Phân tích kỹ thuật: Vấn đề khối lượng


Các bài viết trước đã đề cập đến một số phương pháp phân tích phổ biến dựa trên giá cả của cổ phiếu qua các phiên. Tuy nhiên sự phỏng đoán và xác nhận về giá cả trong tương lai không chỉ phụ thuộc vào giá của cổ phiếu tại mỗi phiên mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác trong đó có khối lượng giao dịch trong ngày.

Do đó kỳ này sẽ đề cập đến các vấn đề về khối lượng giao dịch trên thị trường và nguyên tắc chung của các phương pháp phân tích dựa trên khối lượng giao dịch trước khi đề cập cụ thể đến một số phương pháp phân tích thuộc loại này trong các bài viết tiếp theo.

Xem trước:

- Phân tích kỹ thuật (1): Tổng quan.

- Phân tích kỹ thuật (5): MACD - Trung bình động hội tụ/phân kỳ.

- Phân tích kỹ thuật (6): MACD Histogram dự đoán MACD.

1. Giới thiệu chung

Như đã biết, giá cả trên thị trường được quyết định bằng cuộc đấu giữa cung và cầu theo nguyên tắc thuận mua và bán. Sự thuận mua vừa bán này được phản ánh không chỉ qua mức giá cân đối cung cầu mà qua cả khối lượng khớp thành công giữa hai bên. Nói cách khác, bán phải có người mua. Mua mà không có người bán hoặc bán không có người mua là những trạng thái cần phải chú ý trên thị trường, phản ánh mức cung cầu mất cân đối nghiêm trọng.

Hãy xem xét các tình huống sau đây:

- Không ai mua mà cũng chẳng ai bán: đây là trường hợp thị trường đóng băng, hai phe mua bán lừng chừng thăm dò, hàng hóa không được giao dịch hoặc giao dịch với số lượng rất ít trên thị trường.

- Mua mà không ai bán: số lượng mua vào rất lớn nhưng số lượng bán ra nhỏ, khối lượng giao dịch thành công rất ít hoặc không có giao dịch thành công. Tình huống này xảy ra khi hàng hoá khan hiếm, rất nhiều người muốn mua, nhưng không có hàng bán trên thị trường, những người có hàng thì ôm chặt không bán ra để chờ giá lên cao hơn. Lúc này cầu lấn át cung.

- Bán mà không ai mua: số lượng bán ra rất lớn nhưng số lượng mua vào nhỏ. Khối lượng giao dịch thành công là không có hoặc rất nhỏ. Tình huống này xảy ra khi hàng hóa bị coi rẻ, người có hàng thì bán tống bán tháo tìm cách rút lui khỏi thị trường, người chưa có hàng thì chẳng muốn mua vào. Lúc này cung lấn át cầu.

- Mua và bán đều thỏa mãn: khối lượng giao dịch trao đổi trên thị trường lớn, bên mua và bán gặp nhau và đều thỏa mãn. Cung cầu lúc này ở trạng thái cân bằng.

2. Dòng chảy tiền tệ

Một số phương pháp dựa trên khối lượng thường được đặt tên gọi là dòng chảy tiền tệ (cash flow) hàm ý chỉ lượng tiền được rút ra hoặc đưa vào thị trường đối với một loại cổ phiếu. Lượng tiền này thực chất là kết quả của khối lượng giao dịch thành công trên thị trường và giá cả của cổ phiếu trên thị trường. Nếu giá cả tăng thì tương ứng với khối lượng là một lượng tiền được đổ vào thị trường: giá càng tăng cao, khối lượng giao dịch càng lớn thì lượng tiền đổ vào càng lớn. Nếu giá giảm thì tương ứng với khối lượng là một lượng tiền được rút ra khỏi thị trường: giá càng giảm mạnh, khối lượng giao dịch càng lớn thì tiền rút ra càng lớn.

3. Ý nghĩa chung

- Khi giá cả đang tăng, khối lượng giao dịch ít phản ánh tình trạng hàng hóa trên thị trường khan hiếm. Khi đến một mức giá nào đó hoặc đến một giai đoạn mùa vụ nào đó, khi những người nắm giữ cổ phiếu cảm thấy được giá thì họ sẽ tìm cách bán ra, sự bán ra của họ gặp đúng nhu cầu hàng của phe mua khiến cho khối lượng giao dịch thành công tăng cao, tốc độ tăng giá sẽ hãm lãi hoặc giảm giá. Một trường hợp khác là phe mua vào cảm thấy nếu tiếp tục mua vào với giá cao sẽ nguy hiểm nên họ chấm dứt việc mua vào, lượng cầu giảm khiến cho khối lượng khớp thành công không có sự biến đổi tăng đột biến.

- Khi giá cả đang giảm, khối lượng giao dịch ít phản ánh tình trạng hàng hóa trên thị trường bị coi rẻ. Khi đến một mức giá nào đó hoặc đến một giai đoạn mùa vụ nào đó, một số Nhà đầu tư cảm thấy được giá hời và muốn mua vào. Nhu cầu của họ gặp lượng cung bán ra lớn trên thị trường khiến cho khối lượng khớp thành công tăng cao, tốc độ giảm giá chậm lại hoặc tăng giá. Một trường hợp khác là phe bán ra cảm thấy nếu tiếp tục bán ra sẽ bị hớ nên họ chấm dứt bán ra, lượng cung giảm khiến cho khối lượng khớp thành công không có sự biến đổi tăng đột biến.

- Khi giá cả “dập dềnh” với khối lượng giao dịch nhỏ, thị trường ở trạng thái đóng băng. Lúc này không dễ đoán trước được điều gì.

- Khi giá cả “dập dềnh” với khối lượng giao dịch lớn tiềm ẩn một khả năng về sự thay đổi xu thế trong tương lai gần nhưng khó dự đoán. Trong trạng thái này cần theo dõi liên tục và thường xuyên các biến động trạng thái của thị trường dựa trên sự kết hợp với các phương pháp phân tích khác.

Dưới đây là hai ví dụ minh họa vềý nghĩa của khối lượng. Chú ý rằng ví dụ này chỉ minh họa về ý nghĩa chứ không minh họa về cách sử dụng.

Xét ví dụ về Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh - HAX


- Suốt giai đoạn số 1, giá cả biến động dập dềnh, khối lượng giao dịch quá nhỏ, Nhà đầu tư không hào hứng nhiều với cổ phiếu này, đường MACD luôn sát với đường trung bình động EMA của chính nó, giai đoạn này khó có thể dự đoán trước được điều gì.

- Trong suốt giai đoạn từ thời điểm số (2) đến thời điểm số (5) là thời điểm giá Cổ phiếu tăng vọt. Xuất phát từ thời điểm số (2) với sự không hào hứng của Nhà đầu tư nên khối lượng giao dịch nhỏ. Tiếp theo đó với sự tăng giá liên tiếp, nhiều Nhà đầu tư găm hàng lại không bán ra nên khối lượng giao dịch vẫn thấp. Đến thời điểm số (3) một số Nhà đầu tư cảm thấy được giá liền bán ra gặp đúng cơn khát của các Nhà đầu tư khác nên khối lượng giao dịch lớn, giá vẫn tiếp tục tăng vì cầu vẫn lấn át. Những người có hàng lại tiếp tục găm hàng cho đến thời điểm số (4) thì cảm thấy được giá và lại bán ra nhưng vẫn bị cầu lấn át. Lúc này khả năng về một sự thay đổi xu thế đã gần kề khi đã hai lần xảy ra hiện tượng những người có hàng cảm thấy được giá trong đợt tăng giá liên tục này.

Từ thời điểm số (5) đến số (6) có thể coi là biến động dập dềnh với khối lượng lớn tiềm ẩn nguy cơ về sự thay đổi giá khó đoán trước. Trong giai đoạn này nếu quan sát trên MACD sẽ thấy sự tiến sát đến EMA – 9 của chính MACD và khi hai đường này giao nhau đã khẳng định sự xuống giá.

Xét ví dụ khác về công ty Cổ phiếu Hàng Hải Hà Nội - MHC

(Nguồn ảnh đồ thị trái phiếu http://www.vietstock.com.vn )
Giai đoạn số 1 có thể coi là một giai đoạn biến động dập dềnh với khối lượng lớn tiềm ẩn nguy cơ khó đoán trước, trong ngắn hạn giai đoạn này được chia thành các kỳ giảm và tăng giá với khối lượng lớn.

Giai đoạn số 2 là giai đoạn giảm giá, khối lượng giao dịch nhỏ được kết thúc bằng những cú xốc lại về khối lượng giao dịch lớn hơn trong những phiên giảm giá cuối cùng. Ở cuối giai đoạn này có một phiên giá lên với khối lượng lớn hơn các phiên trước, đây là lúc mà một số Nhà đầu tư vội vàng bán ra để giảm lỗ khi thấy có dấu hiệu phục hồi lại.

Các giai đoạn số (3) và (4) là lúc giá biến động dập dềnh, khối lượng giao dịch nhỏ bởi sự giằng co giữa phe mua và bán. Giai đoạn này rất khó dự đoán tuy nhiên cần chú ý xu hướng đi xuống.

4. Cách sử dụng chung

Khối lượng giao dịch thành công, khối lượng đặt mua hoặc đặt bán được coi là nhiều hay ít còn tùy thuộc vào số lượng của cổ phiếu được phát hành trên thị trường và phụ thuộc vào tương quan với khối lượng giao dịch trong các phiên giao dịch của cổ phiếu đó. Một khối lượng có thể được coi là nhiều đối với cổ phiếu này nhưng cũng có thể ít với khối lượng khác. Hơn nữa sự biến đổi của khối lượng giao dịch mới tạo thành ý nghĩa nếu dựa vào khối lượng để phân tích.

Vì vậy, thông thường, các phương pháp phân tích dựa trên khối lượng đều dựa vào sự biến đổi khối lượng giao dịch trên thị trường chứ không phụ thuộc vào một giá trị cụ thể của phân tích. Điều đó có nghĩa là các phương pháp này nhìn nhận vào chiều, hướng của đồ thị mà không chú ý đến giá trị hiện tại trên đồ thị hoặc nếu có thì giá trị này phải được quy chuẩn.

Dựa theo xu thế của đồ thị, các phương pháp phân tích theo khối lượng sử dụng hai yếu tố trên đồ thị là sự xuất hiện của các phân kỳ dương/phân kỳ âm và tốc thay đổi đột biến về khối lượng giao dịch trên thị trường:

- Theo đó một phân kỳ dương xuất hiện thì phỏng đoán và xác nhận về một xu thế tăng giá trên thị trường, một phân kỳ âm xuất hiện thì phỏng đoán và xác nhận về một xu thế giảm giá trên thị trường.

- Một sự biến động đột biến về khối lượng giao dịch sẽ phỏng đoán và xác nhận về sự thay đổi xu thế trên thị trường.

Các phương pháp phân tích về khối lượng cần kết hợp với các phương pháp phân tích khác nhằm tăng cường tính chính xác, giảm độ chậm trễ trong phỏng đoán và xác nhận về xu thế giá cả trên thị trường. Về cách sử dụng chi tiết sẽ được nêu cụ thể theo từng phương pháp phân tích trong các bài viết tiếp theo.