CTCP Phú Tài (HOSE: PTB) là doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực với ngành gỗ là mảng kinh doanh chủ chốt. Năm 2021 bất chấp diễn biến phức tạp từ dịch bệnh, mảng gỗ vẫn mang về doanh thu lớn nhờ nhu cầu từ Mỹ tăng mạnh và các lợi ích từ các hiệp định FTA. Trong tương lai, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hưởng lợi từ các chính sách thuế thương mại cùng giá logistics đang trong đà hạ nhiệt.

Ngành gỗ tiếp tục đón nhận những tín hiệu khả quan

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 8.5 tỷ USD, tăng 2.8% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả xuất khẩu ngành gỗ có sự góp phần của các FTA thế hệ mới đã hỗ trợ ngành chế biến gỗ Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia không có hiệp định.

Kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam theo tháng từ năm 2018 - T6/2022. (ĐVT: triệu USD)



Nguồn: Bộ Công Thương

Kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam đều ghi nhận sự tăng trưởng qua các năm bất chấp tình hình dịch bệnh trong năm 2020-2021. Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) từ năm 2009-2021 khoảng 15.6%, ngành gỗ được kỳ vọng là khoản đầu tư sinh lợi vượt lạm phát trong tương lai.

Kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam giai đoạn 2009-2021. (ĐVT: tỷ USD)



Nguồn: Bộ Công Thương

Hoa Kỳ đang là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất về xuất khẩu G&SPG của Việt Nam, với hơn 59% lượng hàng hóa chảy vào thị trường Mỹ trong năm 2021. Dư địa đối với mặt hàng G&SPG, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ vẫn còn rất lớn tại thị trường này. Với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, lại đang trong giai đoạn phục hồi mạnh sau đại dịch, đây vẫn sẽ là thị trường giàu tiềm năng khai thác của Việt Nam.

Thị phần xuất khẩu G&SPG của Việt Nam trong năm 2021



Nguồn: Bộ Công Thương

Dự báo triển vọng thương mại quốc tế đối với đồ gỗ trong năm 2022 và 2023 cũng thuận lợi, nhưng vẫn còn nhiều bất ổn xuất phát từ hạn chế nguồn cung, chi phí năng lượng và các vấn đề về logistics. Thêm vào đó, việc Mỹ khởi xướng điều tra xem xét phạm vi lệnh áp thuế với Trung Quốc cũng phần gây ra lo ngại cho giới đầu tư khi mà nhiều sản phẩm đồ gỗ Việt Nam được lắp ráp từ nhiều bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc rồi xuất khẩu qua Mỹ. Hơn 75% doanh thu mảng gỗ của PTB đến từ việc xuất khẩu nên mọi yếu tố vĩ mô đều sẽ có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong năm 2021, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp gỗ cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp dịch bệnh. Doanh thu lớn nhất trong ngành là PTB, tuy vốn hóa có phần kém cạnh hơn 2 đối thủ ACG và VIF. Cùng với biên lợi nhuận gộp ở mức cao trên 20% cho thấy tiềm năng tăng trưởng và cạnh tranh của PTB đang là rất lớn.

Đồ thị so sánh các doanh nghiệp gỗ tại Việt Nam năm 2021



Nguồn: VietstockFinance

Chú thích: Kích thước quả bóng được đại diện cho mức vốn hóa thị trường (Market Cap) của doanh nghiệp.

Doanh thu mỗi năm từ mảng gỗ luôn có sự tăng trưởng qua các năm, tốc độ tăng trưởng CAGR từ năm 2015-2021 đạt khoảng 28%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu ghi nhận 1,947 tỷ đồng, tăng khoảng 7.2% so với cùng kỳ. Đây được xem là mảng hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp khi đóng góp tới hơn 50% vào tổng doanh thu.

Biến động kết quả kinh doanh mảng gỗ giai đoạn 2016-2022F. Đvt: Tỷ đồng



Nguồn: VietstockFinance

Sở hữu nhiều mỏ đá cùng thời hạn khai thác dài

PTB sở hữu 11 mỏ đá khai thác phân bổ khắp cả nước với tổng trữ lượng khai thác khoảng 53 triệu m3 cùng thời hạn khai thác còn lại khá dài (trung bình trên 15 năm). Điều này giúp công ty luôn chủ động và đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu để sản xuất.

Công ty cũng luôn liên tục mua, tích lũy mỏ đá, mở rộng các nhà máy nâng cao công suất qua M&A. Một lợi thế nữa là các nhà máy của PTB đều nằm rất gần các mỏ đá giúp PTB giảm được chi phí vận chuyển và khiến cho biên lợi nhuận gộp luôn giữ được mức cao xấp xỉ 30%.

Trữ lượng và thời hạn khai thác các mỏ đá của PTB. Đvt: Triệu m3



Nguồn: PTB

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng là chất xúc tác giúp các doanh nghiệp xuất khẩu đá ốp lát như PTB có thể cạnh tranh với Trung Quốc ở thị trường Mỹ khi mà các sản phẩm đá tấm thạch anh của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá 265.81-336.69% và thuế chống trợ cấp 45.32-190.99%.

Tốc độ tiêu thụ trong nước đã có sự phục hồi kể từ sau quý 1/2022, điều này ảnh hưởng tích cực đến kết quả kinh doanh mảng đá vì thị trường hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp vẫn là nội địa. Trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận tăng trưởng doanh thu khoảng 774.8 tỷ đồng doanh thu, tăng khoảng 4.6% so với cùng kỳ.

Biến động kết quả kinh doanh mảng đá giai đoạn 2016-2022F. Đvt: Tỷ đồng



Nguồn: VietstockFinance

Triển vọng hồi phục ngành ô tô

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), thị phần tiêu thụ xe Toyota năm 2021 đạt 24.4%. Thực tế là hãng xe này đang đứng đầu về doanh số bán hàng của cả nước, vượt xa các đối thủ KIA hay Mazda. PTB cũng là doanh nghiệp phân phối các dòng xe Toyota.

Sản lượng tiêu thụ xe Toyota có phần sụt giảm trong những năm 2020 và 2021. Tuy nhiên bước sang nửa đầu năm 2022, sự hồi phục mạnh từ nhu cầu kèm thêm các chính sách giảm lệ phí trước bạ đã thúc đẩy nguồn cầu trở lại. Sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2022 tăng 47% và theo người viết nhận định dù chính sách giảm thuế đã hết hạn từ đầu tháng 6/2022, song nhu cầu về xe hơi vẫn sẽ hồi phục dần về mức trước đại dịch vào năm 2023.

Thị phần tiêu thụ xe trong nước năm 2021. Đvt: Phần trăm



Sản lượng tiêu thụ xe Toyota giai đoạn 2013-6T2022



Nguồn: VAMA

Kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định

Doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục ghi nhận sự khả quan khi lần lượt tăng 20% và 32.5% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp ghi nhận sự ổn định trên 8% với mảng đóng góp lớn thuộc về ngành gỗ và đá.

Dự kiến trong nửa cuối năm 2022, ngoài cổ tức 5% bằng tiền mặt, doanh nghiệp sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 40% cùng việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ, giảm nợ vay khi mà tỷ lệ đòn bẩy của doanh nghiệp đang ở mức khá cao.



Nguồn: VietstockFinance