Những biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc khiến những định dạng quan hệ quốc tế tồn tại nhiều năm qua đang trở nên lỗi thời. Từ sự nhạt nhòa của G-8, đến việc nhóm BRIC bước lên sân khấu toàn cầu, và mới đây nhất là sự đồng thanh hưởng ứng của các thành viên Phong trào Không liên kết (NAM) tại Hội nghị cấp cao Sam En-sếch (Ai Cập) cho thấy, xác lập một trật tự thế giới mới là nhu cầu khẩn thiết của đại đa số các quốc gia.
Là các nước đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, các thành viên của NAM soi xét rất thấu đáo nguyên nhân dẫn tới cơn “bão táp” này. Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao Sam En-sếch nêu rõ, chính những khiếm khuyết về cấu trúc của các hệ thống kinh tế-tài chính quốc tế được hình thành trong những thập niên vừa qua là nguồn cơn của cuộc khủng hoảng.


Nói khiếm khuyết cũng đúng mà lỗi thời cũng chẳng sai bởi quan hệ kinh tế-tài chính quốc tế hiện nay vẫn cơ bản vận hành theo khuôn khổ được đưa ra tại một hội nghị ở Bretton Woods, Mỹ, từ năm 1944. Ngoài việc thành lập Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (tiền thân của Ngân hàng Thế giới) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hội nghị Bretton Woods đề ra cơ chế tỷ giá cố định giữa các nền kinh tế và Mỹ chịu trách nhiệm neo đồng USD với vàng (35USD/1 ao-xơ) để hình thành hệ thống hối đoái quốc tế. Theo lý thuyết là bất cứ ai có 35USD là có thể mua được 1 ao-xơ vàng, nhưng thực tế số lượng vàng trên thế giới là có hạn, trong khi Mỹ lại có thể chủ động in tiền theo ý mình. Điều đó khiến Mỹ trở thành cơ sở giữ tiền của cả thế giới. Rõ ràng, hệ thống Bretton Woods là cơ chế để bảo vệ quyền lợi siêu cường của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.


Do Oa-sinh-tơn ra sức in tiền để “mua gươm, sắm súng” và viện trợ kinh tế, nên đến năm 1971 đồng USD rớt giá thảm hại, lạm phát phi mã. Mỹ buộc phải thả nổi đồng USD, không còn neo giá vào vàng nữa. Từ đó đến nay, chính sách tỷ giá của nhiều nước đã thay đổi và hiện tại chủ yếu là tỷ giá thả nổi hoàn toàn. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì lợi thế của mình vì đại đa số các nước đều dự trữ ngoại tệ bằng đồng USD và xác định tỷ giá nội tệ với đồng USD.


Hệ thống Bretton Woods đã đưa Mỹ trở thành trung tâm tài chính có ảnh hưởng bao trùm toàn bộ thế giới, đồng USD có vị thế gần như độc tôn. Đó chính là cơ sở để dẫn tới cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Trong thời gian qua đã có nhiều cuộc khủng hoảng tài chính tầm cỡ quốc gia hay khu vực nhưng chúng chưa bao giờ đặt thế giới trước nguy cơ khủng hoảng dây chuyền. Thế nhưng, chỉ do việc đổ vỡ cho vay dưới chuẩn tại Mỹ năm 2008 là đã khiến cả thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng sâu sắc hiện nay.


Như vậy, việc xác lập một hệ thống kinh tế-tài chính quốc tế mới nhằm tránh rủi ro là điều cấp thiết. Tất nhiên, khó có thể loại đồng USD ra khỏi cuộc chơi bởi tầm ảnh hưởng sâu rộng của nó. Song, việc xuất hiện thêm những đồng tiền có giá trị thanh toán quốc tế từ những cường quốc kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, hay sự lớn mạnh của đồng ơ-rô sẽ có thể triệt tiêu được sự độc tôn tai hại của đồng USD.


Sau Chiến tranh lạnh, có những người ảo tưởng rằng, Mỹ với vai trò một cực duy nhất sẽ xử lý ổn thỏa những vấn đề toàn cầu. Nhưng thực tế, từ đó đến nay, tình hình an ninh thế giới trở nên phức tạp hơn, khó lường hơn. Chủ nghĩa khủng bố xuất phát từ bất công và đói nghèo, lan tràn nhanh chóng. Để đương đầu với vấn đề này không có con đường nào khác là thiết lập một thế giới đa cực. Và cải tổ Liên hợp quốc (LHQ) chính là con đường hợp lý, đúng đắn để đạt được mục tiêu này.


Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao NAM ở Sam En-sếch đòi hỏi cần nhanh chóng cải tổ LHQ. Các thành viên của NAM đã nhất trí cần phải dân chủ hóa và tăng số thành viên Hội đồng Bảo an, trong đó các nước đang phát triển ở các châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh được đại diện một cách xứng đáng, trên cơ sở phân bổ bình đẳng về khu vực địa lý; giảm áp dụng và tiến tới xóa bỏ quyền phủ quyết. Quả thật, chỉ như vậy thì mới có thể hy vọng tất cả các nước, dù phát triển hay đang phát triển, được góp tiếng nói trong các quy trình ra quyết định của LHQ. Những đại sự toàn cầu chỉ có khả năng được giải quyết với sự tham gia của mọi các quốc gia. Đó là điều không thể bác bỏ.


Đã qua rồi một thời đơn cực. Một trật tự mới, đa cực cả về kinh tế-tài chính lẫn chính trị là hướng vận động tất yếu của thế giới hiện nay