The Economist vừa công bố “Chỉ số các thành phố an toàn 2017”, báo cáo đánh giá 49 tiêu chí khác nhau về an ninh trong các lĩnh vực kỹ thuật số, sức khỏe, hạ tầng và cá nhân để xếp hạng 60 đại đô thị. Trong 10 thành phố an toàn nhất thế giới, có 6 cái tên của châu Á - Thái Bình Dương, đứng đầu là Tokyo, Singapore và Osaka. 4 thành phố cuối bảng là Jakarta (Indonesia), Dhaka (Bangladesh), Yangon (Myanmar) và Karachi (Pakistan).

Nhiều tiêu chí tụt hạng

Các thành phố thuộc nhóm an toàn nhất là nơi có chăm sóc sức khỏe tốt nhất, hạ tầng vận tải công cộng thuận tiện và giá bất động sản cực kỳ cao. Đối lập lại, những đô thị cuối bảng hầu hết nằm ở các nước đang phát triển và quá tải về dân số. Bản báo cáo có đoạn viết rằng kết quả của cuộc nghiên cứu “một lần nữa cho thấy hố sâu ngăn cách về đẳng cấp an toàn giữa thế giới đang phát triển có mức đô thị hóa nhanh chóng và thế giới đã phát triển giờ đây đang trì trệ”.

TP.HCM bị xếp hạng rất thấp về tiêu chí an ninh kỹ thuật số và an ninh cá nhân. An ninh kỹ thuật số liên quan đến các công nghệ “thành phố thông minh” và việc bảo vệ các công nghệ đó. Theo báo cáo, 4 trong 5 thành phố của nhóm kém nhất là những nơi có thu nhập thấp. Các thành phố này thường còn yếu kém về công nghệ. Bên cạnh đó, do phải đối phó với các thách thức khác như bệnh truyền nhiễm và nghèo đói, các thành phố này càng coi an ninh kỹ thuật số là hạng mục ít ưu tiên.

Tại Hội nghị thường niên Hiệp hội các Khu công viên khoa học châu Á lần thứ 21 năm 2017 (ASPA 21) diễn ra ở TP.HCM mới đây, Giáo sư David Ogden Dapice, Đại học Harvard, nhắc đến việc TP.HCM được xếp thứ 96 trong tổng số 120 thành phố có chất lượng sống trên thế giới trong một khảo sát gần đây. Các yếu tố để đánh giá trong bảng xếp hạng này gồm khả năng thu hút vốn, thu hút nhân tài, chính sách hỗ trợ...

Ông dự báo nếu tiếp tục tình hình hiện nay, TP.HCM vẫn sẽ nằm trong nhóm cuối về xếp hạng trong số 120 thành phố đáng sống trên thế giới và vẫn thuộc nhóm đó cho tới năm 2025. Vị giáo sư này cho rằng muốn xây dựng một thành phố thông minh (Smart City) cần một phương pháp quản trị tốt từ chính quyền. “Chúng ta đang muốn TP.HCM phát triển, trở thành thỏi nam châm để hút các mục tiêu mong muốn nhưng nguồn lực để đầu tư của Thành phố lại đang bị phân tán, dùng để tái phân bổ lại cho các địa phương khác”, Giáo sư phân tích.

Hiện nay, TP.HCM có nguồn nhân lực công nghệ thông tin lớn nhất cả nước. Thậm chí một số lĩnh vực của Thành phố đã có mặt trên bản đồ thế giới như vi mạch, phần mềm. Nhiều người tin rằng TP.HCM có thể sẽ trở thành thung lũng Silicon tiếp theo khi hàng loạt dự án công nghệ lớn xuất hiện tại đây. Từ tháng 10, Thành phố bắt đầu thực hiện Đề án xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh, thí điểm ở một số quận, huyện... Theo đó, TP.HCM đặt ra mục tiêu trong vòng 10 năm tới sẽ trở thành một “thành phố thông minh”.