Thời gian gần đây ANV là một case mà chúng tôi được nghe khá nhiều ý kiến trái chiều từ một số các bạn bè đồng nghiệp trong ngành, nói cụ thể hơn là người khuyên bán, kẻ bảo mua. Vốn dĩ không có nhiều ấn tượng tốt đẹp định bỏ qua doanh nghiệp này, nhưng vô tình lại nhận được một order về ANV, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng đã có nhiều điều đã thay đổi ở doanh nghiệp này so với thời điểm theo dõi nhiều năm về trước. Một “làn gió mới” đã thổi vào ANV khi tình hình kinh doanh khởi sắc, cơ cấu tài sản đang trở nên lành mạnh hơn, và đặc biệt là việc “quay đầu lại là bờ” của ban lãnh đạo sau những năm tháng rong ruổi với đam mê đầu tư ngoài ngành để rồi ôm “trái đắng”. Tuy nhiên hiện tại chúng tôi cho rằng dấn thân vào ANV vẫn là “một phen mạo hiểm”, khi vấn đề biên an toàn vẫn còn đáng quan ngại.

1. ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Cơ cấu tài sản đã lành mạnh hơn: Trong quá khứ ANV từng là doanh nghiệp đứng đầu ngành cá tra của Việt Nam, tuy nhiên sau nhiều năm đầu tư trái ngành cũng như gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh chính, hiện mọi thứ đã không còn như trước. Mặc dù vậy, trong những năm gần đây nhờ diễn biến kinh doanh tích cực và dòng tiền thu về nhiều mà cơ cấu tài sản của công ty trở nên lành mạnh hơn. Tỷ lệ vay nợ đã giảm dần từ mức 59% năm 2014, về còn 39% trong Q1/2019. Hiện nợ dài hạn chỉ còn lại hơn 6 tỷ đồng nên có thể coi như là không đáng kể, giúp công ty tránh áp lực chi phí lãi vay. Ngoài ra chỉ số thanh toán nhanh cũng được cải thiện lên mức 0,8 – mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, và đặc biệt công ty đã có thêm hơn 530 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng, đem về một khoản doanh thu tài chính đáng kể.
- Nguồn cung cá tra nguyên liệu tăng mạnh giúp giảm giá vốn: Kết thúc Q1/2019, doanh thu ANV đạt hơn 910 tỷ đồng (+12% YoY) nhờ vào giá bán lẫn sản lượng tăng lên, đặc biệt là tại các thị trường EU (+90% YoY) và ASEAN (+24% YoY). Tuy nhiên để biên lợi nhuận tăng vọt từ mức 20,9% của năm 2018 lên 30,5% trong quý vừa qua thì không thể không kể đến tác động tích cực của việc giảm giá vốn. Do diễn biến ngành cá tra trước đó thuận lợi, thời gian qua đã có nhiều hộ dân nhảy vào nuôi cá, khiến nguồn cung cá tra nguyên liệu tăng mạnh và giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tiết kiệm được một cách đáng kể các chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, ANV cũng là một doanh nghiệp có khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu cao với tổng diện tích các vùng nuôi rộng 300ha, và sắp tới còn đầu tư thêm vùng nuôi Bình Phú với diện tích lên đến 600ha.

2. VẤN ĐỀ REVIEW

- Việc thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành: Đầu tư ngoài ngành là một vấn đề khá “nhức nhối” của ANV trong nhiều năm qua. Năm 2007, ANV lên sàn chứng khoán và huy động được một lượng vốn lớn. Khi có dư nguồn tiền, công ty bắt đầu tham gia đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành như Cromit Cổ Định, Cromit Nam Việt, Quỹ Y tế Bản Việt, Bảo hiểm Hàng Không, hay nổi bật hơn nữa là DAP số 2 – Vinachem,... Đa phần các khoản đầu tư của ANV đều không hiệu quả, nếu không muốn nói là thất bại nặng nề, khiến công ty phải gánh các khoản trích lập dự phòng cũng như ghi nhận các khoản thua lỗ. ANV đã, đang và dự kiến sẽ thoái vốn khỏi tất cả các công ty đầu tư ngoài ngành để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Hiện một điểm tích cực cho ANV là đã thoái được vốn tại DAP 2 Vinachem – một công ty con kém hiệu quả của ANV và thu về số tiền 547 tỷ đồng (chấp nhận lỗ 60 tỷ đồng). Mặc dù phi vụ thoái vốn này ban đầu có nhiều lo ngại về việc kém minh bạch, nhưng hiện tại ANV đã thu được toàn bộ số tiền, giúp mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn.

- Ban lãnh đạo: Đối với ban lãnh đạo ANV, chúng tôi có nhiều đánh giá khá trái chiều. Chúng tôi từng thấy rất khó chịu trước hoạt động đầu tư ngoài ngành của ANV, cũng như nhiều khoản phải thu “kỳ lạ” từ nhiều cá nhân (mà đến hiện tại vẫn còn nằm trong BCTC của doanh nghiệp), từ đó dấy lên lo ngại về vấn đề sự minh bạch của ban lãnh đạo. Tuy nhiên ngược lại, chúng tôi cũng thấy thoải mái hơn trước những chia sẽ tạo ra cảm giác chân thành của ban lãnh đạo ANV, và đặc biệt là động thái thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành để sửa chữa sai lầm gần đây. Tương tự, chúng tôi đánh giá cao các bước phát triển của ANV trong giai đoạn hiện tại với mục tiêu và quyết tâm cao, nhưng cũng thấy lịch sử kinh doanh của công ty vẫn còn nhiều điểm chưa ổn định, bấp bênh theo sự lên xuống của ngành. Nhìn qua rồi nhìn lại, chúng tôi đã đưa ra đánh giá trung lập với ban lãnh đạo của doanh nghiệp này, có nghĩa là “vô phạt, nhưng cũng vô thưởng”.

- Giá trị cổ phiếu: Dù ANV đã giảm sàn trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5/2019, chúng tôi cho rằng mức giá gần 30.000 đồng/cổ phiếu này vẫn không còn là rẻ nữa, đặc biệt là trong một ngành đầy biến động như xuất khẩu cá tra hay trước sự chưa thực sự chắc chắn của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Do đó như quan điểm đã nêu ra ở đầu bài, chúng tôi cho rằng đây vẫn là một case mạo hiểm.

#ANV_TrueValueCapital