“Còn thời cưỡi ngựa bắn cung/Hết thời ra chợ lượm thun bắn ruồi”. Câu ca dao này tất nhiên là chỉ đưa vào bài phân tích cho vui, nhưng theo chúng tôi cũng có phần nào thể hiện được hoàn cảnh của SKG hiện tại trong ngành vận tải du lịch đường thủy ở khu vực miền Nam. Từ năm 2017 trở đi, tình hình cạnh tranh trên các tuyến tàu kinh doanh truyền thống của công ty là Nam Du – Rạch Giá – Phú Quốc – Hà Tiên dần trở nên gay gắt bới nhiều đối thủ mới tham gia vào ngành, khiến cho hoạt động kinh doanh của công ty bị giảm sút. Tất nhiên SKG cũng không ngồi yên chờ ngày “lên thớt”, nhưng chúng tôi hoàn toàn không đánh giá cao nỗ lực mở ra các tuyến mới như Sóc Trăng – Côn Đảo, Phan Thiết – Phú Quý của SKG khi mà vấn đề đạo đức của ban lãnh đạo vẫn còn rất hiện hữu.

1. ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Vận hành các tuyến tàu mới, nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình kinh doanh: Trước năm 2017, SKG có nhiều năm tăng trưởng ở mức cao chủ yếu nhờ vào lợi thế độc quyền khai thác trên các tuyến tàu ở Kiên Giang. Điển hình như năm 2015 doanh thu và LNST công ty mẹ lần lượt tăng trưởng 36% và 70% YoY, từ đó phần nào giúp cho cổ phiếu SKG thăng hoa trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên từ 2017, “thời” của SKG có vẻ đã hết khi không còn ở vị thế kinh doanh độc quyền. Tình hình cạnh tranh trở nên gay gắt khi có nhiều đối thủ cạnh tranh gia nhập ngành, với 2 đối thủ lớn nhất là Phú Quốc Express và Ngọc Thành, đã khiến kết quả kinh doanh của SKG nhanh chóng đi xuống. Trước diễn biến đó, công ty đã đầu tư mạnh cho các tuyến tàu mới mà trước nay chưa từng hoạt động như Sóc Trăng – Côn Đảo, hay Phan Thiết – Phú Quý để cải thiện tình hình. Vậy nhưng việc mở rộng này chưa mang lại hiệu quả cao khi trong Q1/2019, dù doanh thu tăng trưởng 10%, LNST công ty mẹ vẫn sụt giảm tới 29% YoY. Sự tăng lên của nguồn thu mới vẫn chưa đủ bù đắp cho việc hoạt động kinh doanh ở các tuyến truyền thống bị sụt giảm sút, thêm vào đó là chi phí khấu hao cho các tàu, phà mới mua, hay ảnh hưởng của giá dầu,...
- Đầu tư xây dựng nhiều dự án để phát triển các dịch vụ phụ trợ: Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính là vận tải du lịch bằng đường thủy, SKG còn có một số các dịch vụ đi kèm như xe trung chuyển, dịch vụ ăn uống nhanh trên các tuyến tàu, quầy tạp hóa,... Để tránh phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh chính, công ty đã dần đẩy mạnh chiến lược đầu tư xây dựng để phát triển các dịch vụ phụ trợ, tối đa hóa nguồn thu. Hiện SKG có 2 dự án nổi bật là: (1)Bến tàu Trần Đề (Sóc Trăng): đây là bến tàu do SKG xây dựng và đã hoàn thành trong năm 2018, là cảng đón khách riêng tại Sóc Trăng với tổng chi phí xây dựng là 90 tỷ đồng, nhằm chủ động và linh hoạt hơn trong hoạt động. Bến Trần Đề hiện đã có thể tiếp nhận tàu phục vụ tuyến Sóc Trăng – Côn Đảo, và sẽ được SKG bổ sung thêm các dịch vụ tiện ích để đưa vào hoạt động trong Q2/2019 như khu cafe, khu ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, các kiots bán quà lưu niệm, đặc sản vùng miền,...; (2)Khách sạn 3 sao tại Côn Đảo: dự án này dự kiến được xây dựng tại đường Phạm Văn Đồng, khu dân cư số 5, huyện Côn Đảo với quy mô khách sạn tiêu chuẩn 3 sao, khoảng 150 phòng. Theo SKG, đây là dự án dài hạn nằm trong chuỗi giá trị vận chuyển hành khách tuyến Sóc Trăng – Côn Đảo của doanh nghiệp, dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2022 với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng (chúng tôi nhấn mạnh lại là dự kiến vào 2022 – tức còn khá xa).

2. VẤN ĐỀ REVIEW

- Đạo đức ban lãnh đạo rất kém?: Như đã nêu ra ở đầu bài viết, vấn đề đạo đức ban lãnh đạo tại SKG đang là một vấn đề rất trầm trọng, với một số các biểu hiện như sau: (1)Năm 2017 ban lãnh đạo công bố thông tin xử phạt thuế chậm 2 tháng để bán tháo cổ phiếu: trong vụ việc này, căn cứ kết quả kiểm tra thuế từ năm 2008 đến năm 2015 tại SKG, Chi cục thuế Phú Quốc đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế vào tháng 6/2017. Tuy nhiên phải đến giữa tháng 8/2017 thì SKG mới công bố thông tin này lần đầu (theo quy định của Bộ Tài chính thì phải trong vòng 24 tiếng kể từ khi nhận được kết luận). Đáng nói hơn, trong khoảng thời gian chậm công bố này hàng loạt cổ đông nội bộ SKG đã liên tục bán ra cổ phiếu, bắt đầu là bà Lưu Hải Anh - kế toán trưởng, bán ra hơn một nửa cổ phiếu nắm giữ tại thời điểm đó. Tiếp theo là ông Ting Chek Hua - thành viên HĐQT, cũng đã bán sạch 532.000 cổ phiếu SKG sở hữu khi đó, rồi tiếp đến là chủ tịch HĐQT Hà Nguyệt Nhi cùng nhiều cổ đông nội bộ khác. Chưa biết thực sự SKG có cần phải đóng số thuế này hay không (công ty đã tạm đóng, và đang làm việc lại với bên thuế), nhưng ban lãnh đạo đã xử lý tài sản riêng của mình “rất chuyên nghiệp”, trong khi rất nhiều nhà đầu tư khác lại có một vụ đầu tư “không thể nào quên”; (2)Chỉ định đơn vị đóng tàu mà không thông qua đấu thầu: hiện các tàu cao tốc và phà cao tốc của SKG được đóng bởi công ty Kaibuok Shipyard (Malaysia). Chủ tịch hiện tại của Kaibuok Shipyard là ông Puan Kwong Siing, “vô tình” cũng đang giữ chức tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT của SKG. Việc chỉ định đơn vị đóng tàu có liên quan đến ban lãnh đạo của công ty mà không thông qua đấu thầu làm dấy lên nghi ngờ có thể ảnh hưởng tới lợi ích của SKG một cách kém minh bạch.

- Giá trị cổ phiếu: Bình thường,đối với một doanh nghiệp không tăng trưởng mà nói, với EPS F2019 là 2.000 đồng cổ phiếu thì vùng giá 14.000 đồng/cổ phiếu chắc cũng đã là đắt đỏ. Tuy nhiên đó là tạm ước tính đối với một doanh nghiệp bình thường, còn với một doanh nghiệp “phi thường” như SKG thì chúng tôi cũng không rõ nữa, vì chúng tôi không có thói quen định giá những doanh nghiệp kiểu này.

#SKG_TrueValueCapital