Tài chính học hành vi, tâm lý bầy đàn và TTCK Việt Nam
TTCK Việt Nam trong năm 2006 có mức tăng trưởng cao nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với 145% và đầu năm 2007 tăng thêm 46% - cao nhất trên thế giới. Rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho sự phát triển mãnh liệt này, nhưng phần lớn ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do tâm lý đầu tư bầy đàn, đầu tư theo phong trào của các nhà đầu tư trong nước. Chơi chứng khoán đã được báo chí nói tới như một thứ “mốt”, một “phong trào” lan truyền với tốc độ cực nhanh.

Tài chính học hành vi
Các bằng chứng về “bong bóng” chứng khoán thế giới trong những năm 90 đã chứng minh rằng, các nhà đầu tư không phải luôn luôn hành động một cách sáng suốt và khôn ngoan như mong đợi. Trong những trường hợp như vậy, lý thuyết thị trường hiệu quả không thể giải thích, nhưng nghiên cứu của tài chính học hành vi dựa trên những lý thuyết cơ bản về tâm lý học có thể giúp chúng ta hiểu được thị trường tài chính. Một số miêu tả và giải thích của tài chính học hành vi khá thú vị, mô phỏng hành vi thị trường bằng các cuộc thử nghiệm rất đơn giản như sau:

Cho ai đó một lựa chọn: hoặc là sẽ có chắc chắn 50.000 đồng hoặc là sẽ chơi trò đồng xu xấp ngửa, nếu thắng sẽ nhận được 100.000 đồng, và ngược lại sẽ không nhận được gì cả. Có vẻ như trò chơi này đầy may rủi, do đó người ta thường chọn việc bỏ túi chắc chắn 50.000 đồng. Ngược lại, nếu phải lựa chọn giữa việc mất chắc chắn 50.000 đồng hoặc cũng chơi trò đồng xu xấp ngửa và mất 100.000 đồng hoặc không mất gì cả. Họ có thể sẽ chọn chơi xấp ngửa. Sự may rủi trong việc tung đồng xu xấp ngửa trong cả hai trường hợp là tương đương nhau, nhưng con người lại thường chọn cách tham gia trò chơi để tiết kiệm những khoản lỗ, dù trò chơi này có thể sẽ mang đến một khoản lỗ lớn hơn. Điều này cho thấy khuynh hướng con người coi khả năng bù đắp một khoản lỗ còn quan trọng hơn khả năng kiếm được một khoản lợi lớn hơn.

Trong kinh doanh, sự ưu tiên về việc tránh các khoản lỗ cũng đúng cho các nhà đầu tư. Khi giá cổ phiếu của Nortel Networks xuống giá thê thảm từ hơn 100 USD vào đầu những năm 2000 xuống còn chưa đầy 2 USD, bất chấp giá cổ phiếu xuống như thế nào, nhà đầu tư vẫn tin rằng nó có thể sẽ lên trở lại và họ tiếp tục nắm giữ cổ phiếu. Họ có khuynh hướng quá tự tin vào các phán đoán của mình, thậm chí còn thích chộp ngay lấy thông tin rỉ tai hơn là những thông tin công bố rõ ràng. Vì sao lại như vậy? Điều này chỉ có thể lý giải bằng cảm xúc (emotion) - một yếu tố quan trọng chi phối hành vi con người.

TTCK được xem là một nhóm các nhà đầu tư với mục đích chung duy nhất là nắm bắt xu hướng tương lai của thị trường để từ đó có quyết định kinh doanh đúng đắn nhằm thu được lợi nhuận. Song, nhóm đông đó được hình thành bởi nhiều nhà đầu tư cá nhân khác nhau, mỗi nhà đầu tư lại thiên về các cảm xúc trái ngược nhau: Lạc quan có, bi quan có, hy vọng có, lo lắng có – tất cả mọi cảm giác đều có thể tồn tại trong cùng một nhà đầu tư tại các thời điểm khác nhau hoặc trong một nhóm nhà đầu tư tại cùng một thời điểm.

Có lẽ quyển sách nổi tiếng của Charles Mackay: “Những ảo giác cực kỳ phổ biến và sự mất trí của đám đông” được nhắc đến nhiều nhất trong những cuộc bàn luận về các hiện tượng của TTCK, từ cơn sốt hoa tulip ở Hà Lan thế kỷ 17 cho đến những hiện tượng “bong bóng” gần nhất. Cốt truyện khá tương tự nhau: một TTCK giá lên (bull market) về một mặt hàng, đơn vị tiền tệ hoặc cổ phiếu nào đó khiến dân chúng thấy xu hướng tăng giá là không thể ngừng. Với cách suy nghĩ lạc quan như vậy, mọi người mua “đối tượng” của cơn sốt vượt quá nhu cầu thật sự của mình, cùng lúc đó những người cho vay thay phiên nhau đổ thêm dầu vào lửa. Đến khi nhà đầu tư nhận ra thị trường không mạnh như họ đã kỳ vọng, sự sợ hãi tăng lên. Và khi sự lo lắng chuyển thành cơn bán đổ bán tháo thì thị trường sụp đổ, tạo ra một vực xoáy nhấn chìm thị trường sâu hơn cả trước khi có cơn sốt, hậu quả là phải tốn nhiều năm trời thị trường mới có thể phục hồi trở lại.

Do vậy, trong các quyết định đầu tư thông minh thì cảm xúc chính là kẻ thù số 1. Cảm xúc khiến chúng ta hành động trái với những gì mà chúng ta nên làm. Cảm xúc khiến chúng ta mua trong khi chúng ta nên bán, cảm xúc khiến chúng ta bán trong khi chúng ta nên mua.


Tâm lý bầy đàn và TTCK Việt Nam

Một sự thật hiển nhiên quen thuộc là vào bất kỳ thời điểm nào, các thị trường tài chính luôn luôn bị chi phối bởi lòng tham và sự sợ hãi. Bất cứ khi nào bạn bán cổ phiếu thì người mua nó cũng sẽ nghĩ khác về những triển vọng tương lai của cổ phiếu đó. Bạn nghĩ nó sẽ giảm, người mua nghĩ nó sẽ lên. Hoặc bạn hoặc người mua sẽ đúng, nhưng chắc chắn chỉ thông qua sự tương tác của những thái độ khác nhau như vậy thì thị trường mới nhộn nhịp. Sự sôi động của TTCK Việt Nam thời gian qua phản ánh phần nào điều này.

TTCK Việt Nam trong năm 2006 có mức tăng trưởng cao nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với 145% và đầu năm 2007 tăng thêm 46% - cao nhất trên thế giới. Rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho sự phát triển mãnh liệt này, nhưng phần lớn ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do tâm lý đầu tư bầy đàn, đầu tư theo phong trào của các nhà đầu tư trong nước. Chơi chứng khoán đã được báo chí nói tới như một thứ “mốt”, một “phong trào” lan truyền với tốc độ cực nhanh.

Mọi lý thuyết, mọi mô hình của thị trường hiệu quả dường như vô nghĩa với TTCK Việt Nam. Mặc dù nhà đầu tư được cảnh báo rằng giá chứng khoán đã vượt quá giá trị thật hơn 30% nhưng họ vẫn mua bán, thị trường vẫn không ngừng sôi động.

Có lẽ đã đến lúc dùng đến các lý thuyết cơ bản dựa trên tâm lý con người để giải thích những bất thường trên TTCK:

Bình thường, một nhóm các nhà đầu tư cá nhân có thể rất bình tĩnh và sáng suốt, nhưng cũng có lúc họ bị áp đảo bởi những cảm xúc tiêu cực khi các nhà đầu tư khác hành động theo một cách thức phổ biến nào đó. Hiểu một cách đơn giản nhất thì chính sự sợ hãi bị “bỏ rơi” hay thất bại khi bạn bè, người thân, hàng xóm của họ có thể kiếm tiền một cách nhanh chóng, đã đưa đến sức mạnh áp đảo của đám đông.

Cảnh kiếm tiền trên TTCK quá dễ đã thôi thúc người ta lao vào chơi chứng khoán. Chứng khoán vượt quá giá trị thật - biết chứ - nhưng họ vẫn mua. Họ chấp nhận mua với giá cao vì tin rằng trên thị trường sẽ còn có người chấp nhận mua lại nó với giá cao hơn nữa. Lòng tham của con người khiến họ hành động. Còn nhìn thấy cơ hội kiếm lợi, họ còn nhảy vào.

Sức nóng của TTCK còn “hút” cả anh hai lúa, bà bán đậu phộng đến ông xích lô… gom góp tiền dành dụm cả đời đổ vào chơi chứng khoán. Họ biết phân tích cổ phiếu, biết dự đoán khả năng hoạt động sinh lời của công ty? Không hề! Họ chơi theo tâm lý bầy đàn.Thậm chí có nhiều người còn mua bán theo cách hoàn toàn bắt chước các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên điều này cũng chẳng có gì là khó hiểu cả. Khuynh hướng (bản năng) bầy đàn giải thích tại sao con người lại thích bắt chước người khác. Khi thị trường lên hoặc xuống, nhà đầu tư cho rằng người khác sẽ có nhiều thông tin hơn. Và hệ quả của điều này, họ cảm thấy có sự thôi thúc ghê gớm đối với việc làm theo những gì người khác đang làm. Các nhà tâm lý học cũng đã đưa ra nghiên cứu cho thấy hành vi đám đông thường có khuynh hướng hành động theo một số người chủ chốt, có khả năng tiên đoán thị trường. Trong trường hợp của TTCK Việt Nam, “sứ mệnh” đó nhiều lúc được giao cho nhà đầu tư nước ngoài.


Cần một cái nhìn đầy đủ về tâm lý bầy đàn

Trong suy nghĩ của nhiều người, tâm lý bầy đàn là cái gì đó rất xấu, rất đáng khinh, loại bỏ nó càng sớm càng tốt. Do vậy, làm sao để chấm dứt tâm lý bầy đàn trong các nhà đầu tư là một câu hỏi được đặt ra? Không có gì khó khăn, bởi câu trả lời là không thể. Nhà đầu tư sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình theo thị trường, họ sẽ rút ra bài học từ chính những thành công và thất bại của mình. Không thể có giải pháp nào được đưa ra ở đây cả.

Tâm lý bầy đàn (hay tâm lý đám đông) là một sự tồn tại khách quan trong bất cứ một thị trường nào, không riêng gì thị trường tài chính. Các bằng chứng xã hội mà các nhà tâm lý học đưa ra sau các cuộc khảo sát hoàn toàn chứng minh được điều đó. Hẳn nhiều người trong chúng ta đã được biết đến thí nghiệm dưới đây:

Cho một người đứng ở một góc phố và nhìn lên bầu trời trống không trong 60 giây. Một số người đi đường đã dừng lại để xem người kia nhìn gì nhưng rồi đa số cũng bước qua. Lần tiếp theo, các nhà tâm lý học cho năm người làm như vậy ở góc phố đó. Lần này, số người dừng lại để quan sát đông gấp 4 lần. Khi cho 15 người đứng ở góc phố đó, có tới 45% số người qua đường dừng lại và khi tăng số người đứng ở góc phố thêm một lần nữa, có tới hơn 80% người đi đường phải ngẩng đầu quan sát theo. Vì sao lại như vậy? Người ta cho rằng, nếu có nhiều người cùng nhìn lên bầu trời thì chắc chắn rằng trên bầu trời phải có cái gì đó. Đó là lý do vì sao càng có đông người, đám đông càng dễ bị ảnh hưởng: thêm một người là thêm một bằng chứng cho thấy có điều gì đó quan trọng đang xảy ra. Họ tin tưởng rằng, nếu có rất nhiều người cùng thực hiện một việc gì đó thì việc đó nhất định đúng. Bằng chứng này dường như cho thấy, nếu không biết điều gì đang diễn ra thì tốt hơn hết là nên bắt chước những gì người khác đang làm.

Và lâu nay vẫn có quan niệm sai lầm cho rằng chỉ ở Việt Nam mới có tâm lý bầy đàn trong đầu tư như thế. Sự thật thì tâm lý đám đông (tâm lý bầy đàn) xuất hiện ở hầu hết các thị trường mới nổi, thậm chí ngay cả ở các thị trường phát triển vẫn có những giai đoạn tồn tại tâm lý đám đông. Nếu không, lịch sử kinh tế thế giới đã không chứng kiến nhiều vụ nổ bong bóng và khoảng hoảng như khủng hoảng Hoa tulip – Hà Lan (1634-1637), bong bóng South Sea - Anh ( 1711-1720), khủng hoảng bất động sản Florida - Mỹ (1920-1922), đại suy thoái thế giới 1929, khủng hoảng 1987, khủng hoảng Châu Á 1997, khủng hoảng dotcom…

Nhà đầu tư khôn ngoan nên hành xử ra sao trong một thị trường như vậy: Sẽ đi theo đám đông hay độc lập quyết định dựa vào các nghiên cứu, phân tích của mình? Câu trả lời ở đây khá đơn giản: Nên đi theo đám đông khi ý kiến của nó phù hợp với những phân tích của riêng bạn và nhanh chóng rời bỏ đám đông khi đám đông suy nghĩ ngược với bạn. Khi rời bỏ đám đông, nhà đầu tư nên kiếm lợi hoặc nhận ra các khoản lỗ và đứng ngoài đợi cho đến khi thị trường có dấu hiệu khả quan trở lại. Thà từ bỏ một khoản lời tiềm năng còn hơn là mất một khoản vốn trước mắt. Nhưng thật sự thì cái cảm giác bỏ lỡ một cơ hội kiếm tiền mười mươi là một tâm lý vô cùng khó chịu!