Xu hướng tăng của VN-Index có thể hình thành trong năm 2024

Mặc dù bị chi phối trong bối cảnh có nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước nhưng năm 2023, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã cán đích với nhiều kết quả khả quan.

Tính đến ngày 29/12/2023, chỉ số VN-Index tăng 12,2% so với cuối năm 2022 và hồi phục đến 23,9% từ đáy trung hạn vào giữa tháng 11/2022. Trên thị trường cổ phiếu, thanh khoản ghi nhận đạt trên 17.500 tỷ đồng/phiên; quy mô vốn hóa ước đạt gần 6 triệu tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2022, tương đương khoảng 62% GDP năm 2022 với 739 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và 862 cổ phiếu đăng ký giao dịch. Số tài khoản nhà đầu tư mới tăng trên 350 nghìn tài khoản, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán lên gần 7,4 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số, vượt mức 5% dân số theo mục tiêu được đề ra trong Đề án Cơ cấu lại TTCK và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Bước sang năm 2024, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục được dự báo diễn biễn phức tạp. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, với sự điều hành linh hoạt và những giải pháp quan trọng của Chính phủ và những nền tảng đã đạt được trong năm 2023, tin tưởng TTCK sẽ có cơ hội phát triển cả về quy mô và chất lượng theo hướng bền vững trong năm 2024, cũng như các năm tiếp theo.

Nhận định về triển vọng của TTCK trong năm 2024, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VIDIRECT cho biết, định giá thị trường đang tương đối hấp dẫn. P/E hiện tại đạt 13,9 lần, thấp hơn 7,3% so với mức P/E trung bình 5 năm. Trong kịch bản tích cực, VIDIRECT dự báo VN-Index đóng cửa năm 2024 ở mốc 1.430 điểm, tăng 27% so với năm 2023, theo đó, P/E dự báo đạt 15,0 lần với dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp đạt 18%. VNDIRECT kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE sẽ phục hồi trong năm 2024 sau giai đoạn trầm lắng của 2022 - 2023 với mức tăng trưởng 18% theo kịch bản tích cực, trong khi mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.

“Do đó, chúng tôi kỳ vọng xu hướng tăng của VN-Index có thể hình thành trong năm 2024. Mặc dù lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giảm trong nửa đầu 2023 nhưng chúng tôi kỳ vọng năm 2024 sẽ chứng kiến sự phục hồi nhờ hoạt động sản xuất và xuất khẩu phục hồi; miễn giảm thuế và cải cách tiền lương sẽ giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng; thị trường bất động sản dự kiến ấm dần lên trong nửa sau 2024; mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao trong 2024 giúp củng cố tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng. Lợi nhuận tăng trưởng có thể tác động tích cực tới diễn biến VN-Index giống các năm 2015, 2017 và 2021. Lợi nhuận bắt đầu tăng trưởng trở lại sau giai đoạn sụt giảm thường kéo theo thị trường phục hồi tích cực”, đại diện VIDIRECT nhận định.

Những tín hiệu tích cực đầu năm 2024

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, bước sang năm 2024, các yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được duy trì như lãi suất ở mức thấp kỷ lục cùng với việc Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh chính sách tập trung vào tăng trưởng. Theo đó, SSI Research kỳ vọng, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024. Trong tháng giao dịch đầu tiên của năm, quán tính phục hồi có thể tiếp diễn nhưng sẽ tập trung vào nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng với một số chủ đề chính như: Chi tiết kế hoạch hành động của Chính phủ trong năm 2024 và các văn bản pháp lý được thông qua (với việc Luật Đất đai, Luật Tổ chức tín dụng và một số thông tư, nghị định mới sẽ được thông qua, ngành bất động sản, ngân hàng và đầu tư công có thể được hưởng lợi); kết quả kinh doanh quý IV/2023, là quý đầu tiên lợi nhuận thị trường tăng trưởng dương trở lại sau 4 quý liên tục suy giảm; rủi ro thị trường do gián đoạn chuỗi cung ứng (nhóm ngành liên quan đến vận tải, logistics sẽ được hưởng lợi). Dự báo cho tháng đầu tiên của năm mới 2024, SSI Research nhận định, chỉ số VN-Index sẽ theo xu hướng chuyển động tích cực dần với mức dao động 1.125 - 1.180 điểm.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, tính từ đầu năm 2024 tới nay, chỉ số VN-Index đã tăng từ mốc 1.130 điểm cuối năm 2023 lên mức hơn 1.169 điểm, thanh khoản chung có xu hướng tăng dần trong 3 tuần đầu tháng 01/2024, cải thiện đáng kể so với những tuần cuối năm 2023. “Đây là những tín hiệu tích cực của TTCK Việt Nam đầu năm 2024 với những kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV/2023 sẽ khả quan hơn các quý trước. Đồng thời, năm 2024, nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi để hồi phục trở lại sau nhiều khó khăn thách thức của năm 2023”, ông Đỗ Bảo Ngọc nhận định.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, trong năm 2024, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ cùng với các bộ, ngành chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK Việt Nam cùng các công ty con và Trung tâm Lưu ký, bù trừ chứng khoán Việt Nam tập trung mọi nỗ lực để triển khai phát triển TTCK một cách bền vững, với nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng như: tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với tầm nhìn dài hạn cho mục tiêu phát triển bền vững TTCK; đảm bảo hệ thống giao dịch, lưu ký, thanh toán bù trừ trên TTCK vận hành liên tục, an toàn, thông suốt, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán sau giao dịch tại các Sở và VSDC; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK, giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; nâng cao chất lượng hàng hóa của thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, hỗ trợ TTCK hoạt động ngày càng minh bạch, lành mạnh, khôi phục niềm tin của thị trường.

Thứ trưởng tin tưởng với sự nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và những giải pháp nêu trên, TTCK Việt Nam sẽ có một năm 2024 phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng của Chính phủ.

Hoài Anh

mof.gov.vn