Trong giao dịch cổ phiếu, khi thị trường có xu hướng rõ ràng, tín hiệu giao cắt giữa các đường trung bình di động là một trong những kỹ thuật được sử dụng phổ biến và hiệu quả cao. Tùy theo từng khung giao dịch khác nhau mà nhà đầu tư có thể lựa chọn độ dài các đường MA khác nhau để giao dịch, một trong những tín hiệu tin cậy và được biết đến rộng rãi nhất là sự kết hợp của MA50 và MA200 tạo thành các điểm cắt vàng (Golden Cross) và điểm cắt tử thần (Death Cross).
Golden Cross và Death Cross giúp nhà đầu tư xác định điểm mua và bán tối ưu trên biểu đồ giá. Nếu Death Cross báo hiệu một xu hướng giảm giá mạnh thì Golden Cross được xem là một tín hiệu tăng giá đáng tin cậy trên thị trường. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng mình tìm hiểu toàn tập khái niệm Golden Cross và Death Cross là gì và cách xác định 2 điểm này khi Trading nhé.
Golden Cross là gì?
Golden Cross - điểm giao cắt vàng hay còn gọi là chữ thập vàng - là một mô hình breakout được hình thành khi có sự giao cắt lên của đường trung bình động - Moving Average (MA) ngắn hạn (thường là MA50) so với một đường trung bình động dài hạn (thường là MA200) hoặc giao cắt lên một vùng kháng cự. Kết hợp với việc khối lượng giao dịch tăng cao sẽ là tín hiệu xác nhận cho một đợt tăng giá.
Chúng ta biết rằng đường trung bình động đo lường giá trị trung bình của giá cả trên thị trường trong một giai đoạn nhất định. Theo đó, khi MA ngắn hạn nằm dưới MA dài hạn có nghĩa là hành động giá ngắn hạn đang giảm so với hành động giá dài hạn (Đường MA50 luôn nằm dưới đường MA200 trong xu hướng giảm dài hạn). Vậy điều gì sẽ xảy ra khi mức trung bình ngắn hạn vượt qua mức trung bình dài hạn? (Tương ứng với MA50 cắt MA200 từ dưới lên). Điều này cho thấy một sự thay đổi tiềm năng theo xu hướng thị trường, đảo chiều từ giảm sang tăng, đây là lý do tại sao một điểm cắt vàng được coi là dấu hiệu tăng giá.
Ba giai đoạn tạo nên tín hiệu Golden Cross
Giai đoạn đầu tiên đòi hỏi một xu hướng giảm đang hình thành đáy, lực bán ra đang dần cạn kiệt.
Trong giai đoạn thứ hai, đường trung bình động ngắn hơn (thường là MA50) cắt lên trên đường trung bình động dài hơn (thường là MA200) kích hoạt sự phá vỡ và xác nhận đảo chiều xu hướng.
Giai đoạn cuối cùng, xu hướng tăng tiếp tục và theo sau đó giá cũng tăng cao hơn. Lúc này, các đường trung bình động MA bên dưới sẽ đóng vai trò hỗ trợ khi giá giảm, cho đến khi chúng giao nhau trở lại tạo thành Death cross - điểm giao cắt tử thần.
(Hình 1)
Sử dụng Golden Cross trong Trading thế nào?
Chúng ta có thể chọn bất cứ 2 khung thời gian nào để xác định chỉ báo này, miễn là bao gồm 1 đường MA ngắn hơn và 1 đường MA dài hơn. Tuy nhiên, cặp MA phổ biến nhất là MA50 và MA200, được sử dụng nhiều nhất trong quá trình phân tích xu hướng dài hạn. Khi MA 50 cắt lên MA 200 thì đó là dấu hiệu mà nhà đầu tư cho rằng cổ phiếu sắp bước vào giai đoạn tăng giá (bull market) mạnh.
Đối với Day Trader thì phổ biến thường dùng các MA ngắn kỳ hơn như MA 5 và MA 15 để tìm các Golden Cross trong ngày. Khung thời gian của các biểu đồ cũng có thể được điều chỉnh từ 1 phút đến vài tuần hoặc vài tháng. Khung thời gian càng lớn thì Golden Cross càng đáng tin cậy hơn. Ví dụ, giao cắt của MA 50 và MA 200 trên biểu đồ khung thời gian ngày thì mạnh hơn và có thể duy trì tốt hơn so với sự giao cắt của 2 MA này trên biểu đồ 15 phút.
Ý tưởng giao dịch cơ bản đằng sau những mẫu biểu đồ này khá đơn giản. Đó là mua ở điểm cắt vàng và bán ở điểm cắt tử thần. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất với Giao cắt vàng không phải là sau đó giá có tăng hay không, mà là chúng ta rất có khả năng vào thị trường khi xu hướng đã suy yếu, bởi đường MA đi chậm hơn so với giá nên có thể khi xu hướng gần đảo chiều nó mới hình thành Giao cắt. Do đó, việc tuân theo tín hiệu một cách mù quáng thường không phải là chiến lược tốt nhất. Ngoài kết hợp với sự gia tăng của khối lượng giao dịch, chúng ta nên kết hợp cùng một số indicator khác như MACD, stochastic hay RSI để tìm điểm vào lệnh, xác định các điểm quá mua, quá bán cũng như tăng độ tin cậy khi vào lệnh hơn.
Hoặc có một cách khác, đó là sử dụng đa khung thời gian. Đầu tiên chúng ta chờ đợi 1 Giao cắt vàng xuất hiện trên khung thời gian lớn. Sau đó tìm cơ hội giao dịch trên khung thời gian nhỏ hơn, có thể là mẫu hình tăng giá như Cờ tăng, Tam giác tăng, hoặc mẫu hình nến tăng giá như bullish hammer, pin bar, bullish engulfing, vv. và vào lệnh trên khung thời gian nhỏ này.
Điểm mấu chốt ở đây là khi Giao cắt vàng xuất hiện trên khung thời gian lớn, tức là xu hướng tăng trên các khung thời gian nhỏ hơn vẫn còn kéo dài, do đó chúng ta có 1 thời điểm vào lệnh đẹp hơn, stop loss chặt hơn và không bị phụ thuộc một cách bị động vào Giao cắt, vốn chỉ là 1 dấu hiệu, không phải xác nhận để vào lệnh.
Ví dụ 2 khung thời gian ngày và giờ: tìm Golden Cross trên khung chart tuần hoặc ngày để xác định xu hướng và tìm cơ hội giao dịch trên chart giờ.
Death Cross là gì?
Ngược lại với Golden Cross, Death Cross là điểm giao cắt tử thần, xuất hiện khi có sự giao cắt xuống giữa đường trung bình trượt (MA) ngắn hạn và đường trung bình trượt (MA) dài hạn hoặc giao cắt xuống một mức hỗ trợ nào đó trên biểu đồ giá chứng khoán. Cũng giống như Golden Cross, thông thường, các đường trung bình trượt phổ biến nhất được sử dụng là đường trung bình trượt 50 ngày (MA50) và đường trung bình trượt 200 ngày (MA200).
Hiện tượng Death Cross báo hiệu một xu hướng giảm đã được hình thành. Kết hợp với việc khối lượng giao dịch tăng cao (nhà đầu tư đang bán tháo) sẽ là tín hiệu xác nhận cho một đợt giảm giá. Với đường trung bình động dài hạn bây giờ sẽ đóng vai trò là kháng cự khi giá tăng lên và chạm vào đây.
(Hình 2)
Cách sử dụng Death Cross
Cũng giống như với Golden Cross, chúng ta có thể chọn bất cứ 2 khung thời gian nào để xác định chỉ báo này, miễn là bao gồm 1 đường MA ngắn hơn và 1 đường MA dài hơn. Tuy nhiên, cặp MA phổ biến nhất là MA50 và MA200, được sử dụng nhiều nhất trong quá trình phân tích xu hướng dài hạn. Khi MA200 cắt xuống MA50 thì đó là dấu hiệu mà nhà đầu tư cho rằng thị trường sẽ điều chỉnh sâu hơn.
Đối với các nhà giao dịch lướt sóng, Death Cross được sử dụng nhiều hơn với các MA ngắn hạn, ví dụ MA 5, MA10… cắt xuống so với các MA dài hạn hơn như MA15, MA20…
Kèm theo xu hướng giảm này cần sự hỗ trợ của khối lượng giao dịch. Nếu giá càng giảm và khối lượng giao dịch càng tăng thì đó là dấu hiệu của một xu hướng giảm khá rõ. Trong những giai đoạn này, phương pháp giao dịch hiệu quả là bán thuận theo xu hướng. Ngoài ra chúng ta nên kết hợp cùng một số indicator khác như MACD, stochastic hay RSI để tăng độ tin cậy.
Giống như các chỉ báo kỹ thuật khác, Golden Cross và Death Cross có độ trễ nhất định và tất nhiên, không chỉ số nào có thể dự đoán được chính xác tương lai. Chính vì vậy, để tránh các tín hiệu sai chúng cần phải luôn được xác nhận cùng các tín hiệu và chỉ báo khác trước khi đưa vào giao dịch. Chìa khóa để sử dụng điểm giao cắt vàng và giao cắt tử thần một cách tối ưu nhất đó là luôn vào lệnh với các thông số kỹ thuật và tỷ lệ Risk:Reward phù hợp, các tín hiệu đảo chiều, thay vì chỉ theo dõi các đường MA giao nhau một cách mù quáng.