Giá hợp đồng ngô tháng 12 mở cửa phiên giao dịch sáng nay chỉ giằng co và biến động nhẹ quanh mức tham chiếu. Như chúng tôi dự đoán, giá ngô đã liên tục suy yếu sau báo cáo Cung – cầu tuần trước do không còn yếu tố bất ngờ và đang ở vùng hỗ trợ 660 – 670.
Trong báo cáo từ Hải quan Trung Quốc sáng nay, khối lượng ngô nhập khẩu tỏng tháng 8 của nước này đạt 1.8 triệu tấn, giảm 44.4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế nhập khẩu ngô từ đầu năm đến hết tháng 08 của nước này đạt 16.93 triệu tấn, giảm 20.9% so với cùng kỳ năm trước. Không những thế, khối lượng nhập khẩu lúa mì cũng giảm mạnh. Điều này phản ánh nhu cầu thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc đang suy yếu dần khi giá nguyên liệu tăng cao nhưng giá thành lợn đầu ra vẫn đang ở mức thấp. Tỉ suất lợi nhuận chăn nuôi vẫn sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian tới khi kinh tế vĩ mô đang cho thấy những số liệu tiêu cực, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ khó được cải thiện. Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố hạn chế đối với đà tăng của ngô vì nếu không tính 2 niên vụ vừa qua thì Trung Quốc cũng không phải là quốc gia đứng trong top nhập khẩu ngô lớn từ Mỹ. Việc nhập khẩu suy yếu sẽ làm giảm khả năng giá ngô có thể một lần nữa quay trở lại vùng đỉnh vào giữa năm nay.
Ngược lại, bên cạnh mùa vụ tại Mỹ, thị trường đang hướng dần sự chú ý sang giai đoạn gieo trồng cho niên vụ mới của Argentina. Tương tự như 2 năm vừa rồi, thời tiết năm nay tiếp tục ảnh hưognr tiêu cực tới mùa vụ Nam Mỹ. Ba tháng hạn hán vừa qua trùng với khoảng thời gian mùa đông ở phía nam Argentina. Thông thường, vào cuối tháng 09, mùa xuân sẽ bắt đầu ở khu vực này, cũng là thời điểm có mưa nhiều nhất. Tuy nhiên, hiện tượng La Nina đang khiến cho lượng mưa thấp hơn đáng kể so với mức bình thường và thậm chí còn có cảnh báo về tình trạng “đại hạn hán” tương tự như niên vụ 2008/09 có thể xảy ra. Đây sẽ là yếu tố trái chiều giúp giá ngô sẽ không giảm sâu trong trung hạn.
Trái ngược với xu hướng tăng nhẹ của những mặt hàng còn lại trong nhóm nông sản, lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà giảm trong phiên sáng nay. Những thay đổi của cán cân cung-cầu thế giới trong ngắn hạn là yếu tố đang gây sức ép lên giá mặt hàng này.
Đối với nguồn cung, cuối tuần trước Bộ Cơ sở Hạ tầng Ukraine cho biết, nước này đã xuất khẩu 3.7 triệu tấn ngũ cốc trong vòng gần 2 tháng hiệu lực của thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hợp Quốc làm trung gian được ký kết vào hồi cuối tháng 07. Điều đó phản ánh hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đang dần ổn định và đẩy nhanh tốc độ. Thời gian gần đây, cả Nga và Ukraine đều có những động thái chỉ trích lẫn nhau liên quan đến việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của cả 2 nước, dấy lên lo ngại về việc thỏa thuận ngũ cốc có thể không tiếp tục được gia hạn sau khi hết hiệu lực vào cuối tháng 11 tới. Tuy nhiên theo nhận định của chúng tôi, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sẽ khó có thể bị gián đoạn như trước đây nếu như thỏa thuận trên không được gia hạn. Nguyên nhân là ngoài đường biển, Ukraine cũng đang dần hoàn thiện năng lực xuất khẩu của mình thông qua các tuyến đường khác như đường sắt, đường bộ và đường sông. Cụ thể, trong số 4.5 triệu tấn ngũ cốc nước này đã xuất khẩu trong tháng 08, có tới 1.6 triệu tấn được vận chuyển bằng các tuyến đường thay thế trên. Do đó, ngay cả khi thỏa thuận ngũ cốc không được tiếp tục gia hạn, điều này cũng sẽ không phải là mối đe dọa lớn đối với hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine.
Về phía nhu cầu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết nước này đã nhập khẩu 0.53 triệu tấn lúa mì trong tháng 08, giảm tới 25.4% so với 08/2021. Trong 8 tháng đầu năm nay, các lô hàng lúa mì tới nước này chỉ đạt 6.25 triệu tấn, thấp hơn 10.1% so với cùng kỳ năm trước. Với vị thế là nước nhập khẩu lúa mì lớn thứ 4 trên thế giới, việc Trung Quốc giảm mua lúa mì nước ngoài trong năm nay đang gây sức ép không nhỏ lên giá mặt hàng này.