VietFracht tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, “tạo đà” ra biển lớn
Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp vận tải biển đã có xu hướng bán bớt đi các tài sản cũ hoặc các tài sản từ các hoạt động kinh doanh khác của mình để tập trung hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh chính của mình. Việc sử dụng nguồn tiền thu được từ việc bán bớt những tài sản trên thế nào cho hiệu quả là điều mà các cổ đông đều quan tâm đến chứ không chỉ có lợi nhuận thu được từ việc bán tài sản
Doanh nghiệp lớn bé đều đăng ký bán tài sản để cơ cấu lại hoạt động kinh doanh
Không chỉ những doanh nghiệp nhỏ như VFR muốn cơ cấu lại hoạt động kinh doanh mà cả những doanh nghiệp lớn như DDM, VNA, VST... hay một doanh nghiệp mới nhất là VOS cũng đều có chủ trương này và đã thực hiện trong thời gian qua. VNA đã bán đi 3 tàu là Hùng Vương 02, Nam Định và Ninh Bình với tổng trị giá là 3,12 triệu USD. DDM đầu năm đã bán tàu Đông Hồ và thu về 2,7 triệu USD. VOS cũng đã thanh lý 3 tàu là Cabot Orient, Đại Hùng và Đại Long thu về khoảng 6,58 triệu USD. Còn với VFR, doanh nghiệp đã bán bớt các tài sản không liên quan nhiều đến hoạt động vận tải biển. Hai nhóm tài sản mà VFR có thể bán bớt để có thể thu được dòng tiền lớn về cho doanh nghiệp này là các khoản đầu tư tài chính và một số bất động sản.
VFR đầu tư ngoài ngành không nhiều chủ yếu đầu tư vào công ty con và liên kết. Các khoản đầu tư tài chính khác đã thoái vốn gần hết. Khoản đầu tư vào Tân Cảng Cái Mép đã thoái vốn và không thua lỗ, thu được 35 tỷ đồng. Khoản đầu tư công ty dịch vụ hàng hóa Nội Bài thu lợi nhuận lớn. Năm 2009, VFR bán đấu giá 300.000 cổ phiếu DV Hàng hóaNội Bài với giá bình quân 52.000 đồng trong thời điểm thị trường không tốt. VFR vẫn còn 400.000 cổ phiếu DV Hàng hóa Nội Bài. DVHH Nội Bài có thế mạnh độc quyền trong việc cung cấp hàng hóa dịch vụ tại sân bay Nội Bài. Cùng với sự phát triển của ngành hàng không thì DVHHNB có thể tiếp tục phát triển mạnh trong năm nay. Với giả định VFR có thể tiếp tục cơ cấu khoản đầu tư này thì mức giá bình quân bán DVHHNB có thể ở mức 50.000 như cũ. Mức lãi thu được là khoảng 16 tỷ đồng.
. Hoạt động cho thuê văn phòng của VFR cũng là một trong những hoạt động đáng chú ý. Các bất động sản của VFR dường như chưa được đánh giá đúng tiềm năng khi mà việc đầu tư xây dựng các bất động sản này chưa được chủ ý nhiều. Các bất động sản lớn của VFR gồm nhà 22 Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, HCM, nhà 73 Lò Đúc, nhà 74 Nguyễn Du, nhà 52 Hòa Mã tại Hà Nội và khu nhà tại Đà Nẵng. Trong đó, các bất động sản có giá trị nhất là các bất động sản tại HCM và Hà Nội. Năm 2010, doanh thu cho thuê nhà tại 22 Phạm Ngọc Thạch (5,034 tỷ) và 73 Lò Đúc là lớn nhất (2,549 tỷ). Theo đó, để có dòng tiền hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh của mình thì VFR có kế hoạch bán tòa nhà tại khu đất vàng Phạm Ngọc Thạch, và giá trị bán ước tính tối thiểu thu được 10 triệu USD. Do chi phí thấp nên mức lãi ước tính khoảng 150 tỷ
Cơ cấu lại hoạt động kinh doanh theo hướng mở rộng hoạt động vận tải biển và đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê
Nếu chỉ bán các tài sản và ghi nhận lợi nhuận mà không sử dụng được dòng tiền thu được một cách hiệu quả thì các doanh nghiệp vận tải biển sẽ khó có thể tạo được sự đột phá trong hoạt động kinh doanh của mình. VFR sẽ có một hướng đi đúng đắn nếu sử dụng hiệu quả các dòng tiền từ việc bán tài sản trên
VFR sẽ sử dụng nguồn tiền thu được từ việc bán khu đất ở Phạm Ngọc Thạch để đầu tư 1 tàu hàng mới với giá 7 triệu USD. Doanh nghiệp có thể cho thuê tàu dài hạn ngay với hợp đồng có thể đạt ít nhất giá 6.800 USD/ngày. Như vậy, có thể ước tính, nếu tàu khấu hao trong 10 năm, 3 năm lên đà sửa chữa 1 lần, mỗi lần khoảng 1 triệu USD thì chi phí khấu hao mỗi năm là khoảng 1 triệu USD, các chi phí vận hành quản lý cho thuê là khoảng 0,5 triệu USD. Doanh thu 1 năm là 2,5 triệu USD. Mức lãi thu được từ việc cho thuê tàu này sẽ là 1 triệu USD/năm tương ứng với khoảng gần 20 tỷ đồng.
Khoảng 3 triệu USD còn lại có thể đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng mới tại Nguyễn Du, Lò Đúc, Hòa Mã. Đây đều là những khu đất vàng có vị trí đẹp trong nội thành Hà Nội nên lúc nào cũng có khách hàng có nhu cầu thuê. Ước tính nếu được xây dựng lại, lợi nhuận thu được từ việc cho thuê văn phòng tại các tòa nhà này có thể lên đến khoảng 15 tỷ/năm.
Với mức lợi nhuận trung bình mỗi năm từ hoạt động kinh doanh chính là khoảng 25 tỷ đồng khi thị trường vận tải biển thế giới ở mức như hiện nay thì lợi nhuận bình quân cho VFR mỗi năm là khoảng 60 tỷ đồng, EPS từ hoạt động kinh doanh truyền thống ước tính khoảng 4.000 đồng/cp. Năm 2010 lợi nhuận đột biến gần 150 tỷ từ việc bán tòa nhà Phạm Ngọc Thạch đã được thực hiện và khoảng 50 tỷ từ việc bán cổ phần của công ty DVHH Nội Bài thì EPS ước tính của VFR xấp xỉ trên 10.000 đồng/cp.
Phú Nguyên