Thời điểm định vị lại thị trường chứng khoán và bất động sản


Đó là nhận định của thạc sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia
tài chính - đầu tư độc lập về diễn biến của thị trường chứng khoán
(TTCK) và thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay.


* Ông có nhận định gì về động thái mua cổ phiếu
(CP) trên TTCK hiện nay của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà
nước (SCIC)?



- Việc tham gia của SCIC có mặt tích cực trong ngắn
hạn, nhưng không phải là giải pháp cơ bản, thậm chí ảnh hưởng không tốt
đến sự phát triển lành mạnh và dài hạn của thị trường. Trước hết, SCIC
chuyển vốn vào TTCK sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn vốn của SCIC cho đầu tư
phát triển ở các doanh nghiệp quan trọng - vốn đang rất cần đổi mới
nhanh công nghệ, tạo ra hàng hóa có chất lượng với giá thành hạ. Đây
mới là nhiệm vụ quan trọng của SCIC nhằm góp phần giảm lạm phát và tăng
trưởng kinh tế, qua đó cũng giúp TTCK phát triển. Thứ hai, nền kinh tế
Việt Nam là nền kinh tế thị trường và đang trong tiến trình hội nhập,
cần hạn chế thấp nhất mức can thiệp trực tiếp của Nhà nước về kinh
doanh, thay vào đó cần phát huy các giải pháp chính sách mang tầm vĩ
mô. Việc SCIC chọn mua một số CP, vô hình chung làm méo thị trường một
mức nào đó, chưa nói đến những tác hại nếu rò rỉ thông tin, như vậy
TTCK sẽ tiếp tục diễn biến bất ổn.


Tôi cho rằng SCIC không nên can thiệp, TTCK sẽ tự điều
tiết. Thậm chí cả khi TTCK giảm còn 500 điểm, thị trường BĐS bị "đóng
băng" cũng là cần thiết để hai thị trường này có những bước đi đồng
hành với nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế một cách ổn định,
vững chắc.


* Có mâu thuẫn không khi ông cho rằng TTCK suy giảm và thị trường BĐS "đóng băng" lại cần thiết cho nền kinh tế?


- Chính phủ và các chuyên gia đều nhận định thị trường
BĐS quá nóng trong năm 2007 và sự phát triển nóng của TTCK cuối 2006,
đầu năm 2007 không dựa trên nền tảng kinh doanh của doanh nghiệp đã tác
động xấu đến nền kinh tế. Sự hấp dẫn thu lợi của hai thị trường này
khiến nhiều công ty thay vì tập trung vào sản xuất kinh doanh thì lại
tăng huy động vốn cổ phần để đầu tư tài chính và BĐS. Hầu như các tổng
công ty lớn của Nhà nước và công ty cổ phần hàng đầu về các lĩnh vực
sản xuất kinh doanh đều thành lập ngân hàng, quỹ đầu tư tài chính và
đầu tư BĐS. Điều này không sai nếu xét về quyền chọn lựa đầu tư vào
lĩnh vực lợi nhuận cao. Tuy nhiên với việc các công ty và ngân hàng dồn
nguồn vốn vào hai lĩnh vực này, ban đầu sẽ tạo ra hiện tượng sốt và thu
lợi cao, nhưng sau đó thị trường nhanh chóng bão hòa và phải trả giá
đắt. Nhà đầu tư (trong đó có các doanh nghiệp) sẽ thua lỗ do TTCK và
thị trường BĐS suy thoái; ngân hàng gặp nguy cơ rủi ro tín dụng do cho
vay quá mức; nền kinh tế bị suy giảm năng lực sản xuất, chi phí vốn và
cơ sở vật chất tăng cao...


Do vậy, một khi TTCK trở về điểm xuất phát thì các
công ty phải nỗ lực vào hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo hiệu quả
cho cổ đông, thu hút nhà đầu tư; còn thị trường BĐS trở về giá trị phù
hợp, tạo khả năng phát triển sản phẩm phục vụ cho đối tượng có nhu cầu
thực sự với giá cả hợp lý. Từ đây TTCK sẽ đích thực là thị trường vốn,
thị trường BĐS sẽ phục vụ tốt nhất về nhu cầu cơ sở vật chất cho các
công ty và nhu cầu nhà ở cho người dân. Đó chính là hai động lực hỗ trợ
nền kinh tế phát triển vững chắc.


* Nhưng nếu hai thị trường này sụt giảm mạnh có
thể gây khủng hoảng kinh tế như đã từng xảy ra ở các nước châu Á những
năm 90 thế kỷ trước?



- Tôi không nghĩ như vậy, vì hiện nay tín dụng cho
TTCK và thị trường BĐS tuy có cao, gây căng thẳng về tiền mặt trong một
thời gian nhưng vẫn trong vòng kiểm soát. Chính thị trường suy giảm là
cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn; cơ hội cho các công ty đầu tư BĐS có
thể đền bù để phát triển dự án với chi phí và giá bán hợp lý tạo khả
năng đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Khi đó ngân hàng mới có khả năng
cấp tín dụng nhà ở một cách an toàn cho người dân dựa trên thu nhập của
họ và giá mua căn hộ.


Cũng cần lưu ý, chúng ta không nên can thiệp vào TTCK
và thị trường BĐS bằng các biện pháp hành chính - kinh tế thái quá như
thắt chặt tín dụng không phân biệt đối tượng. Việc cấp tín dụng một
cách có chọn lọc, tỷ lệ hợp lý sẽ là động lực giúp thị trường phát
triển lành mạnh. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của các ngân hàng
thương mại trong thời gian tới, sau khi đã thu hút được lượng tiền gửi
tiết kiệm, cũng như đã cắt giảm những khoản cho vay đầu cơ BĐS quá mức.

thanhnien