Thông điệp Thủ tướng: Cơ cấu lại TTCK tập trung vào 4 trụ cột
Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã đề cấp đến 2 nội dung lớn (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng). Thị trường chứng khoán liên quan đến cả hai nội dung này.
Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Tấn Dũng
Thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi mà các doanh nghiệp (DN) tiến hành huy động vốn chủ yếu, nhất là vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển. Do TTCK mới ra đời, việc huy động vốn trên thị trường này thời gian gần đây gặp khó khăn, nên các DN phải phụ thuộc tới 90% vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra: “TTCK thiếu chiều sâu, chưa trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đang dồn gánh nặng lên thị trường tín dụng, làm cho thị trường này rất dễ bị tổn thương”. “Chiều sâu” ở đây là chất lượng, là tính bền vững, chứ không chỉ là sự tăng lên nhất thời, là ở số lượng công ty niêm yết, công ty chứng khoán, số nhà đầu tư,…
Ở nước ta, TTCK ra đời tính đến nay đã được hơn 11 năm, nếu so với các nền kinh tế phát triển, thì thời gian đó là rất ngắn ngủi. Vì vậy, TTCK Việt Nam khó tránh khỏi hạn chế, bất cập, cần phải cơ cấu lại để phát triển.
Hiện ở Việt Nam có 2 Sở giao dịch chứng khoán (GDCK); trên 2 Sở GDCK có 3 thị trường cổ phiếu (2 thị trường niêm yết tại 2 Sở GDCK và 1 thị trường cổ phiếu chưa niêm yết tại sở GDCK Hà Nội); bên cạnh đó còn có hình thức chuyển quyền sở hữu cho các chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (hoặc chưa đăng ký giao dịch). Tình hình đó làm TTCK bị chia cắt, không thống nhất trong việc quản lý thị trường, đặc biệt là công tác quản trị công ty, công bố thông tin của các DN, làm tăng chi phí xã hội.
Số DN niêm yết đã liên tục tăng lên qua các năm (nếu năm 2005 mới có 41, thì năm 2010 đạt 632, năm 2011 đạt 825 DN). Tuy nhiên, một mặt so với tổng số DN đang hoạt động thì số DN niêm yết còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chỉ có khoảng 51,8% số công ty niêm yết và đăng ký giao dịch có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng; chất lượng của các công ty niêm yết đăng ký giao dịch chưa cao, nhất là về mặt quản trị DN và tính minh bạch.
Số tài khoản của nhà đầu tư tăng nhanh (nếu năm 2008 có 538.500 thì năm 2010 đạt hơn 1 triệu) nhưng phần lớn trong số đó là các nhà đầu tư cá nhân, tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức còn ít. Chính vì thế, việc đầu tư mang nặng tính phong trào, đầu tư theo đám đông, chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý, đầu tư ngắn hạn với sự rủi ro cao, hiện tượng đầu cơ, làm giá còn nhiều.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường/GDP từ chỗ còn rất thấp (năm 2005 mới đạt 1,2%), đã tăng lên, có năm đã đạt tỷ lệ khá (năm 2007 đạt 40%, năm 2009 đạt 48%,…), nhưng ước năm 2011 chỉ còn khoảng 26%, vừa giảm so với mấy năm trước, vừa ở mức thấp.
Lượng vốn huy động qua TTCK nhìn chung đã tăng lên (từ 7.100 tỷ đồng năm 2005 lên 110.000 tỷ đồng năm 2010), nhưng năm 2011 ước chỉ đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, mức thấp nhất tính từ 2006 đến nay.
Số công ty chứng khoán đã lên đến 105, với 47 công ty quản lý quỹ, 23 quỹ đầu tư.
Chỉ số chứng khoán bị sụt giảm. VN-Index hiện chỉ còn khoảng 350 điểm, giảm gần 28% so với cuối năm 2010, giảm tới 70% so với đỉnh điểm đạt được vào 12/3/2007…
Những bất cập nói trên chính là sự cần thiết phải cơ cấu lại TTCK.
Cơ cấu lại TTCK cần tập trung vào 4 trụ cột
Một, cơ cấu lại hàng hoá trên TTCK, thực chất là cơ cấu lại DN niêm yết.
Đó là rà soát lại danh sách để xếp hạng các DN niêm yết theo các loại: ngừng giao dịch, bị kiểm soát, cảnh báo và số còn lại được giao dịch bình thường. Đây là việc làm thường xuyên, nhưng trước khi cơ cấu lại cần tổng rà soát.
Nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện phát hành chứng khoán, đặc biệt là điều kiện về lợi nhuận, thời gian hoạt động và quản trị công ty theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Yêu cầu các DN niêm yết thực hiện tốt hơn việc công khai, minh bạch hoạt động và thông tin, trên cơ sở chuẩn hoá nội dung, kỳ hạn và phương thức công bố thông tin. Các DN phải thiết lập website theo mẫu thống nhất và tất cả thông tin của DN phải được công bố trên website đó.
Đẩy mạnh công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nhất là các Tổng công ty, Tập đoàn lớn để có các hàng hóa tốt và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Hai, cơ cấu lại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ (CTCK) để đạt được các mục đích: cơ cấu lại số lượng theo hướng thu hẹp số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tái chính, quản trị DN và khả năng kiểm soát rủi ro; cơ cấu lại thành phần góp vốn trong CTCK bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng cường khả năng, hiệu quả quản lý, giám sát đối với hoạt động của CTCK.
Cơ cấu lại các CTCK với các nguyên tắc, quan điểm là cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, nhưng không làm thay các CTCK. Thực hiện có lộ trình, bảo đảm lợi ích của khách hàng; Xử lý tốt mối quan hệ giữa CTCK, ngân hàng thương mại, tổ chức bảo hiểm, bảo đảm nguyên tắc quan trị rủi ro.
Cơ cấu lại CTCK: dựa trên 2 tiêu chí la vốn khả dụng/ tổng rủi ro và tỷ lệ lộ luỹ kế/vốn điều lệ để phân các CTCK thành 3 nhóm: Nhóm 1- Bình thường; Nhóm 2- Kiểm soát; Nhóm 3- Kiểm soát đặc biệt.
Ba, đối với nhà đầu tư, việc cơ cấu lại nhằm mục tiêu là tăng tính chuyên nghiệp, tăng tài khoản của các tổ chức (các công ty đầu tư chứng khoán, quỹ mở, quỹ hưu trí,…).
Bốn, cơ cấu lại tổ chức quản lý, vận hành thị trường về thanh toán, lưu ký chứng khoán, như về rút ngắn thời gian giao dịch xuống T + 2, về phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu, đơn giản hoá thủ tục cấp mã số giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. Cần xem xét việc hợp nhất 2 sở giao dịch chứng khoán.
TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế. Khi kinh tế còn gặp khó khăn, thì TTCK cũng không tránh khỏi khó khăn. Với việc cơ cấu lại TTCK và việc thoát ra khỏi khó khăn của nền kinh tế, kỳ vọng nửa cuối năm 2012 TTCK sẽ khá lên.
Lâm Ngọc
Chính phủ



Xem bài viết: Thông điệp Thủ tướng: Cơ cấu lại TTCK tập trung vào 4 trụ cột