Trên trang mạng của BBC gần đây có đăng tải một số bài viết nêu ý kiến của một số người về vấn đề bầu cử và ứng cử ở Việt Nam. Sở dĩ thời điểm này lại rộ lên những bài viết liên quan đến vấn đề bầu cử, ứng cử với những ý kiến trái chiều, có tính chất kích động dư luận là bởi hiện nay chúng ta đang chuẩn bị cho kỳ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Cũng như các nước trên thế giới, quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong các bản Hiến pháp của nước ta từ trước tới nay. Hiến pháp 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta đã ghi nhận quyền này tại Điều thứ 18: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”. Quyền bầu cử và ứng cử tiếp tục được khẳng định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp sau đó. Điều 27, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
Điều 3 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định, người ứng cử đại biểu Quốc hội “phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội”, trong đó có điểm 1, điều 22 như sau: “Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Như vậy, tiêu chuẩn đầu tiên là đại biểu Quốc hội phải trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. Mà trong Hiến pháp, có Điều 4 quy định rất rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam-Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Hiến pháp và pháp luật quy định rất rõ các điều kiện, tiêu chí những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội để nhân dân có thể lựa chọn, bầu ra những người ưu tú nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình. Bên cạnh những người tự ứng cử có động cơ trong sáng, thì cũng có những đối tượng lợi dụng tự ứng cử để phủ nhận Điều 4 của Hiến pháp, không chấp nhận con đường XHCN, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tức là không tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, làm sao các đối tượng này có đủ tư cách là đại biểu Quốc hội? Do đó đối với những đối tượng này thiết nghĩ, các cơ quan bầu cử phải kiên quyết loại bỏ hồ sơ ứng cử của những người có hành vi lợi dụng bầu cử để chống phá ****, Nhà nước ngay từ khâu sàng lọc; làm rõ mục đích tham gia ứng cử trên các phương tiện thông tin đại chúng để tránh “gây nhiễu” cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND.
Ngoài ra, cần phân biệt rõ việc đáp ứng quyền ứng cử của công dân với việc nhận xét, đánh giá của cử tri và chính quyền địa phương. Có một số trường hợp khi chuẩn bị hồ sơ, chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận vào hồ sơ nêu đúng thực tế họ chấp hành đường lối, chính sách của ****, pháp luật của Nhà nước như thế nào thì lại bị cho rằng “phân biệt đối xử”. Chẳng hạn, một người tự ứng cử khi đến UBND phường Lý Thái Tổ để đề nghị xác nhận sơ yếu lý lịch của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đã được cán bộ tiếp nhận hồ sơ và đưa lại giấy hẹn ngay ngày hôm sau. Phát hiện sơ yếu lý lịch khai có điểm chưa chính xác, lãnh đạo phường đã ghi bổ sung xác nhận người này “tham gia **** Dân chủ Việt Nam; đã từng được thành viên của **** Việt Tân ở hải ngoại tiếp đón, tham gia phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ; dự hội thảo hướng tới nền báo chí độc lập tại Việt Nam; đã từng tụ tập đông người trái pháp luật 12 lần ở địa bàn công cộng quận Hoàn Kiếm, vi phạm Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 18-3-2005 của Chính phủ; là công dân không gương mẫu”. Theo chính quyền địa phương, những thông tin này đều có cơ sở thực tế và được cơ quan chức năng cung cấp. Vậy thì nhận xét trên là đúng quy định của pháp luật, nhằm giúp cho nhân dân đánh giá thông tin người tự ứng cử một cách xác thực, đầy đủ, toàn diện, không thể coi đó là gây khó dễ hay phân biệt đối xử...
Thiết nghĩ, Dù ở Việt Nam hay các nước khác trên thế giới, thì bất cứ công dân nào khi ứng cử đại biểu quốc hội thì trước hết phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của quốc gia đó. Và để cho việc bầu cử khách quan, dân chủ, minh bạch thì các cơ quan, ban, ngành cần sàng lọc, kiểm tra, đánh giá đầy đủ, toàn diện các thông tin của những người ứng cử đại biểu quốc hội để giúp nhân dân chọn được những đại biểu chân chính, tâm huyết đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình.