Gần đây một số ý kiến cho rằng cần có biện pháp "huy động 500 (hay 1000) tấn vàng trong dân" chứ cứ để người dân cất số vàng này trong két ở nhà sẽ rất rất lãng phí. Dưới đây là một số suy nghĩ của tôi về vấn đề này trên quan điểm thuần túy lý thuyết kinh tế học (macro).

Thử tưởng tượng một nền kinh tế đóng không có trao đổi ngoại thương và đầu tư với bên ngoài (một island economy như trong textbook kinh tế). Giả sử nền kinh tế đó có "1000 tấn vàng trong dân" và người dân có willingness giữ 800 tấn như một hình thức tiết kiệm (store of value), 200 tấn còn lại được các tiệm vàng giao dịch hàng ngày như một dạng medium of exchange song song với nội tệ. Vào một thời điểm nào đó người dân bất ngờ có nhu cầu giảm tiết kiệm và muốn bán bớt vàng, có thể vì họ cần tăng chi tiêu hay xuất hiện một số cơ hội đầu tư tốt. Điều này cho thấy họ lạc quan hơn về tương lai kinh tế của mình và/hoặc của cả xã hội. Nếu willingness giữ vàng giảm xuống còn 700 tấn, tổng số vàng được giao dịch sẽ tăng lên 300 tấn. Chuyện gì sẽ xảy ra trong nền kinh tế này?


Vì vàng không bị cấm sử dụng như một hình thức medium of exchange, việc lượng vàng được giao dịch hàng ngày tăng lên tương đương như money supply tăng. Nên nhớ việc tăng money supply này nằm ngoài ý chí của central bank, hoàn toàn vì người dân thay đổi willingness của mình vì họ thấy lạc quan về tương lai. Trong ngắn hạn AD tăng lên dẫn đến lạm phát tăng (nhưng giá vàng giảm). AS sẽ tăng trong tương lai (vì đầu tư tăng) còn trong ngắn hạn nó phụ thuộc vào capacity constraint, nghĩa là nền kinh tế hiện tại đã sử dụng hết công suất hay chưa. Nếu nền kinh tế đã hết công suất, AS không thể tăng trong ngắn hạn nên GDP không tăng và kết quả là chỉ có lạm phát gia tăng, nghĩa là người dân đã sai lầm khi quá lạc quan vào tương lai kinh tế và đẩy nền kinh tế phát triển quá nóng. Những lập luận này cho thấy việc "huy động" thêm 100 tấn vàng trong dân sẽ có tác động tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào khả năng "hấp thu" thêm số vốn này của nền kinh tế, nói cách khác là nền kinh tế còn capacity để sản xuất thêm hay không.


Điều này cũng đúng với bất kỳ loại tài sản tiết kiệm nào khác chứ không chỉ với vàng. Khi người dân bán bớt của cải (vàng, đô la, đất đai,...) để đầu tư hay tăng tiêu dùng, có thể vì họ lạc quan hơn hay họ nghe theo lời kêu gọi "huy động vốn trong dân" của nhà nước, thì tác động cuối cùng phụ thuộc vào năng lực sản xuất thực của nền kinh tế vào thời điểm đó. Xét trên quan điểm tiền tệ, central bank hoàn toàn có thể tăng money supply mà không cần người dân bán vàng hay các tài sản khác nếu cơ quan này cho rằng nền kinh tế còn excess capacity. Kinh tế học (Keynesian & monetarism) cho rằng việc money supply tăng do central bank chủ động làm như vậy tương đương như trường hợp người dân lạc quan hơn và gián tiếp làm tăng money supply qua việc bán bớt tài sản. Tất nhiên việc đánh giá capacity của nền kinh tế không dễ nên nếu central bank không "giỏi" thì tốt nhất nên để người dân/nền kinh tế tự quyết định có nên tăng money supply hay không. Tương tự như vậy, kêu gọi hay ép buộc "huy động vốn/vàng trong dân" vừa thừa vừa có rủi ro người làm chính sách đánh giá sai tình trạng capacity constraint hiện tại.


Với một nền kinh tế mở chứ không đóng như giả định ban đầu, capacity constraint sẽ bớt chặt vì người dân có thể bán vàng ra nước ngoài để đổi lấy máy móc, hàng hóa, dịch vụ về cho mục đích đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên điều này chủ yếu giúp cho lạm phát không tăng cao chứ GDP không được lợi gì (sản xuất trong nước không tăng) nếu domestic capacity đã tới hạn. Vậy điều gì giới hạn capacity của một nền kinh tế: cơ sở hạ tầng yếu kém, bị thắt cổ chai, nhân công không đủ trình độ, kỷ luật lao động kém, và nhất là hệ thống hành chính có bản chất đúng với nghĩa đen "hành là chính". Thêm vào đó, trong cái capacity constraint vốn đã quá hẹp này nhà nước lại muốn phần của mình thật nhiều, tất nhiên sẽ crowd out năng lực sản xuất đáng ra phải dành cho private sector. Sẽ là tai họa trong thời điểm hiện tại nếu toàn dân VN nghe theo lời kêu gọi của nhà nước bán hết vàng đi đầu tư và tiêu dùng. Nhưng tôi tin người dân không đến nỗi ... dại như vậy.

Bài viết được trính từ blog của Tiến sỹ Lê Hồng Giang ngày 9/5/2011 (http://kinhtetaichinh.blogspot.com/)