Kính các bác,


Cả đại diện lãnh đạo SQC và cổ đông lớn Đặng Thành Tâm đều khẳng định đã sẵn sàng nguồn vốn để mua lại cổ phiếu của những nhà đầu tư không muốn tham gia dài hạn với Công ty nữa.
Một trường hợp hy hữu trên sàn chứng khoán: doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất và tính rút niêm yết do cho rằng thuế quá cao
Một trường hợp hy hữu trên sàn chứng khoán: doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất và tính rút niêm yết do cho rằng thuế quá cao.

Sự kiện Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) tính rút niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Hiện có nhiều thông tin nhiều chiều về sự kiện này, một phần do nó chưa có tiền lệ và khá… đặc biệt.

Ngày 5/10 vừa qua, Hội đồng Quản trị SQC đã chính thức có nghị quyết xin ý kiến cổ đông về việc rút niêm yết cổ phiếu trên HNX “do điều kiện kinh doanh không thuận lợi”.

Ngày 11/10, SQC tổ chức họp báo để cung cấp những thông tin liên quan đến sự kiện trên.

“Không ảnh hưởng đến lợi nhuận”

Mấu chốt của sự kiện trên, qua thông tin trao đổi từ lãnh đạo SQC, là do mức thuế xuất khẩu xỉ titan hiện bị áp quá cao, dù “sau khi họp bàn chán chê” đã được giảm từ 18% xuống còn 15%, khiến Công ty càng sản xuất càng lỗ. Trong tình thế đó, việc niêm yết cổ phiếu không còn ý nghĩa nữa.

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Trần Triệu Thanh, Tổng giám đốc SQC nói:

“Bản thân chúng tôi cho rằng việc tạm ngưng công đoạn sản xuất xỉ đến nay không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Bởi vì nếu không tạm ngưng, không sản xuất nữa thì chúng tôi cũng không thể xuất khẩu được. Và do lãi suất quá cao nữa, càng sản xuất thì vốn còn ứ đọng và càng lỗ hơn mà thôi.

Bản chất chính việc tạm ngừng này cũng là việc bảo vệ quyền lợi cổ đông. Bản chất vấn đề ở đây là thuế suất chứ không phải tạm ngưng hay sản xuất cầm chừng. Việc tạm ngưng này hoàn toàn không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh…

Có nhiều báo nói chúng tôi vận động rất mạnh với Bộ Tài chính để giảm thuế. Việc này không đúng. Chúng tôi không hề vận động. Chúng tôi là một đơn vị sản xuất, chúng tôi quan tâm làm sao hoạt động sản xuất kinh doanh thật tốt, chất lượng sản phẩm ngày càng cao và tập trung phát triển các đối tác quốc tế để hướng tới các sản phẩm cao cấp hơn. Và chúng tôi cho rằng việc giảm thuế là tất yếu.

Một số nhà đầu tư quốc tế có nói với chúng tôi rằng họ rất bất ngờ với cách tính thuế của Việt Nam; và họ cho rằng với chính sách thuế như thế này thì Việt Nam vẫn còn nghèo, vì còn lâu mới phát triển được các ngành chế biến sâu để tăng giá trị xuất khẩu và giảm nhập siêu.

Chúng tôi thấy việc tạm ngưng sản xuất hoàn toàn không ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Nếu không ngừng thì còn lỗ nhiều hơn, vì lãi suất hiện nay rất cao. Mà việc ngừng của chúng tôi chủ yếu là liên quan đến thuế suất”.

“Choáng váng vì thuế”

Vậy bà có thể cho biết trước khi xây dựng nhà máy và lập kế hoạch sản xuất, SQC trù tính thế nào về chính sách thuế?

Về chính sách thuế, trước khi xây dựng nhà máy, Nhà nước kêu gọi là chế biến và xuất khẩu khoáng sản sâu chứ không phải là sản xuất thô. Khi chúng tôi xây dựng nhà máy này thì chưa có sản phẩm xỉ titan trong danh mục xuất khẩu của Việt Nam, do đó lúc đó chưa có thuế suất này.

Lúc đó chúng tôi tin rằng nếu áp thuế thì nó cũng chỉ khoảng từ 0% - 3% là tối đa. Nhưng mà đến khi Bộ Tài chính ra văn bản với thuế suất đầu tiên là 18% thì chúng tôi choáng váng. Và chúng tôi cũng cố gắng sản xuất chứ không ngừng ngay tại thời điểm đó.

Thông qua con đường của Hiệp hội Titan, của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi tin rằng rồi sẽ có thay đổi ở thuế suất, nhưng thời gian chờ đợi quá lâu, lượng hàng thì cứ chất đầy kho, hiện hàng đã chất quá tải kho rồi.

Vừa qua có những thông tin trái chiều về việc ngừng sản xuất của SQC. Điều này liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin cho thị trường và nhà đầu tư. Vậy tóm lại việc ngừng sản xuất của SQC đã diễn ra như thế nào?

Công ty chúng tôi có nhiều hoạt động, có nhiều công đoạn và sản xuất xỉ titan là công đoạn cuối cùng. Và cuối cùng chúng tôi vẫn nói là tất cả các công đoạn khác chúng tôi vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, không có vấn đề gì cả, chỉ là phần công đoạn cuối cùng là quan trọng nhất, tốn nhiều vốn, nhiều công nhất. Gần như tất cả là tập trung vào công đoạn sản xuất xỉ, vì nó là chế biến sâu, cho nên tất cả vốn gần như nó tập trung ở đây.

Còn việc chúng tôi có vi phạm trong công bố thông tin hay không? Quan điểm của chúng tôi là chúng tôi chỉ tạm ngừng sản xuất trong một công đoạn thôi, chứ không phải ngừng hoàn toàn. Chúng tôi vẫn sản xuất cầm chừng cho nên là chúng tôi không nghĩ là phải công bố thông tin. Chúng tôi hiểu như thế, còn nếu Sở (HNX - PV) nói rằng phạt thì chúng tôi chấp hành thôi. Bởi vì vẫn sản xuất cầm chừng và không phải tất cả các hoạt động đều ngừng hẳn.

Việc tạm ngừng sản xuất như nói trên là bắt đầu từ đầu tháng 7 chứ không phải trong tháng 6 như một số nguồn tin. Từ đầu tháng 7 chúng tôi bắt đầu giảm công suất, chúng tôi đang giảm từ từ chứ không phải ngừng ngay. Thực ra một cái lò luyện đâu phải muốn đóng là đóng được ngay đâu.

Chúng tôi quyết định tạm ngưng công đoạn sản xuất xỉ đến quý 1/2011, vì khả năng thay đổi thuế trong năm 2010 khó có thể xẩy ra, kho hàng của chúng tôi hiện cũng không còn chỗ chứa và hiện tồn kho trên 5 ngàn tấn và thực sự chúng tôi cũng chờ đợi mỏi mòn về sửa đổi chính sách thuế.

Sẵn sàng mua lại cổ phiếu

Về dự tính rút niêm yết cổ phiếu trên HNX, bà có thể cho biết thời điểm cũng như khả năng nối lại niêm yết sau đó như thế nào?

Việc chúng tôi xin rút niêm yết cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự chuyển biến của chính sách thuế.

Nếu ở Việt Nam mà không ai ủng hộ ngành chế biến sâu, mà chỉ muốn khai thác khoáng sản ở mức thô thì sẽ không phát triển được. Việc niêm yết theo đó cũng không còn ý nghĩa nữa. Điều này sẽ do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

Hiện nay SQC vẫn còn nguồn vốn vài trăm tỷ tiền mặt và đầu tư ngắn hạn, nếu một số cá nhân, đơn vị không muốn đi cùng với chúng tôi nữa, chúng tôi sẵn sàng mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị nguồn để mua cổ phiếu quỹ để đảm bảo lợi ích cổ đông.

Nếu thuế suất 15% hiện nay vẫn được giữ nguyên thì các nhà máy sản xuất titan sẽ ngừng sản xuất, và chúng tôi cũng không phải là ngoại lệ.

Nhưng chúng tôi vẫn có niềm tin Nhà nước sẽ nhìn thấy những bất cập trong chính sách thuế hiện nay để có những điều chỉnh. Khi đó chúng tôi sẽ sản xuất trở lại. Và khi thuế suất nếu được giảm về 5% thì chúng tôi sẽ hoạt động hết công suất và mức đóng góp cho ngân sách sẽ nhiều hơn rất nhiều so với hiện nay.

* Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc HNX:

“Một số thông tin báo chí phản ánh một số nhà máy của SQC tạm ngừng sản xuất. Đây là thông tin nhạy cảm, vì việc ngừng sản xuất của các nhà máy titan có thể ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận; và như thế đó là những thay đổi cơ bản cần được công bố thông tin.

Chúng tôi thấy rằng, dù tạm ngừng sản xuất với bất kỳ lý do nào, có thể do khách quan hay do chủ quan, cũng như sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng có lúc thăng lúc trầm, nhưng nếu như có những sự kiện dù thuận lợi hay không thuận lợi thì nghĩa vụ của doanh nghiệp là phải công bố thông tin. Nghĩa vụ đó được quy định rõ trong quy chế công bố thông tin.

Trong trường hợp này SQC tạm ngừng sản xuất và quan điểm của HNX về phía doanh nghiệp đã có sự vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin, dù cố tình hay vô tình, có lý do hay không có lý do”.

* Ông Đặng Thành Tâm, cổ đông lớn của SQC (nắm 60% cổ phần):

“Việt Nam đặt mục tiêu vào năm 2020 cơ bản chấm dứt nhập siêu. Nhưng chúng tôi kiến nghị là chỉ đến năm 2015, nếu đưa ra những chính sách hợp lý để làm sao nhiều doanh nghiệp tham gia.

Đến bây giờ mới chục nhà máy sản xuất titan ngừng hết, rồi báo đăng thì ngân hàng ngừng giải ngân luôn. Đương nhiên là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc này. Đương nhiên có cái là dư luận thấy rõ hơn, quan tâm hơn và tôi tin kiểu gì cũng xuống, không xuống 5% thì xuống 10%, tức là đang trong quá trình xuống. Như thế thì sẽ tạo điều kiện tốt hơn, cộng với sự hồi phục của kinh tế thế giới thì sẽ tạo giá cả nó tốt hơn.

Đương nhiên nếu chính sách thuế không thay đổi thì chắc chắn phải bỏ công đoạn đó để còn làm việc khác”.