TTCK: 2 liều thuốc nội và 1 liều thuốc ngoại








Hai “liều thuốc” nội: giãn các đợt IPO và hoãn thu thế thu nhập từ
chứng khoán cùng “liều thuốc” ngoại: HSBC khuyến cáo nên mua vào đã
phần nào giúp TTCK gượng dậy sau cú sốc rớt xuống dưới 900 điểm. Tuy
“thuốc” đã kịp cứu TTCK VN không “ốm nặng” thêm nhưng từ những biện
pháp trên có khá nhiều điều cần suy gẫm…




Lẽ ra Bộ Tài chính và UBCKNN sẽ không phải loay hoay tìm cách “cứu”
TTCK trước khi VN-Index và HASTC-Index rớt xuống quá sâu nếu hai
quan này tiêu liệu được các đợt IPO dồn dập sẽ khiến nhà đầu tư “bội
thực”.




Chính UBCKNN đưa ra con số năm 2007 đã có 179 công ty được UBCKNN
cho phép chào bán 2,46 tỷ cổ phiếu ra công chúng với giá trị tương ứng
khoảng 48.000 tỷ đồng (gấp 25 lần so với năm 2006) và có hơn 3,4 triệu
trái phiếu tương ứng 3.750 tỷ đồng, 25 triệu chứng chỉ quỹ tương ứng
với 250 tỷ đồng… được chào bán thành công.




Tính chung, các phiên IPO, phát hành thêm trên thị trường chính
thức đã thu về cho các doanh nghiệp hơn 90.000 tỷ đồng (gấp 3 lần so
với năm 2006)!




Với lượng chứng khoán khổng lồ trên và thực tế đã chứng minh không
ít lần trong năm 2007 nhà đầu tư bội thực thì cuối năm 2007, đầu năm
2008 lại bồi thêm gần 100 triệu cổ phần của VCB và sắp tới là hơn 160
triệu cổ phần của SABECO, HABECO thì nhà đầu tư không ngán ngẩm mới là
chuyện lạ. Có thể quyền quyết định IPO thuộc về Bộ Tài chính nhưng
UBCKN đề nghị sớm hơn, Bộ Tài chính lường trước xa hơn thì TTCK sẽ bớt
lao đao. Một lần nữa, những biện pháp theo sau diễn biến thị trường lại
cho thấy những hạn chế từ cơ quan quản lý Nhà nước.




Càng đáng nói hơn nữa khi TTCK đã “dội ngược” với việc phát hành thêm,
IPO từ giữa năm 2007, các chuyên gia, báo chí đã cảnh báo không nên lặp
lại điều này nhưng thị trường vừa khởi sắc thì các cảnh báo ấy lại bị
lãng quên.




Chuyên gia chứng khoán Huy Nam nói với người viết “doanh nghiệp
phát hành thêm, IPO hơi tham khi phát hành ồ ạt cùng lúc lượng lớn cổ
phiếu”. Tận dụng thời điểm để hút vốn là điều mà nhiều doanh nghiệp
phải chớp lấy nhưng “lòng tham” ấy có thể bị ngăn lại nếu Bộ Tài chính
và UBCKNN có những điều chỉnh kịp thời hơn. “Mất lòng tin là mất tất
cả”, nhà đầu tư chưa mất lòng tin vào TTCK nhưng họ đã lung lay vì việc
giãn IPO vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Cái họ cần chính là cách quản
lý, điều hành TTCK bài bản, khoa học, có những chiến lược, đối sách dài
hạn chứ không phải “xức dầu cù là” đau đâu thì bôi chút dầu cho qua
cơn.




Thuế thu nhập chứng khoán nằm trong Luật thuế thu nhập cá nhân là
một trong những dự luật gây tranh cãi nhiều nhất cả trong lẫn ngoài
nghị trường. Nộp thuế là việc cần làm nhưng nộp ra sao, vào thời điểm
nào và tác động đến thị trường non trẻ là điều mà nhiều người băn khoăn
khi luật ra đời. Giống như việc cấm xe ba bánh, TTCK VN khác nhiều so
với TTCK các nước khác, nơi mà khi soạn luật người ta thường đem ra so
sánh. Một khoản thuế sẽ không quá lớn nếu TTCK đã rộng về quy mô, lớn
về chất và lượng, nhà đầu tư đã có những năm tháng dài ăn nên làm ra…
Nhưng “thương trường như chiến trường”, họ cũng đã “trầy vi tróc vẩy”
4,5 năm trời và mới có của ăn của để hơn 1 năm qua, lời nhiều mà lỗ
cũng chẳng ít.




Thực tế cũng đã chứng minh, thời hạn cấm xe ba bánh đã phải lùi lại và
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng ý lùi thời điểm thu thuế thu
nhập từ chứng khoán bởi những tác động của nó lớn hơn nhiều như người
ta tưởng khi luật ban hành. Do phát triển quá nóng và “người dìu dắt”
nhiều lần tỏ ra non tay, TTCK VN rất dễ tổn thương. Việc lên quá cao và
xuống quá nhanh đã cho thấy chỉ cần những quyết định chưa hợp lý, thông
tin không hợp thời vào những thời điểm nhạy cảm thì nhà đầu tư rất dễ
ùa theo số đông. Nhiều nhà đầu tư và cả chuyên gia đã từng đặt câu hỏi
“thu 10 đồng của 100 người hay thu 1 đồng của 10.000 người lợi hơn”.




Sắp tới Bộ Tài chính và UBCKNN sẽ tiếp tục tìm ra những biện pháp
để TTCK phát triển bền vững và ổn định hơn. Tuy nhiên bất cứ quyết định
nào mà chỉ đề ra để giải quyết sự vụ mà không tính toán nhiều chiều thì
rất dễ sa vào “tiến thoái lưỡng nan”. Minh bạch thông tin, thưởng phạt
nghiêm minh, thị trường trong sạch… luôn được nhà đầu tư và thị trường
đòi hỏi nhưng họ vẫn thấy “chữa” nhiều hơn là “phòng”. Điều hành một
TTCK quá nóng, mới, luôn có những vấn đề phát sinh là một việc cực khó
và các cơ quan quản lý đã có những thành công nhất định. Nhưng chỉ nhìn
và thấy TTCK là nơi tập hợp của những người giàu có, thu lãi tiền tỷ từ
chứng khoán, luôn cho rằng chứng khoán luôn sinh ra lợi nhuận và mang
dáng dấp của một “canh bạc”… thì TTCK sẽ còn lao đao dài dài bởi những
giải pháp “bàn giấy” và phương pháp “chữa bệnh” theo kiểu “xức dầu cù
là” .