Sau phái sinh hợp đồng tương lai chỉ số, sản phẩm mới tiếp theo dự kiến sẽ đi vào vận hành là Chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant). Đây là công cụ tài chính có tỷ lệ đòn bẩy cao, phí giao dịch thấp, vòng đời ngắn hạn, hứa hẹn tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư cá nhân. Vậy chứng quyền có bảo đảm là gì? Ưu điểm cũng như rủi ro của sản phẩm này là gì? Chứng quyền được triển khai thế nào ở Việt Nam?

1. Chứng quyền có bảo đảm là gì?
Chứng quyền có bảo đảm là hợp đồng giữa nhà đầu tư và tổ chức phát hành (TCPH), theo đó người sở hữu chứng quyền có bảo đảm được quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở cho TCPH theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định, hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá CKCS tại thời điểm thực hiện.

Trong giai đoạn đầu triển khai chứng quyền có bảo đảm tại Việt Nam, chỉ triển khai chứng quyền mua, hình thức thanh toán bằng tiền và chỉ có cổ phiếu được chọn làm CKCS.

2. Ưu điểm và rủi ro với nhà đầu tư cá nhân
a. Ưu điểm khi đầu tư chứng quyền

- Vốn thấp, chi phí giao dịch thấp
Giá giao dịch của mỗi chứng quyền thông thường khá thấp do đó cùng với một khoản tiền bỏ ra, nhà đầu tư có thể lập được một danh mục với nhiều sự lựa chọn hơn so với việc giao dịch cổ phiếu thông thường.
- Lỗ giới hạn
Trường hợp giá CKCS biến động ngươc chiều với dự đoán của nhà đầu tư thì khoản lỗ tối đa của nhà đầu tư trong trường hợp này chỉ là khoản phí (giá) của chứng quyền mà nhà đầu tư phải trả để sở hữu chứng quyền đó.
- Đòn bẩy cao
Giá của chứng quyền thường nhỏ hơn nhiều lần so với giá của CKCS, tuy nhiên giá trị nội tại của chứng quyền sẽ thay đổi gần như tương ứng với mức độ biến động của CKCS. Vì vậy, khi giá cổ phiếu biến động đúng với dự báo của nhà đầu tư, chứng quyền có thể làm gia tăng tỷ suất sinh lợi cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư xem chi tiết bài viết "Tính đón bẩy khi giao dịch chứng quyền" tại đây.
- Không yêu cầu ký quỹ
Không giống như hợp đồng tương lai trong chứng khoán phái sinh, khi tham gia giao dịch chứng quyền có bảo đảm, nhà đầu tư không phải ký quỹ bất kỳ khoản tiền nào dù là chứng quyền mua hay bán.
- Được giao dịch và thanh toán dễ dàng
Chứng quyền được giao dịch và thanh toán tương tự như cổ phiếu.

Nhà đầu tư xem chi tiết bài viết “Chứng quyền – Đặc điểm hấp dẫn nhà đầu tưtại đây.

b. Rủi ro khi đầu tư chứng quyền
- Vòng đời ngắn hạn
Thông thường thời gian tồn tại của chứng quyền là ngắn hạn từ 3 tháng đến 24 tháng. Sau thời hạn này, nhà đầu tư sẽ không được tiếp tục nắm giữ chứng quyền như đầu tư cổ phiếu mà sẽ được thanh toán tiền hoặc mất khoản phí mua chứng quyền ban đầu vào thời.
- Biến động của chứng khoán cơ sở
Khi có yếu tố dẫn đến sự gia tăng mức độ biến động của CKCS thì giá của chứng quyền sẽ tăng hoặc ngược lại.
- Tổ chức phát hành
Nếu tổ chức phát hành bị mất khả năng thanh toán hoặc bị phá sản sẽ dẫn đến rủi ro cho người sở hữu.
- Tính đòn bẩy
Đi kèm với khả năng sinh lời cao mà hiệu ứng đòn bẩy mang lại là rủi ro tăng tỷ lệ lỗ cho nhà đầu tư khi CKCS biến động ngược chiều với nhận định của nhà đầu tư.

Xem chi tiết: Những điều cần lưu ý khi giao dịch chứng quyền có bảo đảm

Nguồn:https://online.hsc.com.vn/tin-tuc/de...dam-la-gi.html