Nhiều doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp, án huỷ niêm yết treo lơ lửng
_____________________________

Chưa có báo cáo tài chính kiểm toán nhưng KQKD thua lỗ năm 2013 cho thấy: Nhiều doanh nghiệp chưa thoát khó và án huỷ niêm yết bắt buộc đang treo lơ lửng!

Mùa báo cáo đang diễn ra nhanh và có lẽ là thời gian chưa đủ để các Sở, ban ngành có thể cảnh báo sớm việc doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp cho nhà đầu tư.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp hoặc lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc. Tất nhiên, việc huỷ niêm yết hay không vẫn còn chờ cơ quan chức năng công bố dựa trên báo cáo kiểm toán.

Bài viết này dựa vào báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đã công bố để thống kê các doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp và bị lỗ luỹ kế vượt vốn điều lệ để nhà đầu tư tham khảo.

Nhiều doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp

BHC- Công ty Cổ phần Bê tông Biên Hòa: Lỗ tiếp gần 16 tỷ đồng năm 2013 khiến BHC lỗ 3 năm liên tiếp. Năm 2011 và 2012 công ty lỗ lần lượt là 13,9 và 20,3 tỷ đồng.

BVG-Công ty Cổ phần Thép Bắc Việt: BVG đã bị HNX đưa vào diện bị kiểm soát từ hồi tháng 4 năm 2013 do Lợi nhuận sau thuế của công ty trên Báo cáo tài chínhkiểm toán hợp nhất 02 năm gần nhất sau khi tính đến ngoại trừ của kiểm toán làsố âm (Năm 2011: -26.403.081.218 đồng ; Năm 2012: -43.825.553.091 đồng). Sang năm 2013, công ty tiếp tục lỗ gần 7,3 tỷ đồng.

ILC-Công ty Cổ phần Hợp tác Lao động với Nước ngoài: Năm 2013 công ty báo lỗ 11,62 tỷ đồng sau khi đã lỗ 9,76 tỷ đồng năm 2012 và lỗ 31,81 tỷ đồng năm 2011.

Ô tô Giải Phóng (GGG) lỗ 64,4 tỷ đồng năm 2013 và lỗ sau thuế chưa phân phối cuối năm 2013 lên đến 154 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với vốn điều lệ cùng thời điểm là 96,35 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp công ty báo lỗ. (Năm 2011: -65.257.836.634 đồng, năm 2012: -27.342.982.406 đồng).

HHL- Công ty Cổ phần Hồng Hà Long An: Năm 2013 công ty thua lỗ 2,79 tỷ đồng sau khi đã lỗ 14,13 tỷ đồng năm 2012 và 12,96 tỷ đồng năm 2011. Lỗ sau thuế chưa phân phối cuối năm 2013 là 27,93 tỷ đồng, nhỉnh hơn vốn đầu tư của chủ sở hữu tại cùng thời điểm một chút (VĐL 27,48 tỷ đồng).

MMC-Công ty Cổ phần Khoáng sản Mangan: Năm 2013 công ty lỗ 5,9 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp công ty báo lỗ. Năm 2012 đã lỗ 3,96 tỷ đồng và năm 2011 lỗ 2,78 tỷ đồng.
MIC-Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam: Năm 2013 công ty báo lỗ 1,67 tỷ đồng sau khi đã lỗ 9,73 tỷ đồng năm 2012 và lỗ 13,66 tỷ đồng năm 2011. Hồi tháng 9 năm 2013, HNX chấp thuận đưa cổ phiếu MIC ra khỏi diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tại Báo cáo tài chính bán niên hợp nhất năm 2013 đã được soát xét ngày 29/8/2013 bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán đạt giá trị dương (258.842.691đồng). Tuy nhiên, thua lỗ trong quý 3, 4 đã khiến MIC lỗ năm 2013.

Nam Vang (NVC) lỗ 3 năm liên tiếp. NVC lỗ hơn 140 tỷ đồng năm 2013 và 3 năm liên tiếp đã bị thua lỗ, vốn chủ sở hữu bị âm hàng trăm tỷ. Lỗ sau thuế chưa phân phối cuối ănm 2013 là 296 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ tại cùng thời điểm (160 tỷ đồng). Công ty vẫn chưa công bố báo cáo kiểm toán nhưng cơ hội để Nam Vang bám trụ lại sàn niêm yết là khá mong manh.

PVA- Công ty Cổ phần Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2013 với mức lỗ ròng hơn 28 tỷ đồng cả năm. Như vậy, PVA đã lỗ 3 năm liên tiếp (2011 lỗ hơn 2 tỷ đồng, năm 2012 lỗ gần 145 tỷ đồng).

PSG-Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn: Không những lỗ 208 tỷ đồng năm 2013 sau khi đã thua lỗ 251 tỷ đồng năm 2012 và lỗ 87 tỷ đồng năm 2011 mà PSG còn có số lỗ luỹ kế chưa phân phối 546,85 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ 350 tỷ đồng.
SDB-Công ty Cổ phần Sông Đà 207: Năm 2013 công ty lỗ 36,37 tỷ đồng do một số công trình thi công trước năm 2012 công ty không huy động vốn cho các dự án ngừng trệ trong công tác thanh quyết toán. Năm 2012 lỗ 35,74 tỷ đồng và năm 2011 đã lỗ 28,93 tỷ đồng. Với kết quả năm 2013, công ty đã lỗ 3 năm liên tiếp.

Sông Đà 19 (SJM): Lỗ ròng tiếp 28,5 tỷ đồng năm 2013, SJM đã lỗ 3 năm liên tiếp với số lỗ lần lượt là: Năm 2011lỗ 8,38 tỷ đồng; Năm 2012 lỗ 11,54 tỷ đồng.

VCV lỗ 3 năm. Chưa bị âm vốn chủ sở hữu nhưng thua lỗ năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt là 6,5 tỷ; 44 tỷ, 51 tỷ đã khiến VCV rơi vào trạng thái có khả năng bị huỷ niêm yết bắt buộc. Báo cáo tài chính 2011, 2012 đều đã được kiểm toán, báo cáo tài chính 2013 chưa kiểm toán và số phận VCV hiện vẫn chờ chốt cuối này.

VHH-Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Viwaseen - Huế: Năm 2013 công ty lỗ 4,13 tỷ đồng và đánh dấu 3 năm liên tiếp công ty thua lỗ. Năm 2012 công ty đã lỗ 1,34 tỷ đồng, năm 2011 lỗ 3,77 tỷ đồng.

VTC-Công ty Cổ phần Viễn thông VTC: Sau khi đã lỗ 7,55 tỷ đồng năm 2011, lỗ 3,28 tỷ đồng năm 2012, Viễn thông VTC tiếp tục báo lỗ 1,13 tỷ đồng năm 2013 nâng số năm liên tiếp lỗ lên 3 và đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc nếu kết quả kiểm toán không thay đổi cục diện.

YBC-Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái: Báo lỗ ròng tiếp 19,7 tỷ đồng năm 2013, số lỗ sau thuế chưa phân phối của công ty lên đến 52,5 tỷ đồng, vượt qua vốn điều lệ tại cùng thời điểm là 48,37 tỷ đồng. YBC cũng đã lỗ 3 năm liên tiếp bởi năm 2012 công ty lỗ 19,7 tỷ đồng và năm 2011 lỗ 14,87 tỷ đồng.

Lỗ vượt quá vốn điều lệ

Xây lắp Dầu khí Miền Trung (PXM) lỗ vượt vốn điều lệ. Tính đến thời điểm cuối năm 2013, PXM lỗ 261 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ tại cùng thời điểm. Vốn chủ sở hữu của công ty chính thức bị thâm hụt 108 tỷ đồng.
CTCP Docimexco (mã FDG) công bố KQKD hợp nhất năm 2013 lỗ 116 tỷ (trong khi năm 2012 công ty này lỗ hơn 37 tỷ). Doanh thu bán hàng của FDG đạt hơn 1.500 tỷ, giảm 27% so với năm trước tuy nhiên tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần của công ty này lến tới 97% trong năm 2013, tăng sovới cùng kỳ 2012 (95%). Với kết quả này, FDG có lỗ lũy kế hơn 147 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 132 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Thủy Sản Cửu Long (CLP): Năm 2013 công ty lỗ 78,8 tỷ đồng và đây là năm thứ 2 liên tiếp công ty thua lỗ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm 2013 là hơn 87 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ 80 tỷ đồng.

Thanh Hiên

Theo Trí Thức Trẻ