Sau rất nhiều chờ đợi, thị trường chứng khoán phái sinh đã chính thức được vận hành vào 08/2017. Sự kiện này đánh dấu thêm một bước hoàn thiện cấu trúc thị trường tài chính đầu tư của Việt Nam.Thị trường chứng khoán phái sinh cung cấp cho nhà đầu tư một kênh đầu tư mới cũng như là công cụ để nhà đầu tư phòng vệ rủi ro.

Trong giai đoạn đầu vận hành, chỉ có duy nhất một sản phẩm được đưa vào giao dịch là hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Sắp tới vào quý 3/2018, thêm một sản phẩm mới nữa dự kiến sẽ đi vào vận hành là Chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant).

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30
Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là thỏa thuận mua bán chỉ số VN30 tại mức giá định sẵn với ngày đáo hạn trong tương lai. Nếu chỉ số VN30 vào ngày đáo hạn cao hơn giá hợp đồng giao dịch thì bên mua (Long) sẽ có lời, và ngược lại.

Với công cụ này, nhà đầu tư có thể đầu tư vào thị trường chung thay vì đầu tư vào một vài cổ phiếu. Hơn nữa, nhà đầu tư có thể thực hiện bán khống, vốn chưa được cho phép ở thị trường cơ sở.

Ngoài ra, hợp đồng tương lai có thể dùng phòng vệ rủi ro. Bằng cách bán hợp đồng tương lai, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu trên thị trường cơ sở có thể hạn chế thua lỗ trong trường hợp thị trường giảm điểm.

Để giao dịch hợp đồng tương lai, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ một lượng tiền bằng 10% giá trị hợp đồng. Vì tỷ lệ đòn bẩy lớn, hợp đồng tương lai có thể đem lại lợi nhuận cao, nhưng cũng đi kèm với rủi ro thua lỗ lớn. Để hạn chế rủi ro thanh toán từ cả 2 phía mua và bán, hợp đồng tương lai được thanh toán lãi/lỗ hằng ngày thông qua trung tâm lưu ký.

Chứng quyền có đảm bảo
Chứng quyền có đảm bảo là một loại công cụ cho phép người sở hữu có quyền (không phải nghĩa vụ) mua/bán một loại tài sản cơ sở tại một mức giá xác định vào trước hoặc vào ngày đáo hạn.

Trong giai đoạn đầu triển khai tại thị trường Việt Nam, chứng quyền là quyền mua (call) kiểu Châu Âu (chỉ thực hiện quyền vào ngày đáo hạn), với tài sản cơ sở được chọn là cổ phiếu thuộc VN30 hoặc HNX30 đáp ứng các tiêu chí về giá trị vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ tự do chuyển nhượng, …

Để sở hữu chứng quyền, nhà đầu tư chỉ phải trả một khoản phí cố định cho tổ chức phát hành (công ty chứng khoán) và không phải thực hiện ký quỹ. Nếu giá cổ phiếu cơ sở tăng lên cao hơn so với giá thực hiện của chứng quyền vào ngày đáo hạn, nhà đầu tư sẽ có lời.

Ngược lại, nếu giá cổ phiếu thấp hơn giá thực hiện, nhà đầu tư không thực hiện quyền và chỉ chịu lỗ mức tối đa bằng phí mua quyền. Như vậy, đây là một công cụ đầu tư có tỷ suất sinh lời không giới hạn trong khi mức lỗ tối đa đã xác định trước.

Vì trong giai đoạn đầu, chỉ có quyền mua được triển khai, nên nhà đầu tư chưa thể thực hiện phòng vệ bằng cách sử dụng công cụ này.

Xem chi tiết bài viết tại:
https://online.hsc.com.vn/tin-tuc/de...phai-sinh.html