2012 HNM góp 6 tỷ vào future milk để phát triển trước mắt đàn bò 500 con

Điển hình về chăn nuôi bò sữa ở Tuyên Quang
(08/08/2012): Nói đến chăn nuôi bò sữa ở Tuyên Quang, hai năm trước đây đã rơi vào ngõ cụt, song đến thời điểm này chăn nuôi bò sữa đã khởi sắc trở lại với những tín hiệu mới khả quan hơn, nhờ một số doanh nghiệp đã tìm được lời giải cho bài toán này.
Hai năm trước, công ty TNHH sữa Tương Lai (Future milk) đã được UBND tỉnh Tuyên Quang bàn giao lại trại bò Tiền Phong huyện Sơn Dương. Qua thời gian đầu thực hiện, một dự án những tưởng phá sản hoàn toàn nay đã hồi sinh trở lại với một sinh khí mới hoàn toàn khác hẳn. Theo ông Thân Đức Lai – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang: Đây là dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô đầu tư và công suất lớn nhất tỉnh có diện tích 2.500 ha với tổng mức kinh phí đầu tư 19,3 triệu đô la mỹ.

Mục tiêu của dự án là sản xuất sữa nguyên liệu sạch phục vụ nhu cầu thị trường. Dự án được triển khai theo công nghệ chăn nuôi bò hiện đại của Israel. Đặc biệt, dự án đã đầu tư hệ thống vắt sữa tập trung, hệ thống điều khiển làm lạnh, làm mát chuồng trại, hệ thống tưới mát, tưới phân thông minh. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn áp dụng hệ thống trộn rải thức ăn TMR hiện đại với sự hỗ trợ của các phần mềm dinh dưỡng của Israel, đảm bảo tối ưu hóa công tác cho ăn với độ đồng nhất cao.

Theo ông Nguyễn Thiên Hoàng – PGĐ công ty TNHH sữa Tương lai: Bí quyết thành công của công ty là vấn đề quản lý đó là: Công tác lựa chọn con giống tốt, áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới, nhưng phải phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương để làm sao đạt được năng suất cao nhất. Hiện nay công ty đang có gần 700 con bò và bê, trong đó 300 con bò đang cho vắt sữa. Thời gian đầu khi tiếp nhận trang trại này, công ty chỉ vắt được 1,2 tấn sữa/ ngày, nay đã nâng lên trên 4 tấn/ngày. Hơn nữa, toàn bộ sản phẩm sữa ở đây đều được Công ty cổ phần Hà Nội milk ký hợp đồng thu mua. Mặc dù trong 2 năm đầu Future milk vẫn không có lãi, song cả sản lượng và chất lượng sữa đã đảm bảo được mục tiêu mà doanh nghiệp này đề ra.

Từ khi có quyết định 167/CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 26 tháng 10 năm 2001 về một số biện pháp và chính sách phát triển bò sữa ở Việt Nam thời kỳ 2001 – 2010, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách về phát triển chăn nuôi bò sữa. Đến nay, chăn nuôi bò sữa đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc.

Ông Nguyễn Công Tạn – Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết: Tuyên Quang là địa phương điều kiện kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, do vậy tôi đánh giá cao sự cố gắng của địa phương trong việc phát triển chăn nuôi bò sữa. Bây giờ có giống bò tốt hơn, công nghệ tốt hơn, gía sữa cao, nông dân phấn khởi. Nếu như năm 2001, cả nước chỉ có 41.000 con bò sữa thì năm 2012 cả nước đã có gần 150.000 con bò sữa, sản lượng sữa vào khoảng 320.000 tấn. Với định hướng và chỉ đạo tập trung chuyên nghiệp, ngành chăn nuôi bò sữa ở Việt nam đang có những bước phát triển khá vững chắc.

Theo ông Hoàng kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Đàn bò sữa tăng lên, do kỹ thuật và trình độ chăn nuôi của người dân tốt hơn trước. Tuy nhiên với lượng sữa tươi trung bình hiện nay chỉ khoảng 4 lít /người/năm, trong khi ở các nước trong khu vực Asean là 60 lít/người/năm, thì nhu cầu sữa tươi trong nước vẫn còn thiếu rất nhiều, dự báo đến năm 2020, số lượng bò sữa sẽ là 450.000 – 500.000 con và sản lượng sữa tươi đạt 01triệu tấn, ước đạt 35 - 38% nhu cầu tiêu thụ sữa trong nước. Do vậy, phát triển bò sữa một cách bền vững đang là bài toán quan trọng./.