1. Dư nợ các CTCK

Dựa trên báo cáo tài chính quý 2/2024 của 62 công ty chứng khoán, chiếm 99% vốn chủ sở hữu toàn ngành, số dư tiền gửi của nhà đầu tư chứng khoán đã giảm lần đầu tiên sau 4 quý liên tiếp gia tăng mạnh mẽ từ Q2/2023 đến Q1/2024, mặc dù số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân mới mở vẫn tiếp tục tăng.

Tính đến cuối quý 2/2024, số dư tiền gửi đạt 94.100 tỷ đồng, tương đương gần 4 tỷ USD, giảm so với khoảng 104.000 tỷ đồng vào cuối quý 1/2024. Dù vậy, con số này vẫn cao hơn mức kỷ lục cũ là 92.100 tỷ đồng được thiết lập vào quý 4/2021.

Trong quý 2/2024, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng 39,6 nghìn tỷ đồng trên HOSE, vượt xa mức dư nợ margin tăng thêm trong cùng kỳ (22,6 nghìn tỷ đồng). Danh mục mua ròng chủ yếu bao gồm các cổ phiếu đầu ngành hoặc vốn hóa lớn, chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại, tập trung vào nhóm Vingroup (VHM, VRE, VIC), Ngân hàng (STB, MSB, VCB, CTG, HDB, BID), Chứng khoán (VND, VCI, SSI), FPT, VNM, GAS, và DGC.

Dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đạt gần 218,9 nghìn tỷ đồng vào ngày 30/6/2024, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2023 và 11,5% so với cuối quý 1/2024, là mức cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, dư nợ margin tăng chậm hoặc giảm ở các công ty chứng khoán với lượng khách hàng cá nhân lớn (như VPS, VPBank, MBS), trong khi lại tăng mạnh ở các công ty phục vụ khách hàng tổ chức (như HCM).

2. Đánh giá

Tỷ lệ đòn bẩy (tỷ lệ giữa margin và tổng vốn hóa) bất ngờ tăng lên mức 9,4% vào cuối quý 2/2024 từ mức 8,5% của quý trước. Điều này xảy ra khi quy mô vốn hóa giảm nhẹ (-1,4 nghìn tỷ đồng) trong khi dư nợ cho vay margin tăng mạnh (+22,6 nghìn tỷ đồng).

Tỷ lệ dư nợ margin so với giá trị giao dịch bình quân đã nhích nhẹ lên mức 10,4 lần, nhưng vẫn thấp hơn so với giai đoạn thanh khoản sôi động (11-12,6 lần), chủ yếu do thanh khoản chỉ cải thiện không đáng kể và gần như ổn định trong quý 2, không theo kịp sự gia tăng của dư nợ margin.

Tỷ lệ dư nợ margin so với tổng vốn chủ sở hữu tiếp tục tăng quý thứ 6 liên tiếp, đạt 0,88 lần vào cuối quý 2/2024, thấp hơn so với mức 1,2 lần vào cuối quý 1/2022. Điều này cho thấy vẫn còn dư địa để mở rộng cho vay margin nếu chỉ xét về quy mô vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, việc đáp ứng tỷ lệ dư nợ margin/tổng vốn chủ sở hữu chỉ là điều kiện cần, trong khi điều kiện đủ để các công ty chứng khoán có thể mở rộng cho vay margin là phải có nguồn vốn sẵn có. Theo báo cáo tài chính, nguồn vốn chủ của các công ty chứng khoán đã được phân bổ vào nhiều lĩnh vực khác, bao gồm hoạt động tự doanh (cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá). Do đó, thực tế, dư địa để mở rộng cho vay margin không còn nhiều.