SMB – Công ty bia Sài Gòn miền Trung
I. Chỉ số tài chính
Tổng quan: Trung bình - Tốt.
EPS đạt 4.31 nghìn VNĐ, cao hơn EPS trung bình ngành 25,6% (3.43 nghìn VNĐ).
P/E = 8.02, thấp hơn P/E trung bình ngành 25% (10).
Trả cổ tức bằng tiền mặt hàng năm, trung bình từ 10 - 25%. Trong đó, tỷ lệ Quỹ khen thưởng, phúc lợi/LNST là 19,52%.
1. Kết quả kinh doanh
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của SMB giảm 19,8% so với 2019, trong đó doanh thu của SMB phần lớn đến từ hoạt động chính là bán thành phẩm (bia, rượu, nước giải khát) chiếm tới 92,45%.
Nguyên nhân đến từ hoạt động kinh doanh yếu đi vì dịch Covid – 19 và nghị định 100 của chính phủ về rượu bia. Trong đó sự sụt giảm doanh thu của SMB chủ yếu là từ bán buôn các loại đồ uống (-23,51%) bao gồm rượu, bia, nước giải khát,… Lợi nhuận khác cũng bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh bao gồm Cung cấp dịch vụ bảo hành và sửa chữa, vận chuyển, ngược lại, doanh thu do bán công cụ và dụng cụ tăng lên gần 3 lần từ lượng hàng tồn kho.
Mặc dù vậy, doanh thu của công ty vẫn đạt 116,4%, LNST đạt 185.5% so với chỉ tiêu đã đề ra. Cùng với đó biên lợi nhuận của công ty tăng dần đều và ổn định qua từng năm và khá ấn tượng, đạt 25,78% trong năm 2020, sát với biên lợi nhuận trung bình ngành sản xuất bia và đồ uổng (28%).
2. Hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu và tài sản
Giá vốn bán hàng ổn định qua các năm, chi phí bán hàng chiếm tỷ trọng ít so với doanh thu (16,44% trong năm 2020).
Tài sản dài hạn của công ty cũng giảm, giảm mạnh nhất là tài sản dở dang dài hạn do được chuyển sang chi phí trả trước dài hạn, chi phí trả trước ngắn hạn và các quỹ BĐS đầu tư.
Nợ/VCSH của SMB giảm dần tỷ trọng từ 2018 (89,21%) xuống còn 62,36% năm 2020, cùng với đó là Nợ/Tổng tài sản cũng giảm từ 47,15% xuống 38,41% cùng kỳ. Nợ vay dài hạn được vay tài trợ vốn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư đã được công ty trả cho ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương.
Cùng với đó, chỉ số ROE là 32,84% và ROA là 19,83%, cao hơn khá nhiều so với chỉ số trung bình ngành (lần lượt là 6% và 21%) cho thấy công ty đã sử dụng nguồn vốn và tài sản khá hiệu quả.
3. CĐKT
Vì khó khăn trong thời điểm dịch Covid – 19 diễn ra, lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và chi phí trả trước ngắn hạn và dài hạn của công ty tăng lên do không được đưa vào sản xuất. Trong đó lượng tiền không kỳ hạn lên đến 36,17 tỷ VNĐ, tiền gửi có kỳ hạn lên đến 40 tỷ VNĐ. Từ đó dẫn tới việc doanh thu hoạt động tài chính của công ty tăng lên (3,491 tỷ VNĐ).
Các khoản phải thu ngắn hạn và thu khác giảm so với năm trước (6,57%), vòng quay phải thu giảm từ 22,87 xuống còn 21,55 - thể hiện sự sụt giảm trong giao dịch giữa SMB và các đối tác sản xuất, mua bán.
Về năng lực hoạt động: Vòng quay hàng tồn kho của SMB trong năm 2020 giảm từ 6,27 xuống 4,86 vòng. Việc sản xuất trong thời điểm Covid bị trì trệ khến doanh thu sụt giảm cùng với lượng hàng tồn kho giảm là lý do chính làm cho vòng quay này bị chậm lại.
4. Khả năng thanh toán
Hệ số thanh toán ngắn hạn của SMB tăng dần qua từng năm một cách ổn định, từ 0.9 năm 2019 lên 1,17 lần năm 2020, nhờ nợ ngắn hạn của SMB giảm 5,11% và tỷ lệ tài sản ngắn hạn tăng lên. Ngoài sự thay đổi của nợ ngắn hạn và tài sản ngắn hạn, việc hàng tồn kho giảm 10,13% so với cùng kỳ năm ngoái làm cho Hệ số thanh toán nhanh cũng tăng theo.
II. Phân tích kỹ thuật
SMB vẫn trong trend tăng, hiện đang có dấu hiệu chững lại và sideway biên độ rộng ở vùng giá 42 - 45 và đã trở thành vùng cản khá mạnh. Dựa vào chỉ số tài chính, có thể thấy SMB vẫn tiếp tục tăng trưởng, vùng tích lũy hiện tại là sự nghỉ ngơi sau đà tăng mạnh qua nhiều tuần, là cơ hội cho các NĐT canh vào giá đẹp để nắm giữ khi thị trường chung đi xuống.