Giá dầu tăng hơn 1.5% vào ngày thứ Hai (08/8), dao động gần mức thấp nhất trong nhiều tháng trong phiên giao dịch biến động khi dữ liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc và Mỹ nuôi hy vọng về nhu cầu bất chấp lo ngại suy thoái kinh tế.



Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent tiến 1.8% lên 96.65 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1.97% lên 90.76 USD/thùng.

Tuần trước, lo ngại rằng suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu năng lượng đã đẩy giá dầu Brent sụt 13.7% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 02/2022. Đây cũng là tuần giảm mạnh nhất của dầu Brent kể từ tháng 4/2020, và dầu WTI rớt 9.7% trong tuần trước.

Cả 2 hợp đồng dầu đều phục hồi phần nào mức giảm vào ngày 05/8 sau khi tăng trưởng việc làm ở Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, bất ngờ tăng tốc trong tháng 7.

Vào ngày 07/8, Trung Quốc cũng gây bất ngờ khi tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn dự báo.

Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã nhập khẩu 8.79 triệu thùng/ngày dầu thô trong tháng 7, tăng từ mức đáy 4 năm vào tháng 6, nhưng vẫn thấp hơn 9.5% so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu hải quan cho thấy.

Tại châu Âu, xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga tiếp tục giảm trước khi lệnh cấm vận do Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt sẽ có hiệu lực vào ngày 05/12.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã cảnh báo về một cuộc suy thoái kéo dài ở Anh.

Về sản lượng dầu của Mỹ, các công ty năng lượng hồi tuần trước đã giảm số giàn khoan dầu nhiều nhất kể từ tháng 9/2021 với mức giảm đầu tuần trong 10 tuần qua.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs tin rằng trường hợp giá dầu tăng cao vẫn còn mạnh mẽ, trong khi thị trường tiếp tục thâm hụt lớn hơn dự báo trong những tháng gần đây.