Làm thế nào để giao dịch chứng quyền có bảo đảm? Cách thức giao dịch và chi phí giao dịch chứng quyền được xác định như thế nào? Chắc hẳn đây là những câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong phạm vị của bài viết này, HSC sẽ cùng các nhà đầu tư gỡ từng nút thắt này.

1. Cách thức giao dịch
Nhà đầu tư sẽ mua chứng quyền mua khi nhận định giá của chứng khoán cơ sở sẽ tăng trong tương lai. Với các yếu tố giao dịch như sau:

• Lô giao dịch: 10 chứng quyền.

• Bước giá: 10 đồng.

• Ký quỹ: nhà đầu tư không cần thực hiện ký quỹ khi giao dịch CW

• Phí giao dịch: thấp hơn so với cổ phiếu (0.02% vs. 0.03% của cp)

Biên độ giao dịch sẽ cao hơn nhiều so với biên độ cổ phiếu. Cụ thể:

• Giá trần = Giá tham chiếu CQ + (giá trần của CKCS– Giá tham chiếu của CKCS) x 1/TLCĐ

• Giá sàn = Giá tham chiếu CQ – (giá tham chiếu của CKCS – giá sàn CKCS) x 1/TLCĐ

Ví dụ: VNM giá 200,000 ± 14,000 (7%) -> CQ của VNM (tỷ lệ CĐ 1:1), giá 32,000 ± 14,000 (43.75%)

Sau khi sở hữu chứng quyền, nhà đầu tư có thể bán lại chứng quyền trên thị trường hoặc nắm giữ cho đến ngày chứng quyền đáo hạn.

Giống như giao dịch cổ phiếu, nhà đầu tư không được bán CW khi không sỡ hữu nó, điều này có nghĩa là nhà đầu tư phải sỡ hữu CW trước khi bán CW.

2. Chứng quyền hoạt động như thế nào?
a. Mua chứng quyền có bảo đảm

hai cách để nhà đầu tư có thể mua chứng quyền:

Thứ nhất, nhà đầu tư có thể đăng ký mua chứng quyền có bảo đảm vào thời điểm tổ chức phát hành chào bán tại thị trường sơ cấp (ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán).

Thứ hai, nhà đầu tư có thể mua chứng quyền có bảo đảm trên thị trường thứ cấp (sau khi chứng quyền có bảo đảm được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán).

b. Thực hiện quyền và giá thanh toán
Vào ngày chứng quyền mua đáo hạn, nếu giá thanh toán của chứng khoán cơ sở cao hơn giá thực hiện của chứng quyền có bảo đảm, nhà đầu tư sẽ nhận được một khoản tiền bằng chênh lệch giữa giá thanh toán và giá thực hiện.

• Giá thanh toán sẽ được Sở Giao dịch Chứng khoán xác định và công bố. Giá thanh toán là bình quân giá đóng cửa CKCS trong 5 ngày giao dịch gần nhất (không gồm ngày đáo hạn)

• Số tiền thanh toán cho nhà đầu tư:

Số tiền thanh toán trên 1 chứng quyền = (Giá thanh toán−Giá thực hiện) / (Tỷ lệ chuyển đổi)

• Việc thanh toán tiền cho nhà đầu tư được hoàn thành trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhà đầu tư đặt lệnh thực hiện chứng quyền hoặc kể từ ngày đáo hạn.

Ngược lại, nhà đầu tư sẽ mua chứng quyền bán khi nhận định giá của chứng khoán cơ sở sẽ giảm trong tương lai. Sau khi sở hữu chứng quyền, nhà đầu tư có thể bán lại chứng quyền trên thị trường hoặc nắm giữ cho đến ngày chứng quyền đáo hạn.

Vào ngày chứng quyền bán đáo hạn, nếu giá thanh toán của chứng khoán cơ sở thấp hơn giá thực hiện của chứng quyền có bảo đảm, nhà đầu tư sẽ nhận được một khoản tiền bằng chênh lệch giữa giá thực hiện và giá thanh toán.

Trường hợp giá thanh toán lớn hơn hoặc bằng giá thực hiện vào ngày chứng quyền đáo hạn thì chứng quyền bán sẽ mất toàn bộ giá trị.

Nguồn: https://online.hsc.com.vn/tin-tuc/d...ch-thuc-giao-dich-chung-quyen-co-bao-dam.html