Lực mua tiếp tục được thúc đẩy đối với mặt hàng dầu thô trong phiên giao dịch ngày 28/07 khi các dữ liệu kinh tế của Mỹ cho thấy sự tích cực, bất chấp bối cảnh lãi suất liên tục tăng cao, làm gia tăng triển vọng tiêu thụ trong khi nguồn cung có dấu hiệu thu hẹp.
Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 1,66%, chạm mốc 80 USD/thùng sau hơn 3 tháng dao động dưới ngưỡng này. Dầu Brent đóng cửa với mức giá 83,79 USD/thùng sau khi tăng 1,49%.
Theo các nhà phân tích của Ngân hàng UBS, thị trường dầu mỏ đang thiếu nguồn cung và điều này khiến các chuyên gia kỳ vọng dầu Brent sẽ tăng lên 85-90 USD trong những tháng tới.
Tâm điểm của thị trường hướng về dữ liệu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý II, với mức tăng tích cực 2,4% so với quý đầu năm, đánh bại dự báo với mức tăng 1,8%. Điều này xuất phát từ khả năng phục hồi của thị trường lao động, hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng, trong khi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào thiết bị, có khả năng ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế.
Bên cạnh đó, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát yêu thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đạt mức 2,6% trong Quý II/2023, hạ nhiệt nhanh so với mức tăng trưởng 4,1% của Quý I/2023.
Thị trường lao động tiếp tục có những dấu hiệu tốt khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua giảm 7.000 xuống 221.000.
Các dữ liệu trên đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư đối với kịch bản “hạ cánh mềm”, với viễn cảnh lạm phát hạ nhiệt, trong khi không kéo theo một cuộc suy thoái. Điều này đã thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu thô, nhất là khi thị trường dầu vẫn đang đối diện với tình hình thiếu nguồn cung.
Theo khảo sát từ Bloomberg và Reuters, Saudi Arabia dự kiến sẽ kéo dài việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sang tháng 9 trong một động thái tìm cách hỗ trợ giá dầu phục hồi.
Các chuyên gia hàng hóa tại Ngân hàng Standard Chartered đã dự đoán rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ ghi nhận mức thâm hụt nguồn cung 2,81 triệu thùng/ngày trong tháng 8, thâm hụt 2,43 triệu thùng/ngày vào tháng 9 và hơn 2 triệu thùng/ngày vào tháng 11 và tháng 12.
Đơn vị này cũng dự đoán rằng tồn kho toàn cầu sẽ giảm 310 triệu thùng vào cuối năm 2023 và 94 triệu thùng nữa trong quý đầu tiên của năm 2024, do đó đẩy giá dầu lên cao hơn.
Ngoài ra, công ty dầu khí nhà nước Brazil Petrobras cho biết sản lượng dầu thô quý II giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức 2,10 triệu thùng/ngày, chủ yếu đến từ hoạt động bảo trì, bên cạnh sự suy giảm tự nhiên của các mỏ dầu trưởng thành. Brazil là quốc giá xuất khẩu dầu lớn thứ 8 trên thế giới.
Nhìn chung, tăng trưởng GDP tích cực của Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới trong bối cảnh nguồn cung dần thu hẹp đã kích thích lực mua trên thị trường. Tuy nhiên, giá dầu cũng đã gặp một số áp lực bán chốt lời tại vùng giá 80 USD/thùng đối với dầu WTI và 84 USD/thùng đối với giá dầu Brent vào cuối phiên.
Có thể bạn quan tâm:
Hàng hóa phái sinh
Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam