Tuần qua là một tuần sôi động đối với các cổ phiếu ngành điện. Dù có thể chưa rõ doanh nghiệp nào được hưởng lợi, ở mức độ ra sao nhưng thị trường chứng khoán rất lấy làm hào hứng với thông tin Bộ Công thương đã tăng giá điện tăng thêm 8,36% kể từ ngày 20/03/2019. Trong số các doanh nghiệp ngành điện hiện tại, PPC khá được chú ý bởi nền tảng cơ bản chắc chắn, kết hợp với những lợi thế bất ngờ khi được ưu tiên mua than của TKV (tức Vinacomin) trong tình cảnh thiếu than chung, hay nhóm thủy điện có nguy cơ giảm sản lượng bởi hạn hán ở miền Trung,... Vậy nhưng chúng tôi cho rằng khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp này trong thời gian tới vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn, khi giá điện là động lực, nhưng sản lượng có thể trở thành vấn đề.

1. ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Doanh thu 2018 tích cực nhờ tăng được cả sản lượng lẫn giá bán điện: Năm 2018 là một năm thuận lợi của PPC khi doanh thu của công ty đạt gần 7.117 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 14% YoY, và cũng là mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Chúng tôi cho rằng doanh thu công ty tăng mạnh như vậy bởi 2 nguyên nhân: (1)Sản lượng điện tăng một cách đáng kể, cụ thể là tăng từ 4,9 tỷ kWh lên 5,6 tỷ kWh, tức khoảng 12% YoY; (2)Giá điện tăng do một số tổ máy của các nhà máy nhiệt điện than khác phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu. Chỉ có PPC, với nguồn tiền dồi dào, khả năng tài chính vững chắc mới được ưu tiên mua than, và vận hành nhà máy bình thường.

- Hoạt động tài chính đang ngày càng cải thiện: Xét theo quy mô tài sản, PPC hiện chỉ là một doanh nghiệp trung bình trong ngành nhiệt điện than với tổng tài sản tính đến cuối năm 2018 là gần 6.975 tỷ đồng (tương đương với NCP nhưng nhỏ hơn nhiều so với HND hay QTP). Mặc dù vậy, PPC hiện đang là doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ thấp nhất khi chỉ ở mức 19%, trong khi trung bình nhóm ngành này đang ở mức trên 50% (thường cao là do khoản vay nợ và đầu tư xây dựng ban đầu). Nhờ việc ban lãnh đạo đã quyết đoán dồn các nguồn lực tài chính của công ty để tất toán khoản vay nợ bằng đồng Yên Nhật năm 2017, nên đã giúp cho công ty vừa giảm nợ, vừa tránh các rủi ro về tỷ giá trong kinh doanh. Hiện PPC đã thanh toán xong hết nợ vay dài hạn, còn lại 100% đều là các khoản nợ ngắn hạn để làm vốn lưu động. Bên cạnh đó, việc QTP (công ty liên doanh liên kết của PPC) đã hoạt động tốt hơn, giúp năm 2018 công ty có thêm 179 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng vào khoản đầu tư này, từ đó giúp cho lợi nhuận tài chính thuần 2018 của PPC cũng bùng nổ.

2. VẤN ĐỀ REVIEW

- Triển vọng trong thời gian tới: Chúng tôi thấy vẫn chưa đủ để đặt một mức kỳ vọng tăng trưởng cao cho PPC trong thời gian tới khi: (1)Đối với hoạt động kinh doanh chính, giá điện có thể tăng nhờ các nhà máy nhiệt điện than khác vẫn sẽ phải đóng cửa một số tổ máy do thiếu than, hay hạn hán ở miền Trung khiến sản lượng các doanh nghiệp thủy điện ở đây suy giảm. Tuy nhiên mức sản lượng dài hạn mà công ty đặt ra là 5,6 tỷ kWh/năm, và năm 2018 công ty đã đạt mức này rồi. Trước nguy cơ hư hỏng máy móc lâu năm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dự án nâng cấp công suất PL1 còn chưa được phê duyệt, hay lượng khoáng sản than của Việt Nam đang giảm mạnh, chúng tôi cho rằng nên thận trọng đối với dự báo sản lượng của PPC trong năm nay; (2)Hoạt động tài chính sẽ không còn khoản đột biến 179 tỷ đồng hoàn nhập từ QTP như 2018, do hiện khoản trích lập này chỉ còn khoảng 35 tỷ đồng, cho nên dù có được hồi tố khoản chi phí tỷ giá là 125 tỷ đồng của 2016 thì hoạt động tài chính cũng chỉ đi ngang.

- Giá trị cổ phiếu: Nếu tăng trưởng chỉ khoảng 10% thôi thì giá trị của cổ phiếu PPC chắc cũng nằm ở đâu đó ở mức 30k/cổ phiếu. Tuy nhiên đó là một kịch bản thuận lợi, còn đối với một số nhà đầu tư có tâm thái thận trọng như chúng tôi thì nên chờ đợi và theo dõi thêm, đặc biệt là khi mà dư địa cho năm 2020 vẫn chưa rõ ràng khi dự án nâng cấp chưa được phê duyệt, và hoạt động tài chính cần bình thường trở lại sau một số yếu tố đột biến.

#PPC_TrueValueCapital