Trong các công cụ chứng khoán phái sinh thì hợp đồng tương lai (Future Contract), hợp đồng quyền chọn (Option Contract) và hợp đồng kỳ hạn (Foward Contract) là 3 loại hợp đồng có nhiều đặc điểm tương đồng. Bài viết dưới đây sẽ giúp nhà đầu tư phân biệt rõ nét những sản phẩm đầu tư này.

1. Định nghĩa
a) Hợp đồng tương lai
Hợp đồng tương lai là một hợp đồng chuẩn hóa giữa bên bán và bên mua về việc giao dịch một tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước.

b) Hợp đồng quyền chọn
Người nắm giữ hợp đồng quyền chọn có quyền (không phải là nghĩa vụ) mua hoặc bán một tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước.

Người bán hợp đồng quyền chọn phải có nghĩa vụ thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng quyền chọn thực hiện quyền.

c) Hợp đồng kỳ hạn
Hợp đồng kỳ hạn là một hợp đồng giữa bên bán và bên mua về việc giao dịch một loại một tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước.

2. Điểm giống nhau
Đều là công cụ phái sinh, thực hiện căn cứ vào tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước.

3. Điểm khác nhau
a) Hợp đồng tương lai
- Tính chuẩn hóa: HĐTL được niêm yết và giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán phái sinh. Vì vậy HĐTL được chuẩn hóa về điều khoản, giá trị, khối lượng của tài sản cơ sở…
- Được niêm yết: HĐTL được niêm yết và giao dịch trên thị trường tập trung.
- Bù trừ và ký quỹ: HĐTL yêu cầu các bên tham gia thực hiện ký quỹ để đảm bảo việc nghĩa vụ thanh toán mang tính bắt buộc. HĐTL được bù trừ và được hạch toán theo giá thực tế hàng ngày (daily mark to market) và sẽ thông báo lãi (lỗ) vào tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư theo giá thực tế và gọi ký quỹ bổ sung khi cần. Do đó làm giảm rủi ro mất khả năng thanh toán của các bên tham gia.
- Dễ dàng đóng vị thế: Nhà đầu tư tham gia HĐTL có thể thực hiện đóng vị thế bất cứ lúc nào bằng cách tham gia vị thế ngược đối với HĐTL tương tự. Giúp người sở hữu HĐTL linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn.
- Tính bắt buộc: Người tham gia HĐTL có nghĩa vụ thực hiện tại ngày đáo hạn.

b) Hợp đồng quyền chọn:
- Không cần chuẩn hóa: HĐQC không cần chuẩn hóa điều khoản, giá trị, khối lượng của tài sản cơ sở. Tài sản cơ sở của HĐQC có thể là bất kỳ loại tài sản nào….
- Giao dịch trên thị trường OTC: HĐTL không niêm yết và giao dịch trên thị trường OCT.
- Không cần ký quỹ: Các bên tham gia HĐQC không cần thực hiện ký quỹ. Bên mua quyền chọn sẽ phải trả phí sau khi ký hợp đồng. Bên bán quyền chọn sẽ được nhận phí và có nghĩa vụ thực hiện đối với bên mua.
- Các loại quyền chọn: Có hai loại quyền chọn là quyền chọn mua và quyền chọn bán.
- Tính bắt buộc: Người tham gia HĐQC có quyền thực hiện tại ngày đáo hạn, không có tính nghĩa vụ.

c) Hợp đồng kỳ hạn:
- Không cần chuẩn hóa: HĐKH không cần chuẩn hóa điều khoản, giá trị, khối lượng của tài sản cơ sở. Tài sản cơ sở của HĐKH có thể là bất kỳ loại tài sản nào….
- Giao dịch trên thị trường OTC: HĐKH không niêm yết và giao dịch trên thị trường OCT. Do đó tính thanh khoản của hợp đồng kỳ hạn thấp hơn hợp đồng tương lai.
- Không cần ký quỹ: Các bên tham gia HĐQT không cần thực hiện ký quỹ.
- Đóng vị thế: Nhà đầu tư tham gia HĐKH có thể thực hiện đóng vị thế bằng cách tham gia vị thế ngược đối với HĐKH tương tự.

Xem chi tiết bài viết tại:
https://online.hsc.com.vn/tin-tuc/d...i-hop-dong-quyen-chon-va-hop-dong-ky-han.html