YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI
Có nhiều yếu tố quyết định tỷ giá hối đoái, và tất cả đều liên quan đến mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia. Hãy nhớ rằng, tỷ giá hối đoái có tính tương đối, và được thể hiện như sự so sánh giữa đồng tiền của hai quốc gia. Sau đây là một số yếu tố chính quyết định tỷ giá hối đoái (được xếp ngẫu nhiên chứ không phân theo thứ tự quan trọng).

1. CHÊNH LỆCH LẠM PHÁT
Theo nguyên tắc chung, khi một đất nước duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, giá trị của đồng tiền nước này sẽ tăng lên, bởi sức mua trong nước tăng lên tương đối so với các đồng tiền khác. Trong nửa cuối của thế kỷ 20, những nước có lạm phát thấp bao gồm Nhật Bản, Đức và Thụy Sĩ, còn Mỹ và Canada mãi về sau mới đạt được mức lạm phát thấp. Còn đồng tiền của những nước có lạm phát cao hơn thường mất giá so với với đồng tiền của các đối tác thương mại của mình. Hiện tượng này cũng thường đi kèm với lãi suất cao hơn.

2. CHÊNH LỆCH LÃI SUẤT
Lãi suất, lạm phát và tỷ giá hối đoái có mối tương quan chặt chẽ. Bằng cách kiểm soát lãi suất, các ngân hàng trung ương sẽ gây ảnh hưởng đến cả lạm phát và tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, lãi suất thay đổi sẽ tác động đến lạm phát và giá trị tiền tệ. Một nền kinh tế có lãi suất cho vay cao sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn cho chủ nợ so với các nền kinh tế khác. Do đó, lãi suất cao thu hút vốn đầu tư nước ngoài và làm tỷ giá hối đoái tăng. Tuy nhiên, tác động của lãi suất cao sẽ trở nên tiêu cực, nếu lạm phát trong nước cao hơn nhiều so với các nước khác, hoặc nếu có thêm những yếu tố khác làm giảm giá trị đồng tiền. Ngược lại, lãi suất giảm có xu hướng làm giảm tỷ giá hối đoái.

3. THÂM HỤT TÀI KHOẢN VÃNG LAI
Tài khoản vãng lai là cán cân thương mại giữa một quốc gia và các đối tác thương mại của nó, phản ánh tất cả các khoản thanh toán giữa các nước liên quan đến hàng hoá, dịch vụ, lãi và cổ tức. Thâm hụt tài khoản vãng lai cho thấy một quốc gia đang chi tiêu cho ngoại thương nhiều hơn việc thu nhập từ xuất khẩu, và rằng nước này đang vay vốn từ các nguồn nước ngoài để bù đắp thâm hụt. Nói cách khác, đất nước cần nhiều ngoại tệ hơn những gì nhận được thông qua xuất khẩu, và cung cấp nội tệ cho nước ngoài nhiều hơn những gì họ cần để mua hàng hóa. Nhu cầu ngoại tệ dư thừa làm giảm tỷ giá hối đoái của nước này cho đến khi giá của hàng hóa, dịch vụ trong nước đủ rẻ đối với người nước ngoài và các tài sản nước ngoài quá đắt để tạo ra doanh số bán hàng trong nước.

4. NỢ CÔNG
Do thâm hụt ngân sách, một quốc gia sẽ tài trợ quy mô lớn cho các dự án nhà nước và hoạt động của chính phủ bằng hình thức vay nợ. Mặc dù hoạt động này kích thích nền kinh tế trong nước, nhưng các quốc gia có thâm hụt ngân sách và nợ công lớn sẽ trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Lý do là vì một khoản nợ lớn thường dẫn đến lạm phát, và nếu lạm phát lên cao, chính phủ phải trả lãi cho các khoản nợ này và cuối cùng trả hết nợ với đồng đô la rẻ hơn trong tương lai.

Trong trường hợp xấu nhất, chính phủ có thể in tiền để trả một phần của một khoản nợ lớn, nhưng tăng cung tiền không tránh khỏi gây ra lạm phát. Hơn nữa, nếu chính phủ không có khả năng trả lãi cho thâm hụt thông qua các công cụ trong nước (bán trái phiếu trong nước, tăng cung tiền), thì họ sẽ phải tăng nguồn cung chứng khoán để bán cho người nước ngoài, do đó giá chứng khoán giảm xuống. Cuối cùng, một khoản nợ lớn có thể là mối lo cho nhà đầu tư nước ngoài nếu họ tin rằng quốc gia này sẽ không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không muốn sở hữu chứng khoán đề mệnh giá bằng đồng tiền nước đó nếu nguy cơ vỡ nợ là rất lớn. Vì lý do này, xếp hạng nợ của một quốc gia (ví dụ như của Moody’s hay Standard & Poor) là một yếu tố quyết định đến tỷ giá hối đoái.

5. TỶ LỆ TRAO ĐỔI THƯƠNG MẠI (TERMS OF TRADE)
Là tỷ lệ so sánh giá xuất khẩu với giá nhập khẩu. Tỷ lệ trao đổi thương mại có liên quan đến tài khoản vãng lai và cán cân thanh toán. Nếu tốc độ tăng giá xuất khẩu của một quốc gia nhanh hơn tốc độ tăng giá nhập khẩu, thì tỷ lệ trao đổi thương mại đã được cải thiện tích cực. Tỷ lệ trao đổi thương mại tăng cho thấy nhu cầu về hàng xuất khẩu của nước đó đang tăng, dẫn đến doanh thu từ xuất khẩu tăng, và nhu cầu cho nội tê tăng lên (và giá trị của đồng nội tệ tăng). Nếu tốc độ tăng trưởng của giá xuất khẩu chậm hơn so với nhập khẩu, giá trị của đồng nội tệ sẽ giảm tương đối với các đối tác thương mại.

6. MỨC ĐỘ ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ
Các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn muốn đầu tư vào những quốc gia có nền chính trị ổn định với nền kinh tế hoạt động mạnh mẽ. Một đất nước có những đặc điểm này sẽ thu hút được nhiều đầu tư hơn so với các nước có rủi ro chính trị và kinh tế cao hơn. Ví dụ, bất ổn chính trị có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư dành cho một đồng tiền và họ sẽ chuyển luồng vốn vào đồng tiền của các nước ổn định hơn.

Cuối cùng :
Với một danh mục có phần lớn khoản đầu tư dùng một đồng tiền thì tỷ giá của đồng tiền đó có ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận thực tế của danh mục. Tỷ giá hối đoái giảm sẽ làm giảm sức mua của thu nhập và lãi vốn thu về từ đầu tư. Hơn nữa, tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến các yếu tố thu nhập khác như lãi suất, lạm phát và thậm chí cả lãi vốn từ chứng khoán trong nước. Mặc dù tỷ giá hối đoái được xác định bởi rất nhiều yếu tố phức tạp mà ngay cả các nhà kinh tế giàu kinh nghiệm nhất cũng phải lúng túng, các nhà đầu tư vẫn cần một số hiểu biết về vai trò quan trọng của giá trị tiền tệ và tỷ giá hối đoái đối với lợi suất đầu tư để có thể đầu tư thành công.