Là một nhà giao dịch Forex, chắc hẳn bạn đã từng nghe đến thuật ngữ “nến Nhật”. Đây là một công cụ siêu hữu dụng trong việc phán đoán hướng đi thị trường, và là một trợ thủ đắc lực của các nhà giao dịch theo trường phái phân tích kỹ thuật.

Chuỗi bài viết này của Exness (gồm 6 phần) sẽ giúp bạn nắm được:
  • Khái niệm về nến Nhật
  • Cách sử dụng nến Nhật trong phân tích kỹ thuật
  • Các mô hình nến Nhật phổ biến
  • Một số mẹo và nguyên tắc quan trọng khi giao dịch với nến Nhật
Chúng ta hãy cùng bắt đầu với phần 1: Tìm hiểu về nến Nhật.

Nến Nhật Là Gì?


Nến Nhật (candlestick) là một loại biểu đồ giá được sử dụng vô cùng rộng rãi. Nó được phát minh bởi một thương nhân người Nhật có tên là Munehisa Homma vào thế kỷ 18, với mục đích ban đầu là để ghi chép diễn biến giá gạo. Do có tính ứng dụng cao trong việc phân tích, nến Nhật nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong giới thương nhân và “du nhập” khắp nơi trên thế giới.

Ngày nay, nến Nhật được biết đến và sử dụng bởi gần như tất cả những người tham gia thị trường tài chính. Vì lý do đó, hầu hết các nền tảng giao dịch (bao gồm cả MetaTrader 4 – phần mềm giao dịch thịnh hành nhất trong giới Forex hiện nay) đều tích hợp sẵn các biểu đồ nến Nhật.



Một biểu đồ nến Nhật của cặp tiền EURUSD. Nguồn: MetaTrader 4 Exness

Cấu Tạo Của Nến Nhật


Một biểu đồ nến được cấu tạo bởi hàng nghìn cây nến Nhật khác nhau. Mỗi cây nến Nhật sẽ có 2 phần là thân và bấc, trong đó:
  • Thân nến cho biết mức đóng (close) và mở cửa (open) của giá trong một khoảng thời gian nhất định.
  • Bấc nến, hay còn gọi là bóng nến, cho biết mức cao nhất (highest) và thấp nhất (lowest) của giá trong một khoảng thời gian nhất định.


Các cây nến Nhật sẽ được hình thành khác nhau tùy theo diễn biến giá và khung thời gian. Ví dụ, trên biểu đồ 15 phút, mỗi cây nến Nhật sẽ được hình thành dựa theo diễn biến giá trong mỗi 15 phút. Tương tự như vậy, trên biểu đồ 1 giờ, mỗi cây nến Nhật sẽ được hình thành dựa theo diễn biến giá trong mỗi 1 giờ, v.v.

Nến Nhật được chia làm 2 loại là nến tăng và nến giảm, và thông qua màu sắc, bạn sẽ biết được một cây nến thuộc loại nào.

Đối với hình trên thì:
  • Nến tăng là nến màu xanh dương. Đặc điểm của nến tăng là giá mở cửa bao giờ cũng thấp hơn giá đóng cửa.
  • Nến giảm là nến màu da cam. Đặc điểm của nến giảm là giá mở cửa bao giờ cũng cao hơn giá đóng cửa.
Các Lợi Thế Khi Sử Dụng Nến Nhật


Nếu đem so sánh với một biểu đồ đường (line), thì biểu đồ nến Nhật cung cấp nhiều thông tin về diễn biến giá hơn rất nhiều. Chẳng hạn, khi nhìn vào một cây nến tăng có thân dài và bấc ngắn trên đồ thị ngày, bạn có thể hiểu rằng bên mua đã gần như áp đảo hoàn toàn bên bán trong ngày hôm đó. Đây là một manh mối quan trọng trong việc phân tích và đưa ra quyết định giao dịch.

Các mức giá mở cửa, đóng cửa, cao nhất, và thấp nhất của một cây nến cũng giúp ích rất nhiều trong việc đánh giá hướng đi của thị trường. Giả sử, bạn nhìn thấy một cây nến giảm có bấc phía trên rất dài, thì đó là một tín hiệu cho thấy bên mua chiếm ưu thế lúc ban đầu, nhưng sau đó bị bên bán “quật ngã”.

Kết Luận


Vậy là bạn đã nắm được khái niệm về nến Nhật. Trong phần tiếp theo, hãy cùng Exness tìm hiểu cách ứng dụng tổng quát nến Nhật trong phân tích kỹ thuật nhé.

Theo
Phạm Hải
(Exness)
Nguồn bài viết:
https://fxnews.exness.com/vi/nen-nhat-la-gi/