Tính đến 20/10/2010, đã có gần 100 trên tổng số hơn 600 DN niêm yết công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2010. Nhìn chung, hoạt động của các DN không có nhiều đột biến trong quý này, song bước đầu đã có sự phân hóa giữa các nhóm ngành.


Theo báo cáo kết quả kinh doanh công bố sớm, chỉ sau 9 tháng đầu năm, đã có nhiều DN nhanh chóng cán đích kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trên phạm vi DN, không thể không nhắc tới kết quả đột biến đến từ PGS – Cty CP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam. Bên cạnh mức tăng trưởng doanh thu từ hoạt động cơ bản khá cao, riêng quý 3/2010 doanh thu thuần tăng 54% so với cùng kỳ năm 2009, thì khoản doanh thu tài chính đột biến từ việc chuyển nhượng phần vốn góp và quyền mua cổ phiếu PGD cho PV Gas (hơn 147 tỷ đồng) đã giúp PGS có kết quả lợi nhuận đột biến, lợi nhuận sau thuế (LNST) 9 tháng đạt hơn 141 tỷ đồng – gấp 7 lần kế hoạch.
Rộng hơn, trong phạm vi ngành, Thực phẩm, Hóa chất cơ bản... là những ngành có kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm khá lạc quan, lợi nhuận lũy kế 9 tháng vượt qua kế hoạch cả năm 2010.
Đối với nhóm hóa chất cơ bản (cao su tự nhiên), không có đột biến về sản lượng khai thác, song các DN cao su đã được hưởng lợi từ việc giá cao su tăng cao. Bình quân, giá cao su năm 2010 tăng khoảng 100% so với cùng kỳ 2009. Đối với nhóm thực phẩm, sớm hoàn thành kế hoạch kinh doanh đa phần là các DN mía đường. Điều này được lý giải bởi tính mùa vụ của nhóm ngành. Hai mùa kinh doanh chính là Tết và Trung thu đã qua, đa phần các Cty mía đường hoàn thành kế hoạch năm và chuẩn bị bước vào mùa kinh doanh mới. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, nhóm mía đường đã có mức tăng trưởng doanh thu thuần hơn 60%, LNST 65% so với cùng kỳ 2009. Nếu như trong kế hoạch kinh doanh, các DN dự kiến giá cao su năm 2010 ở mức 40 triệu đồng/tấn thì thực tế, giá bán cao su đã đạt mức khoảng 60 triệu đồng/tấn. Tận dụng điều kiện thuận lợi về giá, trong quý 2, 3/2010, nhiều hợp đồng giao hàng đã được ký kết, mang lại mùa kinh doanh ấn tượng cho các DN cao su tự nhiên. Với hai DN đầu ngành, TRCDPR, doanh thu thuần và LNST 9 tháng đầu 2010 tăng trung bình 82% so với cùng kỳ 2009.
Với nhóm mía đường, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm khả quan nhờ sự đóng góp của cả yếu tố giá và sản lượng. Tuy vậy, năm 2010, các DN mía đường dường như được hưởng lợi nhiều hơn từ yếu tố giá, bởi hai mùa kinh doanh chính trong năm – quý 1 và quý 3 đều là thời điểm giá đường tăng cao. Yếu tố này đặc biệt có lợi cho những DN chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào hay có biên lợi nhuận lớn như SBT, NHS, LSS.
Nếu như nhóm mía đường có hai mùa tiêu thụ lớn là dịp Tết (tháng 1,2) và dịp Trung thu (tháng 9,10), thì nhóm xuất bản chỉ có một mùa kinh doanh lớn duy nhất trong năm – mùa khai giảng. Thực tế, lợi nhuận quý 3/2010 của các DN xuất bản đã có mức tăng trưởng ấn tượng – gần gấp 3 lần so với quý 2/2010. Kết quả quý 3 cũng đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng lợi nhuận 9 tháng (bình quân chiếm hơn 51% lợi nhuận lũy kế 9 tháng). Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2009, không phải DN xuất bản nào cũng có mức tăng trưởng tốt. Thậm chí nhiều Cty có doanh thu và lợi nhuận quý 3, hay lũy kế 9 tháng kém hơn so với năm 2009.

Những ngành gặp khó

Trước khi những báo cáo tài chính được công bố, lĩnh vực chứng khoán đã được dự báo có mùa kinh doanh không “dễ chịu” trong quý 3 này. TTCK sau thời gian dài đi ngang, chỉ trong quý III VN-Index đã mất gần 16%, HNX-Index mất hơn 24%. Và những số liệu thực tế cho thấy, 6/14 Cty báo lỗ trong quý 3, 5/14 Cty có lỗ lũy kế 9 tháng. Những khoản đầu tư tài chính còn tồn tại thời điểm cuối quý 3 của các Cty CK là không nhỏ, thị trường lại chưa có dấu hiệu khởi sắc đã cho thấy khả năng đạt kế hoạch kinh doanh cả năm của các Cty CK dường như ngày càng xa vời.
Kết quả kinh doanh quý 3 của các DN Xây dựng công nghiệp, Vật liệu xây dựng và Thiết bị lắp đặt... bước đầu cho thấy tiềm năng khi có mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 25% so với quý 2/2010. Trên cơ sở đã hoàn thành khoảng 80% kế hoạch lợi nhuận năm 2010, 6 tháng cuối năm lại thường là thời gian hoạt động xây dựng được triển khai mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực xây dựng và vật liệu. Đây là những yếu tố hứa hẹn các DN trong lĩnh vực này sẽ cán đích kế hoạch lợi nhuận cả năm. Bên cạnh đó thì kết quả kinh doanh của những nhóm ngành lớn như Ngân hàng, Bất động sản... cũng là ẩn số trong thời gian tới và dự kiến có sự phân hóa lớn ngay trong mỗi nhóm ngành.