Thời gian gần đây, khi dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (gọi tắt là dự án cảnh quan ven sông) được triển khai thi công thì có một số ý kiến cho rằng công trình “lấp sông” sẽ làm thay đổi dòng chảy. Trong khi đó, rất nhiều người dân đang nôn nóng, chờ đợi về một dự án sẽ làm thay đổi bộ mặt của vùng đất Biên Hòa hôm nay…

Chiều dài dự án hơn 1,3 km từ công viên Nguyễn Văn Trị đến cầu Rạch Cát, phường Quyết Thắng với tổng diện tích hơn 8,4 hécta; đoạn từ bờ lấn ra sông chỗ rộng nhất hơn 100m.

* Trả lại bờ sông bị sạt lở

Hướng dẫn chúng tôi đi dọc theo công trường đang thi công, ông Hồ Bạch Sơn, Phó ban quản lý dự án cảnh quan ven sông Đồng Nai thuộc Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát - đơn vị chủ đầu tư, cho biết nhìn từ trên cao thì đoạn bờ sông ở khu vực này rất ngoằn ngoèo. Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng nham nhở đó là do quá trình của dòng chảy tự nhiên hàng trăm năm qua gây nên, sau này còn có sự tác động của con người. Nếu so sánh đoạn phía trên và phía dưới dự án thì khu vực này chẳng khác gì chiếc “bao tử” phình ở khúc giữa, những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy điều đó.

Về thông tin dự án cảnh quan ven sông Đồng Nai không được báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương mà do lãnh đạo tỉnh quyết định, theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thanh Lâm, Điều 21, Nghị định số 11/2013 của Chính phủ nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với các trường hợp dự án quy mô sử dụng đất từ 100 hécta trở lên; dự án thuộc địa giới hành chính của 2 tỉnh trở lên, hoặc khu vực có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng. UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 hécta đến dưới 100 hécta sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư các dự án còn lại. Như vậy, dự án cảnh quan ven sông Đồng Nai quy mô chỉ 8,4 hécta nên không cần xin ý kiến của Bộ Xây dựng mà do lãnh đạo tỉnh quyết định sau khi đã thống nhất chủ trương.

Theo ông Sơn, sau ngày khởi công dự án (17-9-2014) đến nay, các hộ dân ven sông rất vui vẻ khi thấy tiến độ thi công được thực hiện bài bản, không gây ô nhiễm môi trường; không có trường hợp nào phản ứng như một vài ý kiến lo ngại. Điều này trùng hợp với nhận định của Phó chủ tịch UBND phường Quyết Thắng Lê Ngọc Toàn trong việc chính quyền địa phương tổ chức gặp gỡ, lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại khu đất có đề án quy hoạch. Qua đó, phần lớn người dân đều đồng thuận với chủ trương xây dựng dự án cảnh quan ven sông Đồng Nai. Ông Nguyễn Văn Bình, ngụ tại KP.2, phường Quyết Thắng, tâm sự: “Gia đình tôi sống trên mảnh đất này đã hơn 80 năm nên chúng tôi rất gắn bó với dòng sông như là một phần không thể tách rời trong cuộc sống. Chính vì vậy, nghe thông tin đây là dự án làm đẹp cho dòng sông và cảnh quan bờ sông, người dân chúng tôi ủng hộ ngay”.

Đề cập về khía cạnh thiết kế tổng thể, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, điểm nhấn của dự án là tạo ra hình ảnh một đô thị mới. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân sẽ có một nơi lý tưởng tham quan, vui chơi, bởi đây là một vị trí rất đắc địa. “Thực tế, không thể chọn được một địa điểm nào khác phù hợp hơn khu vực này để thực hiện dự án. Vấn đề là trong quá trình xây dựng, làm sao thể hiện công trình xứng tầm của một thành phố mang giá trị lịch sử lâu đời. Vì vậy, phối cảnh kiến trúc, cảnh quan các tòa nhà, mảng xanh phải thể hiện nét đặc trưng riêng cho Biên Hòa - Đồng Nai” - ông Dũng chia sẻ.

* Phù hợp với yêu cầu phát triển

Trong năm 2009, khi thực hiện dự án đánh giá tác động dòng chảy sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh, PGS.TS Hoàng Văn Huân, Chủ nhiệm dự án; PGS.TS Tăng Đức Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học - thủy lợi miền Nam, khẳng định việc xây dựng công trình thuộc dự án cảnh quan ven sông Đồng Nai không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực của dòng chảy; không làm ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận. Từ kết luận này, UBND tỉnh sau đó đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng tiến hành khảo sát, nghiên cứu, tổ chức hội thảo, tọa đàm với các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về kiến trúc, xây dựng… nhằm tiếp thu những ý kiến phản biện để củng cố, hoàn thiện hồ sơ dự án một cách đầy đủ nhất.

Phối cảnh tổng thể dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Nói về tính khả thi trong việc quy hoạch dự án cảnh quan ven sông Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: Đây là dự án thuộc khu đô thị hỗn hợp hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển chung của đô thị loại I Biên Hòa, góp phần cải tạo và bảo vệ bờ sông Đồng Nai cũng như cảnh quan bên sông; đồng thời nâng cao môi trường sống và tăng cường mảng xanh cho thành phố. Điều đáng lưu ý ở chỗ, dự án được thực hiện thì hầu hết dân cư tại chỗ không phải di dời, ngoài một số trường hợp thuộc phạm vi phải mở đường giao thông kết nối. Bên cạnh đó, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng; các công trình công cộng có ý nghĩa văn hóa lịch sử của địa phương được bảo tồn, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu không gian cảnh quan kiến trúc chung.

Trong khi đó, trao đổi về những vấn đề liên quan đến quá trình thi công dự án có thể gây ô nhiễm nguồn nước,bà Võ Niệm Tường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên - môi trường, xác nhận chủ đầu tư thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu tác động đối với dòng sông. Theo đó, doanh nghiệp đã sử dụng các thiết bị nạo vét chuyên dụng; lắp đặt ngăn chứa nước bùn trên sà lan kín, an toàn; bố trí bãi chứa bùn lót có các ngăn để nước sau khi bùn lắng mới thoát ra sông, vì vậy không ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt mà hàng triệu gia đình đang sử dụng.

Tiến sĩ toán - lý Đỗ Tấn Sĩ, Phó chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, TP.Hồ Chí Minh: Thực hiện dự án là hoàn trả lại bờ sông như cũ

Gia đình tôi có nhiều đời gắn bó với vùng đất Biên Hòa thân yêu. Bản thân tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Đồng Nai, ngay vị trí đang thi công dự án cải tạo cảnh quan ven sông Đồng Nai nên tôi luôn đau đáu về nơi mà mình sinh sống. Tôi đã từng học và làm việc ở Vương quốc Bỉ nhiều năm, song trong ký ức tuổi thơ của tôi vẫn không thể quên hình ảnh dòng sông hiền hòa bị sạt lở từ cách đây 50-60 năm về trước. Dạo ấy, những chái nhà, vườn cây, đất sản xuất của nông dân cứ mất dần, kéo dài đến sau này khiến bờ sông Đồng Nai đoạn từ công viên Nguyễn Văn Trị đến đình Phước Lư (phường Quyết Thắng) trở nên ngoằn ngoèo, nham nhở khoét sâu vào bên trong bờ hàng trăm mét. Nay công trình được xây dựng ngay tại khu vực bị sạt lở là cách chúng ta hoàn trả lại vị trí đất đã trôi dạt ngày trước; nói cách khác là nắn lại bờ sông cho thẳng. Nói lấp sông là không chính xác, vì với 8,4 hécta so với mặt nước đoạn sông này lên đến hơn 100 hécta.

Theo thông tin về dự án thì ngoài việc cải tạo cảnh quan đô thị, người dân Biên Hòa nói riêng và Đồng Nai nói chung sẽ được thụ hưởng nhiều công trình công cộng, như: công viên cây xanh, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… điều này sẽ góp phần tích cực thay đổi diện mạo cho TP.Biên Hòa, một vùng đất đã hình thành từ hơn 300 năm qua nhưng chưa có công trình hiện đại, xứng tầm nào như dự án này.
Tạ Nguyên - Ngọc Liên
Báo Đồng Nai