Phần I: Các loại cổ phiếu KHÔNG nên đầu tư dài hạn

Nếu lướt sóng cổ phiếu, chúng ta có thể xem nhẹ những điều dưới đây. Nhưng nếu cân nhắc mua và nắm giữ dài hạn, thì đây là những điều mà theo kinh nghiệm của tôi - một người làm đầu tư M&A. Chúng ta nên loại bỏ ngay khỏi danh mục của mình, ngay cả trong một số trường hợp danh nghiệp khi ngành nghề, doanh nghiệp đó được đánh giá cao về triển vọng kinh doanh.

1. CỔ PHIẾU KHÔNG "CHÍNH TRỰC"

Các dấu hiệu không "chính trực" và tiềm ẩn rủi ro đạo đức của doanh nghiệp hay lãnh đạo doanh nghiệp bao gồm:
  • Thường xuyên thay đổi đơn vị kiểm toán (2,3 năm 1 lần), hoặc đổi công ty kiểm toán lớn sang công ty kiểm toán ít danh tiếng hơn.
  • Thường xuyên chậm công bố báo cáo tài chính,
  • Lãnh đạo, người thân thường xuyên công bố mua/bán giao dịch cổ phiếu hoặc thực hiện giao dịch mua bán cổ phiếu (bao gồm cả giao dịch công khai).
  • Lãnh đạo đồng thời có cổ phần/lợi ích (qua người thân) ở các doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp có các giao dịch kinh tế với công ty đầu tư.
  • Danh sách cơ cấu cổ đông "bí ẩn" (*)
  • Hệ thống quản trị kinh doanh không lành mạnh (**)
Giải thích chi tiết xin để bài viết phần sau, ở đây mình sẽ lấy ví dụ câu chuyện thực tế và giải thích lý do chung:
Khi đầu tư chứng khoán dài hạn, hiểu cách thuần túy nhất là chúng ta gửi tiền cho người khác thực hiện ý tưởng, chiến lược kinh doanh của họ.
Điều trước tiên cần đánh giá khi góp vốn với người khác là người ta có đáng tin cậy hay không. Tiềm năng & triển vọng kinh doanh là yếu tố rất quan trọng, nhưng vẫn nên được xếp vị trí thứ 2.

Câu chuyện đầu tư thực tế:

Năm 2020 là giai đoạn thực hiện quản lý biên giới gay gắt. Các hàng hóa nhập lậu (đặc biệt qua biên giới Campuchia & Laos) trở lên khó khăn hơn rất nhiều. Nhận thấy điều đấy, chúng tôi tăng tỷ trọng đầu tư cho một công ty sản xuất loại hàng hóa tiêu dùng, loại hàng bị cạnh tranh trực tiếp từ loại hàng hóa nhập lậu này.

Cùng với những dấu hiệu khác trên thị trường (mẫu hàng hóa cạnh tranh cạn kiệt) và trên bảng báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp cho thấy những dấu hiệu doanh thu tăng trưởng đột biến trong giai đoạn này (khoản mục ngắn hạn: nguyên vật liệu, phải trả nhà cung cấp... đều tăng mạnh).

Nhưng chúng tôi "không hiểu sao" khi doanh thu/kết quả kinh doanh trong thời điểm đó lại "rất bình thường" chứ không tăng trưởng đột biến như kỳ vọng.

Mặc dù giá cổ phiếu của công ty đó vẫn tăng tương đối trong thời điểm đó (do xu hướng tăng chung của thị trường). Nhưng có vẻ như một khoản thu không nhỏ của doanh nghiệp đã "tuột" khỏi túi của các cổ đông nhỏ lẻ như chúng tôi.

Nếu anh/chị nhà đầu tư làm kinh doanh, làm kế toán, hoặc công tác ở một số vị trí cao trong tổ chức kinh tế có lẽ không cần giải thích thêm về tình trạng "2 sổ kế toán" hay kê khai thuế không đầy đủ ở doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhưng thực tế theo kinh nghiệm của chúng tôi, điều này vẫn xảy ra với các doanh nghiệp niêm yết có hệ thống quản trị không lành mạnh trên sàn, hoặc có các dấu hiệu như miêu tả ở trên.

2. CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ/KINH DOANH KHÔNG NHẤT QUÁN VỚI CÔNG BỐ:

Nhìn chung, việc không nhất quán giữa kế hoạch công bố và hành động đầu tư/kinh doanh thực tế. Ngoài việc cho thấy rằng khả năng cao các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đang có vấn đề, còn đồng thời thể hiện sự thiếu tôn trọng/trách nhiệm với cổ đông nhỏ lẻ.
Trong tương lai cổ đông sẽ khó tin tưởng ban lãnh đạo để tiếp tục nắm giữ lâu dài, nếu họ tiếp tục "nói một đằng, làm một lẻo" như vậy.
Các dấu hiệu cụ thể bao gồm:
  • Sản xuất/kinh doanh sản phẩm không liên quan với danh mục sản phẩm hiện thời của doanh nghiệp.
  • Các hoạt động đầu tư hoặc mua cổ phần (M&A) các doanh nghiệp ở những lĩnh vực kinh doanh không liên quan với hệ thống eco-system có sẵn.
  • Thành lập các công ty con, góp vốn kinh doanh ở các lĩnh vực không liên quan.
Hậu quả chủ yếu:
Giai đoạn 2005-2010 chứng kiến một số cổ phiếu của các tập đoàn đa ngành nổi lên trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Với nhiều phát biểu tự tin, một trong số đó vẫn khiến chúng tôi ấn tượng mãi: "Ở đâu có thể kiếm được lời thì chúng tôi đầu tư".

Làm việc với người đứng đầu ở các tập đoàn qua những thương vụ M&A giúp chúng tôi hiểu rằng, hầu hết các chủ tịch của các tập đoàn đều là những người có niềm tin và quan điểm rất mạnh mẽ về các nhận định kinh doanh của mình. Điều này dễ hiểu, bởi có vậy họ mới có thể kéo niềm tin hàng trăm, nghìn người tin tưởng đồng hành để cùng xây dựng lên các đế chế kinh doanh.

Tuy nhiên không phải lúc nào họ cũng đúng, và đôi khi nhận định của họ là quá chủ quan & quá tự tin ngay cả những lĩnh vực mà doanh nghiệp của họ không có nhiều lợi thế. Ngôn ngữ chuyên ngành của dân đầu tư chúng tôi gọi là overconfidence bias & overcontrol bias.

Đầu tư dàn trải là một trong những hệ quả xuất phát từ vấn đề vừa nêu. Trên thế giới đã từng chứng kiến rất nhiều tập đoàn đa ngành rơi vào đống hỗn độn tài chính của các công ty con, trước khi bị phanh phui phá sản (Enron).

Việt Nam cũng vậy, sau giai đoạn 2005-2010 kể trên, nhiều tập đoàn đa ngành cũng rơi vào mớ nợ nần mà đến giờ cũng chưa hoàn toàn thoát ra được.

3. DOANH NGHIỆP "PHÁ" KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH/CƠ CẤU VỐN:

Các dấu hiệu bao gồm:
  • Huy động vốn quá lớn cho kế hoạch kinh doanh (phát hành cổ phần mới/cổ phiếu ưu đãi).
  • Vay mới hoặc phát hành trái phiếu làm thay đổi quá lớn cấu trúc vốn kinh doanh (tỷ lệ nợ vay/vốn CSH quá cao so với công ty cùng ngành).
  • Liên tục huy động vốn thiếu các kế hoạch/dự án kinh doanh cụ thể, hoặc các dự án mới không rõ ràng, thiếu nhất quán, kém khả quan...
  • Huy động vốn với bản chất là trả nợ vay. (Phát hành cổ phiếu phổ thông; cổ phiếu ưu đãi, trái phiếu chuyển đổi...).

Huy Tú/ Vnstockmarket.com