Có nên bỏ biên độ?

Thứ năm, 29.05.2008, 10:56am (GMT+7)


(TCK)Thị trường chứng khoán Việt Nam đã
giảm quá sâu. Chiều nay (29/5), Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán sẽ họp
bàn các giải pháp chặn đà suy giảm sau một thời gian dài ngóng chờ mà
không thấy giải pháp “mạnh” của Ủy ban Chứng khoán.



Người viết bài này kiến nghị hai giải pháp trong tầm tay là
giao dịch không biên độ và minh bạch hóa thông tin các công ty niêm
yết, các chính sách điều hành vĩ mô càng sớm càng tốt.



Vì đâu nên nỗi?



So với thời điểm cách đây vừa đúng 6 tháng (28/11/2007), chỉ số HASTC giảm 65% (121/341), còn VN-Index giảm 55% (420/988).



Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á nửa cuối năm 1997, chỉ số
chứng khoán của Thái Lan giảm 29.3%; Hàn Quốc -49.5%; Indonesia –
44.8%; còn tại Mỹ, hiện nay dù bị khủng hoảng thị trường bất động sản
dưới chuẩn, nhưng chỉ số S&P 500 trong vòng một năm qua chỉ giảm
khoảng 10%, từ 1.520 xuống 1.382 điểm.



Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm quá sâu (P/E xấp xỉ 10
lần), thậm chí có thể nói là “suy sụp”, vì giá đã rẻ, nhưng vạn người
bán chỉ có trăm người mua.



Dù lạm phát là nguyên nhân cơ bản, nhưng chưa đủ để giải thích tại sao
giá cổ phiếu đã quá rẻ nhưng thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục đi
xuống. Quy luật chung của thị trường là giá cả thay đổi điều tiết quan
hệ cung cầu. Giá chứng khoán sẽ có xu hướng điều chỉnh dần về mức cân
bằng cung cầu. Nhưng, ở thị trường chứng khoán Việt Nam chức năng điều
tiết của giá không diễn ra. Điều này chứng tỏ thị trường đang có vấn
đề.



Ở các nước đã có thị trường chứng khoán phát triển, thị trường làm tốt
chức năng “bàn tay vô hình”. Giao dịch diễn ra liên tục nên phản ứng
cung cầu đối với thay đổi về giá là tức thời. Do được phép bán khống
nên các nhà tạo lập thị trường hoặc các nhà đầu tư “thông minh” thực
hiện lệnh mua bán khống chứng khoán một khi họ nhận biết giá chứng
khoán đang bị định giá không đúng.



Mặt khác, thông tin về thị trường và thông tin các công ty niêm yết
minh bạch và tin cậy nên chứng khoán được định giá gần với giá trị nội
tại. Các giao dịch trên thị trường chứng khoán chỉ yếu do các tổ chức,
các quỹ đầu tư thực hiện vì thế tránh được tâm lý đầu tư bầy đàn.



Thị trường chứng khoán Việt Nam đang thiếu những điều kiện nói trên.
Phương thức giao dịch khác nhau giữa HASTC và HOSE; kỳ thanh toán quá
dài T+3; chưa có nghiệp vụ bán khống; thông tin về các công ty niêm yết
còn rất thiếu tính minh bạch, đôi khi không công bằng vì thời điểm công
bố kéo dài từ lúc doanh nghiệp công bố thông tin đến khi nhà đầu tư
nhận được thông tin. Nội dung thông tin chưa đầy đủ (rất ít công ty có
báo cáo lưu chuyển tiền tệ và báo cáo thuyết trình về thay đổi vốn cổ
đông, phần thuyết minh báo cáo tài chính gần như không có).



Thử tìm giải pháp



Vẫn biết kinh tế vĩ mô có khỏe thì thị trường chứng khoán mới phát
triển ổn định. Tuy nhiên vẫn có thể có các giải pháp song hành để ngăn
chặn sự suy giảm, ổn định và từng bước dần lấy lại đà tăng trưởng của
thị trường chứng khoán.



Hai giải pháp trong tầm tay, theo người viết, đó là minh bạch hóa thông
tin các công ty niêm yết cũng như chính sách điều hành vĩ mô, đồng thời
việc áp dụng giao dịch không biên độ nên được thực hiện.



Minh bạch thông tin



Đại bộ phận nhà đầu tư hiện tại là cá nhân. Tiếp cận thông tin cùng với
khả năng phân tích thông tin rất hạn chế. thị trường chứng khoán đang
mất phương hướng vì không có cơ sở để xác định giá chứng khoán bao
nhiêu là rẻ.



Thiếu minh bạch về thông tin và chính sách vĩ mô sẽ làm cho các nhà đầu
tư luôn đặt câu hỏi khi nào thì lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô phục hồi?
Liệu lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có bị suy giảm hay thua lỗ
trong quý 2 và cả năm 2008?



Vì vậy, thị trường chứng khoán đang rất cần công bố thông tin minh bạch
và tin cậy của các doanh nghiệp niêm yết, các chính sách điều hành của
nhà nước về lạm phát, tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng, cắt giảm chi tiêu
công kém hiệu quả.



Minh bạch thông tin chính là để tạo dựng niềm tin và định hướng cho thị trường chứng khoán phát triển.


Giao dịch không biên độ



Sau “ngày thứ Hai đen tối” 19/10/1987, một số nước đã áp dụng biên độ
giao dịch để phòng giá chứng khoán giảm quá lớn trong cùng môt phiên.
Ngược lại, nhiều nước không sử dụng biên độ, hoặc có biên độ rất rộng.



Tác động của biên độ giao dịch đến thị trường chứng khoán vẫn còn là
vấn đề gây tranh luận. Trường phái ủng hộ giao dịch có biên độ cho rằng
sử dụng giới hạn trên dưới sẽ làm giảm sự biến động của giá, hạn chế
những phản ứng thái quá của thị trường và không ảnh hưởng đến khối
lượng giao dịch.



Ngược lại, trường phái ủng hộ giao dịch không biên độ cho rằng áp dụng
biên độ giao dịch sẽ gây nên sự biến động của giá chứng khoán trong
nhiều ngày tiếp theo, cũng như làm chậm quá trình giá chứng khoán điều
chỉnh về giá cân bằng và ảnh hưởng đến khối lượng giao dịch.



Điều gì sẽ xảy ra nếu bỏ biên độ giao dịch? Sẽ có
nhiều giả thuyết đặt ra, nhưng người viết tin rằng tác động đầu tiên
đến thị trường là nhà đầu tư sẽ phải tự suy nghĩ, tự xác định nên mua
hay bán ở mức giá nào là có lợi nhất.



Giá cả sẽ rất linh hoạt điều chỉnh quan hệ cung cầu. Việc “tranh nhau”
đặt lệnh ATO/ATC sẽ không còn hiệu lực. Nhà đầu tư sẽ phải bám sát thị
trường để quyết định mức giá. Việc đầu tư theo kiểu ép giá hôm nay để
chờ cơ hội mua vào ngày mai và những ngày tiếp theo rất không còn khả
thi.



Có thể giá cả sẽ dao động mạnh trong ngày đầu, nhưng do được tự do điều
chỉnh, nên khả năng ổn định sẽ rất nhanh. Tính thanh khoản của thị
trường chứng khoán sẽ tăng vọt. Tất cả các nhà đầu tư đều phải cùng suy
nghĩ chứ không còn ỷ lại vào dòng lệnh AT hay đặt giá kịch trần, sàn.



Cùng với quá trình bỏ biên độ, nếu các công ty niêm yết và các chính
sách vĩ mô công khai minh bạch thông tin giá chứng khoán sẽ dần được
điều chỉnh về mức giá nội tại và cung cầu trên thị trường cũng được
điều chỉnh tương ứng.



Tác giả cho rằng không có gì đáng sợ và khó có thể xấy ra việc đồng
loạt nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, nếu quyết định bỏ biên độ được công
bố công khai và giải thích cặn kẽ cùng với quy trình công bố thông tin
minh bach và đầy đủ hơn. Tài sản là của nhà đầu tư, và họ tự chịu trách
nhiệm về quyết định của mình.



* Theo kết quả khảo sát ý kiến hơn 1.000 bạn đọc trên VnEconomy về
chính sách hợp lý cho biên độ giao dịch chứng khoán niêm yết hiện nay,
tính đến 11h ngày 29/5/2008, có 38,95% ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn biên độ;
38,3% ủng hộ áp dụng biên độ lệch có lợi cho sức tăng; 9,93% cho rằng
vẫn nên giữ nguyên biên độ hiện tại; 8,15% ủng hộ việc trả lại biên độ
độ cũ + - 5 % tại HOSE và + - 10 % tại HASTC và chỉ có 4,68% cho rằng
nên thu hẹp biên độ hiện nay.




http://tinchungkhoan24h.com/News/Phan-Tich-Danh-Gia/21159/