CSM thể hiện những tín hiệu tích cực khi phá vỡ kênh giá điều chỉnh trung hạn, qua đó hình thành xu hướng tăng trở lại. Dự kiến, vùng 22,000-25,000 (đỉnh cũ tháng 6/2016 và đường trendline giảm) sẽ là kháng cự mạnh trong ngắn hạn.
Giai đoạn điều chỉnh trung hạn kết thúc?
Từ tháng 06/2016, CSM lập đỉnh trung hạn quanh vùng 22,000-25,000, từ đó giá liên tục điều chỉnh tạo các đỉnh và đáy thấp hơn. Kênh giá giảm hình thành và chi phối CSM trong hơn 1,5 năm.
Biến động của CSM từ tháng 01/2014 đến nay dữ liệu cập nhật đến ngày 11/01/2018
Nguồn: Vietstock Updater
Vào tháng 11/2017, CSM tạo một đáy quan trọng quanh vùng 12,000-13,000 (cận dưới kênh giá giảm). Qua đó, giá hình thành giai đoạn tăng trưởng ngắn hạn với khối lượng gia tăng hàm ý ủng hộ cho xu hướng.
Đặc biệt, trong tháng 01/2018, CSM đã phá vỡ cận trên kênh giá giảm. Tín hiệu phá vỡ kèm khối lượng gia tăng nên độ tin cậy khá cao. Vì vậy, nhiều khả năng xu hướng tăng trong trung hạn sẽ được hình thành trên CSM.
Tín hiệu mua xuất hiện
Xu hướng tăng ngắn hạn được xác nhận từ các công cụ kỹ thuật. Đầu tiên, giá cắt lên và nằm trên các nhóm MA quan trọng (MA 20, MA 50, MA 100). Đồng thời, nhóm MA ngắn hạn cắt lên nhóm MA dài hạn hàm ý về tín hiệu mua quay trở lại.
Bollinger Bands bung nén theo hướng tích cực và MACD đi lên sau khi cho tín hiệu phá vỡ nên rủi ro đang giảm. Khối lượng gia tăng theo xu hướng (vượt bình quân 20 phiên) trong 6 phiên gần đây là xác nhận quan trọng về xu hướng tăng.
Biến động của CSM từ tháng 06/2016 đến nay dữ liệu cập nhật đến ngày 11/01/2018
Nguồn: Vietstock Updater
Tuy nhiên, hiện tượng rung lắc có thể xuất hiện trong phiên khi Stochastic Oscillator đi vào vùng overbought.
Từ những phân tích trên, khả năng CSM hình thành xu hướng tăng là khá lớn. Kháng cự mạnh trong ngắn hạn là đỉnh cũ tháng 6/2016 và đường trendline giảm (vùng 22,000-25,000).
Trần Trương Mạnh Hiếu, Phòng Tư vấn Vietstock
Nguồn: FiLi