(Vietstock) – Đợt hồi phục này vẫn còn khả năng tiếp tục, tuy nhiên kỳ vọng không lớn so với rủi ro (trong ngắn hạn).

Xu hướng chung là tăng điểm

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): VN-Index có phiên thứ 5 liên tiếp di chuyển trong biên độ hẹp ngày hôm qua. Khối lượng giao dịch giảm mạnh, cho thấy sự do dự của nhà đầu tư. Lực cầu không được duy trì khiến mức tăng đầu giờ nhanh chóng bị xóa bỏ và VN-Index đóng cửa giảm nhẹ. Trong các phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục đi ngang. Lực cầu yếu có thể khiến VN-Index mất điểm.

HNX-Index có phiên giảm mạnh ngày hôm qua. Nguyên nhân là do sự điều chỉnh giá mạnh của cổ phiếu ACB trong khi cổ phiếu này có tỷ trọng vốn hóa hơn 20% trên sàn HNX.

Thực tế, số mã tăng cao hơn số mã giảm cho thấy xu hướng chung của thị trường là tăng điểm. Tuy nhiên, tương tự VN-Index, khối lượng giao dịch nếu không được cải thiện có thể khiến HNX-Index đi ngang hoặc mất điểm trong các phiên tới.

Trong ngắn hạn, vẫn chưa xuất hiện các tín hiệu đảo chiều rõ ràng. Nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường ở thời điểm hiện tại.

Vẫn giằng co và đi ngang

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Với bối cảnh thiếu vắng các thông tin hỗ trợ từ phía kinh tế vĩ mô trong nước cũng như thế giới, diễn biến giao dịch vốn đã chẳng sôi động lại càng trở nên trầm lắng và ảm đạm hơn.

Phần đông các nhà đầu tư tỏ ra lạnh nhạt và hờ hững với thị trường, phương án đứng ngoài quan sát trong thận trọng dường như đang được ưu tiên lựa chọn, tâm lý nghỉ ngơi sau kỳ nghỉ năm mới vẫn hiện hữu và có lẽ sẽ còn có tác động không tốt lên thị trường khi mà Tết Âm lịch cũng đang tới gần. Cung và cầu vì thế giằng co khá bế tắc cùng với đó là sự sụt giảm mạnh đáng lo ngại của tính thanh khoản.

VCBS cho rằng để chấm dứt tình trạng kể trên có lẽ thị trường cần một điểm tựa hay một cú hích từ phía kinh tế vĩ mô, điều mà sẽ khó xảy ra trong thời gian ngắn sắp tới. Do đó trong phiên giao dịch ngày 04/01 nhiều khả năng diễn biến chính của thị trường vẫn sẽ là giằng co đi ngang trong biên độ hẹp.

Kịch bản đi ngang lại tái diễn

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Nhà đầu tư đang chờ đợi đón nhận những thông tin mới nhất về sức khỏe của các doanh nghiệp trong quý 4/2011 cũng như những đánh giá toàn diện về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2011.

Mặc dù đã có những sự hỗ trợ nhất định từ phía Chính phủ đến các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2011 nhưng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn không hứa hẹn những con số khả quan do diễn biến phực tạp của những bất ổn trong nền kinh tế.

Ngoài ra, diễn biến thị trường chứng khoán trong năm 2011 đã bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý và điều hành khiến cho nhà đầu tư trở nên chán nản, bi quan với kênh đầu tư chứng khoán. Theo đó, để có thể hình thành một xu thế hồi phục bền vững đòi hỏi phải có sự cải thiện thực sự trong hoạt động và quản lý của các doanh nghiệp niêm yết cũng như cần có lộ trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán đúng đắn và phù hợp với diễn biến kinh tế trong thời gian tới để có thể thu hút lòng tin của nhà đầu tư trở lại với thị trường.

Với ngưỡng hỗ trợ tâm lý tại 350 điểm vẫn đang phát huy hiệu quả nâng đỡ thị trường trong những phiên gần đây, rủi ro thị trường đi xuống đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiển, kịch bản giằng co đi ngang trong biên độ hẹp sẽ tiếp tục tái diễn, đặc biệt trong bối cảnh kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán đang đến gần. Do đó, rủi ro với nhà đầu tư ngắn hạn vẫn ở mức cao trong khi nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tranh thủ giai đoạn này để cơ cấu lại danh mục đầu tư về những mã cổ phiếu có cơ bản tốt, thanh khoản.

Tín hiệu ủng hộ chưa xuất hiện

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Dòng tiền tiếp tục suy cạn, tâm lý chuyển cổ phiếu thành tiền mặt mỗi khi thị trường tăng điểm ngày càng thể hiện rõ. Có thể do thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn cần cho sản xuất và chi tiêu cũng đã phần nào khiến cho dòng vốn đầu tư thêm hạn hẹp và thị trường chứng khoán không ngoại lệ.

Đề án tái cấu TTCK và CTCK dự kiến sẽ được Chính Phủ thông qua trong tháng đầu năm 2012. Như vậy với tiến độ này, có thể kỳ vọng TTCK sẽ sớm có những cải tiến mới về sản phẩm và độ an toàn cho những người tham gia. Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi của TTCK vẫn là các doanh nghiệp niêm yết, sự hồi phục của các doanh nghiệp này mới thật sự đem lại làn gió mới cho thị trường.

Theo VDS, các tín hiệu ủng hộ cho thị trường vẫn chưa xuất hiện. Nhà đầu tư nên theo dõi và chờ cơ hội thích hợp hơn. Giảm tỷ trọng sở hữu cổ phiếu và tăng tỷ trọng nắm giữ tiền mặt.

Vẫn còn khả năng phục hồi

CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Thị trường tiếp tục xu hướng hồi phục nhẹ của những phiên cuối tuần trước với số mã tăng nhiều hơn số mã giảm. HNX-Index giảm mạnh do lỗi điều chỉnh giá tham chiếu vào ngày không hưởng quyền cổ tức của ACB. Khối lượng giao dịch đột ngột giảm mạnh. Qua thời điểm 31/12, một số cổ phiếu có dấu hiệu đỡ NAV đã trở lại trạng thái bình thường.

Khối lượng giao dịch giảm vào phiên đầu năm là hiện tượng bình thường, tuy nhiên mức giảm mạnh có phần đột ngột. Tín hiệu về một đợt tăng đáng kể chưa được củng cố, kỳ vọng trước mắt vẫn chỉ là một đợt hồi phục kỹ thuật. Đợt hồi phục này vẫn còn khả năng tiếp tục, tuy nhiên kỳ vọng không lớn so với rủi ro (trong ngắn hạn).

BSI cho rằng tranh mua tại thời điểm này chưa cần thiết. Trạng thái hiện tại chỉ phù hợp với chiến lược mua dần cho dài hạn mỗi khi thị trường giảm điểm để có lợi thế xác suất được giá tốt.
Theo Việt Stock

Mình đang vào PXL PVX KLS ITA để lướt sóng