Chứng khoán Tuần 30/12/2013 – 03/01/2014: Nội chạy – Ngoại lại gom hàng

Thị trường chứng kiến làn sóng thoát hàng diễn ra mạnh mẽ và tâm lý giới đầu tư cũng thận trọng trở lại khi thanh khoản sụt giảm mạnh. Điểm sáng đến từ hoạt động mua ròng của khối ngoại.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 30.12.2013 – 03.01.2014
Giao dịch: Làn sóng thoát hàng diễn ra mạnh – Trụ đỡ từ khối ngoại. VN-Index khép lại tuần với mức giảm 0.2% xuống 505.37 điểm; trong khi đó HNX-Index tăng 0.1% lên 67.97 điểm; VS 100 tăng 0.6% lên 82.82 điểm và VN30 tăng nhẹ 0.09% lên 562.8 điểm.
Ngoại trừ nhóm VS-Large Cap tăng mạnh trong tuần này với 0.5%, các nhóm Market Cap còn lại đều giảm điểm. Nhóm VS-Micro Cap dẫn đầu đà giảm với 0.8%, tiếp theo là nhóm VS-Small Cap giảm 0.4%, và nhóm VS-Mid Cap giảm 0.2%.
Khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên trên sàn HOSE tuần này giảm 20% so với tuần trước đó, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên trên HNX cũng sụt giảm 14%.
Khởi động phiên giao dịch đầu tuần, thị trường đã vấp phải làn sóng thoát hàng diễn ra trên diện rộng khiến cho chỉ số trên cả hai sàn đều lao dốc mạnh. Trong đó, áp lực thoát hàng diễn ra mạnh nhất ở nhóm cổ phiếu đầu cơ như Xây dựng, Chứng khoán, Bất động sản và Vận tải-Kho bãi. Các mã cổ phiếu bluechip cũng bị xả hàng mạnh trong phiên này và góp phần nới rộng đà giảm của thị trường.
Các phiên giao dịch tiếp theo, hoạt động bán ra tiếp tục được giới đầu tư đẩy mạnh. Tâm lý giới đầu tư cũng bắt đầu thận trọng trở lại khi thanh khoản liên tục rớt xuống thấp hơn trung bình 20 phiên.
Điểm sáng duy nhất và cũng là trụ đỡ chính của thị trường tuần qua đó là hoạt động mua ròng khối ngoại. Họ mua ròng xuyên suốt ở các phiên trong tuần và góp phần xoa dịu tâm lý giới đầu tư. Đây cũng là động lực giúp chỉ số thị trường chống đỡ trước làn sóng chốt lời tăng cao.
Phiên giao dịch cuối tuần, kịch bản thị trường giống như các phiên trước đó khi giao dịch vẫn diễn ra giằng co. Đà tăng điểm của thị trường trong phiên này chủ yếu được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu bluechip và khối ngoại tiếp tục là tác nhân chính gây ra đà tăng ở các mã cổ phiếu này.
Nhà đầu tư nước ngoài: Mua ròng mạnh 256.3 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng ở hầu hết các phiên trong tuần qua và góp phần không nhỏ vào việc giúp cho chỉ số thị trường tránh giảm sâu trước làn sóng thoát hàng của giới đầu tư trong nước.
Trên sàn HOSE, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 206.7 tỷ đồng, tập trung mạnh nhất ở PVD với 34.4 tỷ đồng, GAS (34.2 tỷ đồng) và CII (32.8 tỷ đồng), HPG (26 tỷ). Giao dịch bán ròng mạnh nhất ở VIC với gần 16.7 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại cũng mua ròng với 49.6 tỷ đồng, chủ yếu ở TAG với 32.2 tỷ đồng, tiếp theo là PVS với 12.5 tỷ đồng, VND (2.2 tỷ). Ở chiều ngược lại, họ bán ròng mạnh nhất ở PLC với 2 tỷ đồng, PVG (1.3 tỷ).
Khối tự doanh CTCK: Mua ròng tổng cộng 2.3 tỷ đồng (đã loại trừ đột biến). Đến hết ngày thứ Năm (02/01), khối tự doanh các CTCK đã bán ròng tổng cộng gần 1.8 triệu đơn vị, tương ứng với 173.8 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (30/12), khối tự doanh đã bán ròng mạnh 176 tỷ đồng, giá bán ra bình quân trong phiên này đạt tới 65,100 đồng/cp. Nhiều khả năng, họ đã tiến hành giao dịch trái phiếu BID1_206 và BID1_106 trong phiên giao dịch này.
Nếu loại trừ phiên giao dịch đột biến này, khối tự doanh tổng cộng đã mua ròng nhẹ 2.3 tỷ đồng. Phiên mua ròng mạnh nhất là phiên thứ Năm với giá trị mua ròng 4 tỷ đồng. Lực mua vào trong phiên này là các mã cổ phiếu bluechip khi giá mua vào bình quân đạt 21,100 đồng/cp.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành tăng điểm áp đảo trong tuần qua với 15/24 ngành, tuy nhiên mức gia tăng không lớn. Chứng chỉ quỹ dẫn đầu đà tăng với 2.5%, tiếp theo là Tiện ích công tăng 1.9% và SX Vật liệu xây dựng tăng 1.6%.
Các nhóm cổ phiếu nóng biến động trái chiều khi Khai khoáng dẫn đầu đà tăng nhưng chỉ với 0.7%, tiếp theo là Chứng khoán tăng 0.4%. Trong khi đó, nhóm Vận tải-Kho bãi giảm 0.9% và nhóm Bất động sản giảm 0.5%.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là HCM tăng 9%, VHG tăng 8.6%, TCM tăng 8%. Trên sàn HNX, cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý là PVX tăng 6.8%,
HCM tăng 9%. HCM tăng mạnh trong tuần qua nhưng không có thông tin mới nào liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu này trước kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 4 sẽ khả quan khi thị trường có năm 2013 tích cực.
Theo BCTC công bố, doanh thu trong 9 tháng đầu năm của HCM đạt 435 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 180 tỷ đồng, giảm 13%.
VHG tăng 8.6%. VHG tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng liên quan đến thông tin mới công bố mới đây.
Công ty này thông báo đủ nguồn lực tài chính để trả cổ tức vào ngày 15/01/2014 theo kế hoạch. Thêm vào đó, VHG cũng cho biết vào ngày 20/12/2013 đã ký biên bản ghi nhớ với Hydrochina Zhongnan trong việc thực hiện dự án Thủy điện Trung Sơn. Dự án có tổng vốn đầu tư 411.57 triệu USD và do Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn làm chủ đầu tư.
TCM tăng 8%. TCM tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng do dòng tiền đổ mạnh vào mã cổ phiếu này trước kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 4 khả quan hơn.
Trong 9 tháng đầu năm 2013, doanh thu TCM đạt hơn 1,909 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2012; lợi nhuận sau thuế đạt 94.63 tỷ đồng, tích cực hơn rất nhiều so với mức lỗ 550 triệu đồng cùng kỳ năm trước.
PVX tăng 6.8%. PVX tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng do dòng tiền đầu cơ đổ mạnh vào khi mã cổ phiếu này đã suy giảm mạnh trước đó khi kết quả kinh doanh chưa cho thấy dấu hiệu khả quan.
Theo BCTC 9T/2013, PVX lỗ gộp gần 269 tỷ đồng trong giai đoạn này, trong khi 9 tháng đầu năm trước lãi 77.7 tỷ đồng. Các hạng mục chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý tiếp tục gia tăng, khiến lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm đến 1,399 tỷ đồng.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là VOS giảm 8.7%, HLA giảm 8.2%. Trên sàn HNX không có cổ phiếu nào giảm điểm nổi bật.
VOS giảm 8.7%. VOS giảm mạnh nhiều khả năng do ảnh hưởng từ giao dịch bán cổ phiếu quỹ. Cụ thể, VOS đã bán hết 1.89 triệu cp với giá giao dịch bình quân 4,822 đồng/cp trong tuần qua.
HLA giảm 8.2%. HLA giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng liên quan đến thông tin sau kiểm toán, lơi nhuận sau thuế của công ty này lỗ thêm 120 tỷ đồng và đạt 235.74 tỷ đồng. Theo HLA, nguyên nhân của việc tăng lỗ là do điều chỉnh lợi nhuận kinh doanh chưa thực hiện của Công ty mẹ và Công ty con.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 5 PHIÊN VỪA QUA