VSD cũng đã chuẩn bị phần mềm giải pháp để tích hợp vào hệ thống mới nhằm triển khai CCP cho thị trường cơ sở.

Giao dịch bán khống và giao dịch T+0 cũng sẽ được tích hợp trong Gói thầu công nghệ mới. Theo ông Sơn, cần có giai giai đoạn kiểm thử, test hệ thống kỹ càng để đảm bảo không có sự cố xảy ra khi chuyển từ hệ thống hiện tại của FPT sang hệ thống KRX. Nếu hệ thống chưa đủ đáp ứng, VSD vẫn sẵn sàng làm việc với các nhà thầu trong nước để sớm tích hợp và đáp ứng nhu cầu triển khai

Ngoài ra, VSD cũng xây dựng một số sản phẩm khác như quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, tạo ra các định chế đầu tư có tổ chức, góp phần ổn định thị trường. Đơn vị đang nghiên cứu để cho phép 1 số tổ chức lưu ký nước ngoài có thể mở tài khoản với tư cách là thành viên của VSD, từ đó mở cửa cho các quỹ châu Âu vào thị trường Việt Nam

Về tiến độ giải quyết những vấn đề trên trước kỳ xem xét nâng hạng tiếp theo thị trường. , ông Sơn cho rằng "hoàn toàn phụ thuộc vào lộ trình tiến độ go-live gói thầu công nghệ mà HOSE là chủ đầu tư". Phía VSD đã chuẩn bị sẵn sàng về khung pháp lý và các quy định hướng dẫn, đồng thời cũng xây dựng phần mềm tự động tính toán tỷ lệ ký quỹ, nằm ngoài cấu phần mà HOSE đang đầu tư, sẵn sàng tích hợp khi hệ thống mới vận hành.