Mở rộng địa giới Hà Nội





[table]





Nếu được sáp nhập, khu đô thị Văn Quán Hà Tây sẽ trở thành một phần của Hà Nội - Ảnh: TRƯỜNG SƠN
[/table]Theo
tờ trình Thủ tướng của Bộ Xây dựng, địa giới hành chính của Hà Nội sẽ
được mở rộng bao gồm Hà Nội hiện tại, toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh
Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), diện tích củabốn xã Đông Xuân, Tiến
Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Tổng cộng
diện tích của Hà Nội mới là 3.325km2.
Người phát ngôn chánh văn phòng Bộ Xây dựng Nguyễn
Thanh Minh cho biết đây là nghiên cứu và đề xuất của Bộ Xây dựng sau
khi đã tham khảo ý kiến của các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương
trong vùng. Nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý, đề án này cũng phải trình
ra Quốc hội để xin ý kiến cuối cùng.


Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng mở rộng địa giới
hành chính của Hà Nội là cần thiết vì thủ đô Hà Nội với qui mô đã mở
rộng mới đủ để đóng vai trò đô thị hạt nhân trong vùng thủ đô, đồng
thời có đủ quĩ đất để phát triển các dự án tầm cỡ quốc gia, quốc tế như
khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu đại học quốc gia, làng văn hóa các dân
tộc Việt Nam, các khu đô thị mới... Đặc biệt tại đây có thể lựa chọn để
phát triển trung tâm chính trị - hành chính quốc gia mới.


Thông tin về mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội về
phía tây, cụ thể là Hà Tây, vốn đẩy giá nhà đất khu vực này thành "điểm
nóng" từ hơn một năm nay nhưng đề xuất chính thức của Bộ Xây dựng hôm
6-3 lại không làm giới đầu cơ vui mừng. "Ít mới quí chứ toàn bộ diện
tích tự nhiên 2.193km2 của Hà Tây trở thành Hà Nội thì không thiêng" - anh Trung, một nhà đầu tư cá nhân than thở.


Theo một quan chức khác của Bộ Xây dựng, nếu đề xuất
này được thông qua, việc đầu tiên phải làm là rà soát lại qui hoạch
tổng thể của Hà Nội (mới) trên cơ sở qui hoạch đã được phê duyệt của Hà
Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc và Hòa Bình. "Nhiều khả năng sẽ phải thuê tư vấn
nước ngoài làm lại qui hoạch tổng thể của Hà Nội mới với địa giới hành
chính mở rộng và là đô thị hạt nhân trong vùng thủ đô" - quan chức này
nói.


Vì lý do này, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Thủ tướng Chính
phủ đồng thời với việc mở rộng địa giới hành chính phải rà soát, điều
chỉnh một số đồ án, dự án cấp vùng đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng
không còn phù hợp với tình hình mới, bao gồm: qui hoạch chung các thành
phố trung tâm tỉnh lỵ, các khu đô thị mới, các khu công nghiệp tập
trung.


Trên địa bàn tỉnh Hà Tây hiện tại có khoảng 130 dự án
lớn đã được phê duyệt và đang triển khai bao gồm các khu công nghiệp,
khu đô thị mới... Ngày 7-3-2008, lãnh đạo tỉnh đã có cuộc họp đột xuất
với các sở ngành liên quan đến chỉ thị của Thủ tướng về việc thực hiện
qui hoạch của tỉnh vào thời điểm này.


Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ rà soát tất cả những dự án đã
được phê duyệt và đang triển khai trên địa bàn tỉnh này. "Nếu dự án nào
có ảnh hưởng lớn, phá vỡ qui hoạch tổng thể thì phải báo cáo Thủ tướng
cho ý kiến, nếu dự án nào phù hợp vẫn tiếp tục triển khai bình thường"
- ông Nguyễn Hữu Nghĩa, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Hà Tây,
cho biết.


Cũng theo ông Nghĩa, đối với những dự án đã có qui
hoạch 1/2.000 và đang làm qui hoạch chi tiết 1/500 sẽ phải thỏa thuận
với Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt thay vì thuộc thẩm quyền của UBND
tỉnh như qui định pháp luật hiện hành. Ông Nghĩa không cho biết có bao
nhiêu dự án thuộc diện này nhưng ông khẳng định: "Qui định này là cần
thiết nhằm tránh những chồng chéo về qui hoạch khi có quyết định chính
thức về địa giới hành chính mới của Hà Nội".


Các chuyên gia nghiên cứu về đô thị hiện lo lắng
chuyện các dự án đang triển khai sẽ bị chậm tiến độ do tâm lý chờ đợi
quyết định mới. "Những dự án đang làm thủ tục sẽ còn khó khăn hơn nữa
vì thỏa thuận qui hoạch vốn là thủ tục "đau đầu" nhất trong qui trình
làm một dự án", một chuyên gia phân tích.


Theo AN NGUYÊN - Thanh Niên