Các nỗ lực bứt phá và chinh phục vùng đỉnh mới một cách thuyết phục của chỉ số trong các phiên gần đây vẫn đang gặp những lực cản đáng kể từ lực bán chốt lời ngắn hạn.
CTCK FPT – FPTS: Một tuần nhiều biến động

Tuần giao dịch này sẽ diễn ra hoạt động cơ cấu mạnh của các ETFs như thường lệ. Bên cạnh đó, đây cũng là tuần giao dịch cuối cùng của hợp đồng tương lai VN30F1M.

Vì vậy, tình trạng giằng co mạnh nhiều khả năng sẽ tiếp tục chi phối biến động của các chỉ số do tâm lý lo ngại bất ổn xu hướng, đặc biệt là khi nhà đầu tư nước ngoài đang có khuynh hướng bán ròng nhiều hơn.

Theo đó, chúng tôi giữ quan điểm thận trọng khi đưa ra các khuyến nghị giải ngân trong điều kiện VN-Index chưa hoàn toàn bứt phá mốc 1.130 điểm.

Nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục được khuyến nghị đứng ngoài quan sát, chờ đợi tín hiệu tin cậy hơn cho xu hướng sắp tới của thị trường.

CTCK VCBS: Theo dõi các doanh nghiệp có kế hoạch, triển vọng kinh doanh khả quan

Các nỗ lực bứt phá và chinh phục vùng đỉnh mới một cách thuyết phục của chỉ số trong các phiên gần đây vẫn đang gặp những lực cản đáng kể từ lực bán chốt lời ngắn hạn. Trong khi đó, ngoại trừ nhóm Ngân hàng vẫn duy trì khá bền bỉ vai trò dẫn dắt, không có các cổ phiếu hay nhóm cổ phiếu nào thực sự nổi bật đủ để hỗ trợ chỉ số bứt phá thuyết phục.

Trong bối cảnh mùa đại hội cổ đông đang đến gần, nhà đầu tư được khuyến nghị tăng cường theo dõi các doanh nghiệp có kế hoạch, triển vọng kinh doanh khả quan đi kèm với sự thu hút của dòng tiền nhằm phục vụ cho các mục tiêu trung hạn. Cùng lúc, việc nắm giữ tỷ trọng tiền mặt nhất định sẽ tạo ra sự linh hoạt cần thiết khi mức độ đột phá của thị trường trong giai đoạn này chưa thực sự rõ nét.

CTCK BSC: Rung lắc sẽ tiếp tục xuất hiện

Thị trường có phiên giao dịch đầu tuần tăng điểm cùng thị trường chứng khoán thế giới. Nhóm Ngân hàng dẫn dắt đà tăng trên toàn thị trường với các cổ phiếu nổi bật là CTG, VCB, STB, BID. Tuy nhiên, đà tăng thu hẹp khiến chỉ số không trụ lại được mốc đỉnh do có sự phân hóa mạnh ở các nhóm cổ phiếu. Đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giảm điểm tác động lớn đến chỉ số là VNM, BMP, VIC. Thị trường vẫn duy trì được sắc xanh cuối phiên nhưng vẫn chưa thể chinh phục đỉnh thành công.

BSC nhận định, rung lắc sẽ tiếp tục xuất hiện khi thị trường vẫn chờ đợi sự đồng thuận và động lực tăng trưởng lớn hơn để bứt phá.

CTCK Rồng Việt: Dòng tiền tiếp tục cho thấy sự suy yếu so với mức trung bình 20 phiên

Kịch bản thị trường hưng phấn vào đầu phiên và thận trọng vào cuối phiên khiến VN-Index chưa thể bứt phá qua khu vực tích lũy. Dòng tiền tiếp tục cho thấy sự suy yếu so với mức trung bình 20 phiên. Các cổ phiếu trụ xuất hiện sự phân hóa rõ rệt, và sự phân hóa này diễn ra ở ngay cả các cổ phiếu trong cùng một nhóm ngành.

Trong bối cảnh hiện tại, NĐT nên tiếp tục giữ vị thế quan sát thị trường thay vì vội vàng giải ngân mới, ưu tiên chỉ nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu vừa phải trong tài khoản.

CTCK Bản Việt: Điều chỉnh

Mở cửa ở mức cao điểm, phía trên ngưỡng kháng cự 1.130 điểm, tuy nhiên, VN-Index một lần nữa trượt xuống phía dưới ngưỡng này vào cuối ngày giao dịch. Đồ thị kỹ thuật chỉ số hình thành một cây nến đen đặc với KLGD vừa phải và điểm đóng cửa vẫn nằm phía trên khu vực hỗ trợ ngắn hạn tại 1125 điểm của các đường MA5 và MA10. Diễn biến tương tự cũng xuất hiện tại VN30, tuy nhiên HNX-Index lại thể hiện được mức tăng điểm khá tốt, vượt qua vùng đỉnh cũ 128,5 điểm.

Dự báo các chỉ số chứng khoán có thể điều chỉnh giảm vào ngày 13/03, trong đó, VN-Index sẽ kiểm định định lại lực cầu giá thấp quanh khu vực hỗ trợ 1125 điểm. Biên độ dao động của chỉ số đang thu hẹp dần (1125-1130) và theo đó, điểm phải ra quyết định break-out của chỉ số cũng đang đến rất gần.

CTCK KB Việt Nam – KBSV: Mức rủi ro của thị trường chưa có dấu hiệu giảm bớt

Thị trường liên tục "test" đỉnh bất thành với sự phân hóa tăng/giảm đan xen liên tục và hầu như phiên nào cũng có một cổ phiếu BigCaps bị tập trung bán mạnh.

Mức rủi ro của thị trường chưa có dấu hiệu giảm bớt. Đề xuất: Tiếp tục ưu tiên tạm thời đứng ngoài thị trường.